Tin tức

MÔ HÌNH THÔNG TIN XÂY DỰNG - BIM (Building Information Modelling) - CHUẨN TƯƠNG LAI TRONG LĨNH VỰC KIẾN TRÚC VÀ XÂY DỰNG. 11/03/2014

0
Với việc ứng dụng giải pháp BIM, toàn bộ quá trình triển khai một dự án xây dựng có khả năng tích hợp tối đa các hợp phần liên quan như phối kết hợp, tính toán số lượng triển khai, dự trù chi phí, phân kỳ tiến độ dự án, kiểm soát sản lượng … Những lợi ích mà các giải pháp và dịch vụ của BIM mang đến cho khách hàng được minh chứng rõ nét trong những dự án đã được triển khai tại Việt Nam.



Trong bất kỳ dự án xây dựng nào từ xây dựng dân dụng đến xây dựng công nghiệp, chắc chắn các nhà thầu và chủ đầu tư đang có trong tay hàng nghìn bản vẽ thiết kế, hàng trăm nghìn đầu mục tài liệu khác nhau, hàng chục đầu mối cung cấp dịch vụ, vật tư và rất nhiều các nhà thầu phụ … Làm thế nào để có thể quản lý một cách tốt nhất, tổng thể nhất và hiệu quả nhất luôn là thách thức lớn đối với không chỉ các nhà thầu xây dựng, mà còn là khó khăn trực tiếp đối với chủ sở hữu dự án.

Thuật ngữ BIM bắt đầu xuất hiện từ những năm 60 của thế kỷ trước trong lĩnh vực đóng tàu và chế tạo máy bay tại Hoa Kỳ, sau hơn 4 thập kỷ hình thành và phát triển, tới thời điểm hiện tại BIM được ứng dụng sâu rộng ở nhiều Quốc gia trên thế giới và đã hình thành nên những tiêu chuẩn bắt buộc. Các Quốc gia đi đầu trong triển khai ứng dụng BIM trên thế giới phải kể đến bao gồm Hoa Kỳ, Na Uy, Anh Quốc, Hàn Quốc, Singapore, Trung Quốc, Nga … Song song với việc ứng dụng, Cơ quan quản lý cấp Nhà nước tại các Quốc gia này còn soạn thảo và ban hành lộ trình và những quy định bắt buộc phải ứng dụng BIM vào thực tiễn.

Có thể nói rằng giải pháp BIM là minh chứng điển hình nhất cho sự thay đổi trong ngành công nghiệp xây dựng. Sở hữu BIM cũng đồng nghĩa với việc chúng ta đã có trong tay một công cụ hoàn chỉnh, có khả năng dự báo những gì sẽ diễn ra tiếp theo trong vòng đời của một dự án xây dựng, với độ chính xác cao hơn nhiều so với những gì chúng ta có trước đây. Hiểu một cách đơn giản BIM là gói giải pháp quản trị xây dựng công trình tích hợp, BIM tạo ra đòn bẩy phát suy sức mạnh của các bản vẽ 2D và các mô hình 3D, chuyển tiếp sang mô hình 4D phục vụ lên kế hoạch triển khai và mô hình 5D phục vụ các phép tính toán ước định.

Giải pháp BIM được phân tách thành các chức năng riêng, có khả năng giải quyết từng phần công việc, dựa trên những yêu cầu và kinh nghiệm thực tiễn triển khai hợp thành. Bảng dưới đây sẽ giải thích chi tiết việc gộp nhóm các chức năng trong BIM theo công năng của chúng.

1.Quản trị thay đổi 2D & 3D (2D & 3D Change Management)

So sánh tập hợp các bản vẽ 2D với các mô hình 3D để xác định những thay đổi/xoá bỏ/bổ sung. Người sử dụng có thể so sánh hệ toạ độ của các mô hình 3D với các tài liệu 2D trong hợp đồng để kiểm tra lần cuối về độ chính xác của các số liệu liên quan.

2. BIM 3D phục vụ cho Mô phỏng hiển thị (3D BIM for Visualization)

Làm việc và giao tiếp với các công cụ và phần mềm bản quyền liên quan trực tiếp với BIM như: Graphisoft ArchiCAD, Autodesk Revit, và Tekla Structures. BIM còn đóng vai trò là công cụ công bố cho AutoCAD Architecture và AutoCAD MEP.

3. BIM 3D phục vụ Xác định Va chạm (3D BIM for Clash Detection)

Mang đến giải pháp tích hợp tối ưu phục vụ cho việc xác định va chạm trong quá trình thi công và phương thức phối hợp giải quyết tình huống, theo đó nhóm kỹ thuật có thể xác định trước các vấn đề có thể phát sinh trong quá trình xây dựng, lập sẵn kế hoạch ứng phó trước vấn đề phát sinh đó trên công trường.

4. 3D BIM for Layout (BIM 3D phục vụ Thiết kế Kiến trúc)

Hỗ trợ các kỹ thuật viên lập thành bản đồ các vị trí trọng yếu trong mô hình ảo của công trình, sẽ được xác định tương ứng bằng các điểm vật lý trên công trường. Chức năng này giúp quá trình thi công diễn ra với tốc độ nhanh hơn nhiều đồng thời loại bỏ chi phí phát sinh do phải thi công lại.

5. 3D BIM for Quantity Takeoff (BIM 3D phục vụ cho Trích xuất Khối lượng)

Có khả năng kết xuất ra tổng số lượng cũng như kích thước xây dựng theo vị trí xác định từ các mô hình BIM. Số liệu liên quan tới số lượng và kích thước được tổng hợp theo vị trí có độ chính xác cao hơn về mặt tiến độ và ước định.

6. BIM 4D phục vụ Kiểm soát Tiến độ & Sản lượng (4D BIM for Scheduling & Production Control)

Được thiết kế với mục tiêu tối ưu hoá công tác tổ chức nhằm chia tách dự án thành các khu vực thi công. Việc quản lý và lên kế hoạch dựa trên cơ sở vị trí giúp đảm bảo chắc chắn rằng các nhóm thi công trên công trường vận hành một cách trơn tru, liên tục ngay từ khi nhận nhiệm vụ cho tới khi hoàn tất mà không gây ảnh hưởng giữa các nhóm thi công với nhau.

Sử dụng để tạo ra lịch tiến độ triển khai xây dựng bằng cách sử dụng các hợp phần của mô hình BIM kết hợp chúng với nhiệm vụ cụ thể, nguyên vật liệu tương ứng, nguồn nhân lực, nguồn cung cấp: Điểm đặc biệt ở đây là tất cả đều được tối ưu hoá theo vị trí và khu vực thi công trên công trường.

Việc lập và đưa ra được tiến độ triển khai mới chỉ là một nửa của cuộc chiến – nửa còn lại chính là việc quản lý thi công và theo dõi sản lượng trực tiếp trên công trường. Việc cập nhật sản phẩm và tiến độ thi công trên công trường được thực hiện gần như trong chế độ thời gian thực bằng cách sử dụng chức năng kiểm soát, chức năng này cho phép dự báo trước tiến độ thi công theo đó những khó khăn và các vấn đề có thể phát sinh sẽ được đánh dấu kết hợp với thời điểm tương ứng dự kiến xảy ra để tiên liệu trước hành động khắc phục phù hợp.

7. BIM 5D phục vụ Ước định (5D BIM for Estimating)

Là giải pháp ước định chi phí giá thành dựa trên kiến trúc mô hình rất mạnh. Phát triển trên nền tảng ý tưởng TCP (Target Cost Planning), mang lại môi trường tốt nhất phục vụ cho các tính toán ước định chi phí giá thành liên quan, sẵn sàng thực hiện việc so sánh một phiên bản này với phiên bản khác và với bất kỳ phiên bản nào đối với TCP nguyên thuỷ. Đây là ứng dụng tính dự trù kinh phí vốn dựa trên cơ sở mô hình, nó cho phép mở rộng nhóm dự án để hiểu một cách trực quan những khía cạnh nào của dự án góp phần vào việc thay đổi giá thành. Việc xem và bổ sung các con số từ hàng này sang hàng kia trong các bảng tính chi chít số liệu đã là chuyện của quá khứ.

8. Quản trị Báo cáo Xây dựng (Construction Management Reporting)

Tại đây tất cả các phiên bản mô hình đã dựng được quản lý một cách chặt chẽ và linh hoạt, thông tin được chia sẻ từ đây cho các nhóm có liên quan, và đặc biệt là cơ cấu tạo báo cáo lấy thông tin từ tất cả các phòng ban nhằm đưa ra những báo cáo liên quan tới khả năng xây dựng, lịch trình bố trí triển khai nguồn lực trên công trường, chi phí và giá thành, những thay đổi so với thiết kế ban đầu, các con số ước định, các báo cáo dòng tiền, và rất nhiều các báo cáo khác dưới dạng tuỳ biến theo chuẩn và yêu cầu thực tiễn của dự án
 
Mô hình BIM cầu Sài Gòn 2 do Công ty SYNECTICS – Nhà cung cấp giải pháp BIM chuyên nghiệp đầu tiên tại Việt Nam  xây dựng
Theo anthi.vn

Nguồn tin:Theo anthi.com.vn