Tin tức

Nguồn nhân lực ứng phó với biến đổi khí hậu: Khoảng trống mênh mông 15/12/2011

0
Việt Nam là một trong 5 quốc gia chịu ảnh hưởng lớn nhất về biến đổi khí hậu (BĐKH). Tuy nhiên, nguồn nhân lực cho BĐKH lại đang thiếu nghiêm trọng cả về số lượng và chất lượng, nhất là tại các địa phương. Đào tạo nguồn lực, nâng cao nhận thức cộng đồng để thích ứng và đối phó với BĐKH đang là vấn đề cấp thiết…

Nguồn nhân lực BĐKH: Thiếu và yếu

Bão, lũ ống, lũ quét, xâm nhập mặn, úng ngập, hạn hán… hầu như năm nào cũng xuất hiện ở Việt Nam với cường độ và tần suất ngày càng mạnh, gây nên những thiệt hại lớn về người, của. Chỉ tính riêng 10 năm trở lại đây (2001-2010), các loại thiên tai đã làm chết và mất tích hơn 9.500 người, thiệt hại về tài sản ước tính chiếm khoảng 1,5% GDP/năm. Do đó, Việt Nam được đánh giá là một trong 5 quốc gia chịu ảnh hưởng lớn nhất về BĐKH.

Thế nhưng thật ngạc nhiên là khâu đào tạo nhân lực nhằm ứng phó với BĐKH ở Việt Nam lại đang tồn tại những khoảng trống mênh mông. Theo TS Tạ Đình Thi, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ TN&MT), đội ngũ công chức, viên chức của ngành TN&MT chưa đáp ứng yêu cầu cả về số lượng và chất lượng. Sau gần 3 năm triển khai "Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với BĐKH" ở tất cả các cấp độ (quốc gia, bộ, ngành, địa phương), trở ngại lớn nhất là sự yếu kém về số lượng và chất lượng nguồn nhân lực. Cán bộ, công chức hiện chủ yếu là kiêm nhiệm, trình độ chuyên môn nghiệp vụ chưa phù hợp với chức năng, nghiệp vụ được giao.


Biến đổi khí hậu ảnh hưởng nghiêm trọng đến Việt Nam nhưng chúng ta chưa có nguồn nhân lực để ứng phó

Nhân lực cho ngành TN&MT vốn đã thiếu nhưng nhân lực cho BĐKH càng thiếu trầm trọng hơn. Một báo cáo của Bộ TN&MT cho thấy đang có sự mất cân đối trong cơ cấu nhân lực của ngành. Trong khi nhân lực quản lý đất đai chiếm 52,2% thì nhân lực phục vụ trong lĩnh vực khí tượng thủy văn và BĐKH chỉ chiếm 1%. TS Trần Hồng Thái, Phó Viện trưởng Viện Khoa học khí tượng thủy văn và môi trường nhấn mạnh, nhu cầu đào tạo nhân lực cho lĩnh vực này đang cực kỳ cấp bách, nhất là ở các địa phương. Trung bình mỗi tỉnh cần ít nhất 10 cán bộ được đào tạo về BĐKH, trong khi hiện hầu hết các tỉnh không có cán bộ chuyên môn bởi đây là lĩnh vực quản lý rất mới. Đó là chưa kể khoảng 700 huyện và 9.000 xã trên cả nước đều cần có cán bộ có kiến thức về BĐKH. Cũng vì là lĩnh vực quá mới nên các cơ sở đào tạo cũng đang trong giai đoạn mở khoa, mở ngành học. Hiện chưa có một trường đại học nào có chương trình đào tạo cử nhân về BĐKH. Phải đợi đến năm 2015, Bộ GD-ĐT mới có thể đưa môn học giáo dục môi trường và BĐKH vào chương trình.

Đa dạng hóa loại hình đào tạo

Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực sẽ giúp Việt Nam thực hiện hiệu quả các hoạt động ứng phó, thêm cơ hội nhận hỗ trợ về tài chính và kỹ thuật từ quốc tế. Phát triển nguồn nhân lực cũng là nền tảng để có thể thực hiện các nhiệm vụ khác của "Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với BĐKH". Cũng theo TS Trần Hồng Thái, để có được một cán bộ khoa học về BĐKH phải mất 15 năm đào tạo, nghiên cứu và cần thêm 5 năm nỗ lực nữa, cán bộ đó mới có thể trở thành một chuyên gia. Đào tạo mất nhiều thời gian trong khi nhu cầu nhân lực cho quản lý, nghiên cứu ở cả trung ương và địa phương đã rất cấp bách. Việc đào tạo nhân lực cho lĩnh vực này cần hướng đến cả 4 nhóm: cán bộ quản lý cấp trung ương và địa phương; các nhà khoa học chuyên sâu; chuyên gia tư vấn các dự án liên quan đến BĐKH và một phần quan trọng là tăng cường sự hiểu biết của người dân. Để đáp ứng nhu cầu nhân lực cả 4 nhóm này càng nhanh càng tốt, phải đa dạng hóa loại hình đào tạo. Bên cạnh việc phát triển hướng đào tạo chính quy ở các trường đại học, các viện nghiên cứu, cần tổ chức các khóa tập huấn, đào tạo ngắn hạn cũng như tăng cường tuyên truyền tới cộng đồng.

Một số chuyên gia cho rằng, trong khi chờ đợi những chương trình đào tạo chính quy, cần đặc biệt quan tâm đến các lớp tập huấn, đào tạo ngắn hạn cho cán bộ trong lĩnh vực BĐKH ở các bộ, ngành, địa phương. Những khóa học này rất hiệu quả, đáp ứng nhanh yêu cầu thực tiễn trước mắt, đồng thời nâng cao kiến thức tới cộng đồng. Hàng trăm lớp tập huấn được tổ chức hướng đến các đối tượng là nhà quản lý TN&MT, phụ nữ, thanh niên, học sinh, người cao tuổi… thời gian qua đã khẳng định hiệu quả khi có những cộng đồng dân cư thích ứng tốt hơn với ảnh hưởng của BĐKH, qua đó giảm bớt thiệt hại do thiên tai gây ra.

Nâng cao nhận thức, giáo dục và đào tạo là yêu cầu cấp thiết, là một trong những nhiệm vụ chiến lược nhằm ứng phó với BĐKH. Điều này đã được khẳng định trong chiến lược quốc gia về BĐKH vừa được Thủ tướng Chính phủ ban hành (ngày 5-12-2011). Trong chiến lược này, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, Việt Nam coi ứng phó với BĐKH là vấn đề có ý nghĩa sống còn, là trách nhiệm của toàn hệ thống. Do đó, các cơ quan hữu quan cần khẩn trương đưa kiến thức cơ bản về BĐKH vào trong các chương trình, bậc giáo dục, đào tạo; phát triển và chính sách đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao các chuyên ngành liên quan đến thích ứng BĐKH và giảm phát thải khí nhà kính.

 Theo thống kê, cả nước hiện có 78 cơ sở đào tạo bậc đại học, cao đẳng các ngành, chuyên ngành về TN&MT. Riêng các trường của Bộ TN&MT đang đào tạo khoảng 7.500 sinh viên hệ cao đẳng và 4.000 học sinh hệ trung cấp. Nhu cầu đào tạo cán bộ, công chức ngành TN&MT giai đoạn 2011-2015 tập trung đào tạo khoảng 150-200 tiến sĩ, ưu tiên các lĩnh vực đất đai, khí tượng thủy văn và BĐKH, địa chất và khoáng sản, tài nguyên nước, đo đạc và bản đồ, biển và hải đảo, kinh tế ngành TN&MT.


Nguồn tin:http://hanoimoi.com.vn