Tin tức

Dự án hợp tác kỹ thuật“Pháp triển công nghệ đánh giá rủi ro trượt đất dọc các tuyến giao thông chính tại Việt Nam” 18/04/2014

0
Dự án hợp tác kỹ thuật “Phát triển công nghệ đánh giá rủi ro trượt đất dọc các tuyến giao thông chính tại Việt Nam” đã được đã được chính phủ Nhật Bản và chính phủ Việt Nam chấp thuận, giao cho Bộ GTVT chủ trì tổ chức triển khai thực hiện. Bộ GTVT đã giao cho Viện KHCN GTVT là đơn vị tiếp nhận, điều hành triển khai thực hiện dự án trong thời hạn 5 năm.




Phòng chống sụt trượt đất trong xây dựng công trình giao thông là công tác rất quan trọng, trong bối cảnh biến đổi khí hậu toàn cầu như hiện nay vấn đề này ngày càng được quan tâm sâu sắc và hỗ trợ thực hiện.

Việc nghiên cứu phòng chống sụt trượt đất trên các tuyến đường giao thông ở Việt Nam do Viện KH&CN GTVT chủ trì nghiên cứu và thực hiện đến nay cũng đã có lịch sử 35 năm. Đặc biệt từ cuối năm 2010, nhờ sự hợp tác chặt chẽ của Viện với Hội trượt đất quốc tế xây dựng nên Dự án ODA với tiêu đề “Dự án đánh giá rủi ro trượt đất dọc theo các tuyến giao thông chính tại Việt Nam” trình chính phủ Nhật Bản hỗ trợ và đã được chính phủ Nhật Bản và chính phủ Việt Nam chấp thuận, giao cho Bộ GTVT chủ trì tổ chức triển khai thực hiện. Bộ GTVT đã giao cho Viện KHCN GTVT là đơn vị tiếp nhận, điều hành triển khai thực hiện dự án trong thời hạn 5 năm.

Giới thiệu Dự án hỗ trợ kỹ thuật “Phát triển công nghệ đánh giá rủi ro do trượt đất gây ra trên các tuyến đường giao thông chính tại Việt Nam” bằng nguồn vốn viện trợ không hoàn lại của Nhật Bản

1.1 Tên của Dự án


Phát triển công nghệ đánh giá rủi ro trượt đất
dọc theo các tuyến giao thông chính tại Việt Nam

1.2 Mã số ngành/mã số dự án

Mã số ngành dự án: 72100*[1]
Mã số dự án: 1100219-1-10210-020045

1.3 Tên cơ quan tài trợ

Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA)

1.4 Cơ quan chủ quản

Bộ Giao thông vận tải (MOT)

     Địa chỉ liên lạc: 80 Trần Hưng Đạo, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội
     Điện thoại: (04)3942015              Fax: (04)39423291

1.5 Chủ Dự án

Viện Khoa học và Công nghệ GTVT (ITST)
     Địa chỉ liên lạc: 1252 Đường Láng, Quận Đống Đa, Hà Nội
     Điện thoại: (04)37663404/38347980                Fax: (04)37663403
     Email: hoptacquocte@.gov.vn
     Giấy phép đăng ký hoạt động Khoa học và Công nghệ số 117 ngày 10/07/1993 do Bộ Khoa học-Công nghệ và Môi trường cấp, và số đăng ký A-065 ngày 07/8/2009 do Bộ Khoa học Công nghệ cấp.

1.6  Thời gian thực hiện Dự án

Dự án có thời gian thực hiện trong 05 năm (04/2012 – 2016).

1.7 Địa điểm thực hiện Dự án

Đánh giá rủi ro do trượt đất gây ra trên:

(1)     Đường Hồ Chí Minh (đoạn từ đèo Lò Xo đến thị trấn A Lưới);
(2)     Quốc lộ 1A (đoạn từ Huế đến Đà Nẵng); và
(3)     Tuyến đường sắt Bắc Nam (đoạn từ Huế đến Đà Nẵng).

1.8   Nguồn vốn của dự án

Tổng vốn của Dự án là 103,246.00 triệu đồng (Một trăm linh ba tỷ, hai trăm bốn mươi sáu triệu đồng), trong đó:
a. Phần vốn ODA: 98,195.00 triệu đồng tương đương 400.11 triệu Yên (với tỷ giá 1 Yên = 245.42 Việt Nam đồng theo thông báo giá ngày 21/12/2012 của Vietcombank) do Chính phủ Nhật Bản viện trợ không hoàn lại.

b. Phần vốn đối ứng: 5,051.00 triệu đồng từ Ngân sách nhà nước cấp hỗ trợ cho nguồn kinh phí sự nghiệp khoa học công nghệ hàng năm.
1.9    Hình thức cung cấp ODA

Dự án Hợp tác kỹ thuật sử dụng vốn ODA không hoàn lại.

1.10   Mục tiêu dự án

Mục tiêu ngắn hạn

Phát triển công nghệ đánh giá rủi ro trượt đất nhằm giảm thiểu những thảm họa do trượt đất gây ra trên các trục giao thông chính thông qua hợp tác nghiên cứu, dựa trên công nghệ thử nghiệm của Nhật Bản và phát triển nguồn nhân lực phục vụ việc sử dụng có hiệu quả công nghệ này trong quá trình triển khai tại Việt Nam.
 
Mục tiêu dài hạn

Xã hội hóa triển khai áp dụng công nghệ đánh giá rủi ro trượt đất và hệ thống cảnh báo sớm đã được phát triển thông qua Dự án sẽ góp phần đảm bảo an toàn cho các tuyến đường giao thông huyến mạch và dân cư khu vực miền núi ở Việt Nam.
 
1.11 Đặc điểm khoa học của dự án

Trượt đất là một vấn đề phức tạp và khó lường. Các yếu tố khó lường này tăng lên ở tất cả các bước của việc tiến hành giải quyết xử lý trượt đất, từ việc mô tả khu vực trượt đất hoạt động, định lượng các đặc tính cơ lý của đất đá cho tới việc phân tích, đưa ra giải pháp xử lý và đánh giá hiệu quả. Xu thế hiện nay trong nghiên cứu về trượt đất là đưa ra các quy trình nghiêm ngặt và có tính hệ thống để chính thức hóa thực tiễn triển khai các công việc lên quan đến kĩ thuật xử lý cũng như quản lý trượt đất. Vì vậy, công nghệ đánh giá rủi ro trượt đất giờ đây trở thành một công cụ quan trọng trong việc xác định và làm giảm tác động của những yếu tố khó lường vốn có của những rủi ro trượt đất. 

Đánh giá rủi ro trượt đất hiện cũng là một vấn đề được quan tâm nghiên cứu của các nhà khoa học và giới chuyên môn Việt Nam. Sự hợp tác nghiên cứu giữa các nhà khoa học Nhật Bản và Việt Nam lần đầu tiên về vấn đề trượt đất thông qua Dự án hợp tác kỹ thuật“Pháp triển công nghệ đánh giá rủi ro trượt đất dọc các tuyến giao thông chính tại Việt Nam” sẽ là một bước tiến trong nghiên cứu trượt đất tại Việt Nam. Đồng thời đây cũng là một cơ hội tốt để các nhà khoa học Việt Nam tiếp cận với những công nghệ tiên tiến của Nhật Bản và nâng cao nguồn nhân lực kĩ thuật phục vụ bảo vệ hệ thống cơ sở hạ tầng.

Nguồn tin:Theo Viện KHCN GTVT