Tin tức

Phương án cho tài chính khí hậu tại Việt Nam 13/06/2013

0
Làm thế nào để tăng cường khả năng tiếp cận và huy động nguồn tài chính cho biến đổi khí hậu? Làm thế nào để sử dụng hiệu quả và hài hóa nguồn tài chính cho biến đổi khí hậu?...




Tại Việt Nam, 10% dân số có nguy cơ bị ảnh hưởng từ biến đổi khí hậu

Đó là những nội dung chính được đề cập tại Hội thảo “Tài chính cho biến đổi khí hậu tại Việt Nam”, tổ chức ngày 11/6.

Hội thảo nằm trong khuôn khổ Biên bản ghi nhớ về hợp tác, điều phối và chia sẻ thông tin ký ngày 18/11/2011 giữa Cục khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu (Bộ Tài nguyên và Môi trường) với nhóm công tác về biến đổi khí hậu của tổ chức phi chính phủ (CCWG), Mạng lưới các tổ chức phi chính phủ Việt Nam và biến đổi khí hậu (&CC). 

Biến đổi khí hậu, Việt Nam là một trong những nước chịu tác động nặng nề nhất. Theo các chuyên gia VNGO&CC, 10% dân số có nguy cơ bị ảnh hưởng, thiệt hại 10% GDP. Biến đổi khí hậu gây lũ, hạn, xâm mặn... Đặc biệt, tại Đồng bằng Sông Cửu Long, 45% đất có thể bị ngập hoàn toàn.

Việt Nam đã và đang nỗ lực triển khai các chiến lược, chương trình, dự án ứng phó biến đổi khí hậu, như: Chương trình Mục tiêu quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu, Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu..., cùng một loạt các kế hoạch hành động, dự án của các bộ ngành, địa phương về ứng phó và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Tại tỉnh Bến Tre, biến đổi khí hậu tác động hầu hết các ngành, lĩnh vực, khoảng 356.615 người sống trong vùng bị ngập.
Thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu, tỉnh Bến Tre là một trong những địa phương được đánh giá có cách làm hay, sử dụng nguồn vốn hiệu quả.

Với mục tiêu xây dựng các dự án thí điểm nâng cao năng lực và thích ứng với biến đổi khí hậu, thời gian từ 2010 – 2015, ông Đoàn Văn Phúc – Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ Môi trường tỉnh Bến Tre – khẳng định: “Từ các nguồn vốn hỗ trợ, tỉnh đã triển khai các dự án mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần cải thiện sinh kế của người dân”.

Chính phủ Việt Nam và các đối tác phát triển quốc tế đã rất nỗ lực huy động các nguồn lực nhằm hỗ trợ cộng đồng và những người dễ bị tổn thương thích ứng với biến đổi khí hậu và hạn chế phát thải nhà kính.

Năm 2013, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý phương án điều chỉnh phân bổ 350 tỷ đồng cho Chương trình Hỗ trợ ứng phó với biến đổi khí hậu (SP-RCC).

Trước đó, Thủ tướng Chính phủ cũng đã đồng ý về nguyên tắc việc triển khai, thực hiện 61 dự án thuộc danh mục các dự án ưu tiên của Chương trình Hỗ trợ ứng phó với biến đổi khí hậu.

Chia sẻ kinh nghiệm sử dụng nguồn tài chính dành cho biến đổi khí hậu tại Việt Nam, ông Lê Công Thành, Cục trưởng Cục Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu mong muốn nhận được nhiều ý kiến đóng góp của các bên để hợp tác chung giữa ba bên ngày càng hiệu quả hơn, góp phần vào nỗ lực chung ứng phó biến đổi khí hậu của Việt Nam.

Bà Vũ Thị Bích Hợp, Trưởng Ban điều hành Mạng VNGO&CC – nhận định, trong những năm vừa qua, các tổ chức phi chính phủ (NGO) và các tổ chức dân sự (CSO) tại Việt Nam đã có những đóng góp tích cực cho công tác ứng phó với biến đổi khí hậu,đặc biệt ở cấp cơ sở và tại những vùng sâu vùng xa.

Tuy nhiên, khi dòng tiền quốc tế bắt đầu chảy, điều quan trọng là các chiến lược, kế hoạch hành động, cơ chế quản trị và thực hiện cần được thiết kế để đáp ứng nhu cầu của các đối tượng dễ bị tổn thương nhất.

Trưởng Ban điều hành Mạng VNGO&CC hy vọng: “Sẽ tiếp tục nhận được nguồn tài chính lớn hơn nữa từ cộng đồng quốc tế, khu vực tư nhân và chính phủ để có thể nhân rộng mô hình ra nhiều vùng trên cả nước, góp phần đảm bảo an ninh lương thực, an ninh nguồn nước, các vấn đề an toàn xã hội và giảm nhẹ phát thải nhà kính ở Việt Nam”.

Kinh nghiệm huy động, tiếp cận tài chính của tỉnh Bến Tre:


Thứ nhất, xây dựng bộ máy, cơ cấu phối hợp hoạt động vững chắc, thống nhất dưới sự chỉ đạo của UBND tỉnh.
Thứ hai, lập đề án cho chương trình hành động
Thứ ba, đầu tư vào các dự án, chương trình đúng mục tiêu ứng phó với biến đổi khí hậu, nhằm phục vụ lợi ích cho người dân
Thứ tư, xây dựng kế hoạch hàng năm, tập trung vào các dự án cấp thiết và lâu dài phù hợp với quy hoạch phát triển
Thứ năm, lựa chọn đơn vị tư vấn đủ năng lực, kinh nghiệm
Thứ sáu, quản lý nguồn vốn minh bạch, rõ ràng, thực hiện theo các quy định pháp luật hiện hành
Thứ bẩy, xây dựng bộ tài liệu ngắn gọn, rõ ràng về tình hình và các chương trình, dự án ứng phó với biến đổi khí hậu của địa phương nhằm thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư
Thứ tám, kêu gọi và sắn sàng tiếp nhận sự hỗ trợ từ các tổ chức chính phủ và phi chính phủ.

Nguồn tin:Theo http://www.baocongthuong.com.vn