Tin tức

Công nghệ thông tin phải giúp cho người dân có môi trường sống tốt hơn 14/05/2014

0
Thành phố Hà Nội vừa tổ chức công bố kết quả xếp hạng ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong cơ quan nhà nước năm 2013. Cùng với sự kiện này, trước đó kết quả công bố của Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT) tháng 4/2013 đã cho biết Hà Nội đứng thứ hai trên toàn quốc về xếp hạng mức độ ứng dụng CNTT tổng thể.





Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội Phan Lan Tú

Điều đó khẳng định, CNTT đã phát huy tác dụng tích cực, phục vụ đắc lực công tác cải cách hành chính. Đây là tiền đề quan trọng để trong năm nay, Hà Nội phê duyệt, tiến tới triển khai Đề án xây dựng thành phố thông minh hơn, giúp người dân được sống trong môi trường tiện ích hơn, tốt hơn. Giám đốc Sở TT-TT Hà Nội Phan Lan Tú đã có cuộc trao đổi về hiệu quả ứng dụng CNTT.

Đã xây dựng được nền tảng chính quyền điện tử

- Không ai phủ nhận vai trò ngày càng quan trọng của CNTT đối với sự nghiệp CNH, HĐH đất nước. Với vị trí là trung tâm hàng đầu về nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ, TP Hà Nội đã ban hành những chính sách nào để đẩy mạnh ứng dụng CNTT, thưa bà?

- Trong nhiệm kỳ 2010-2015, Đảng bộ TP Hà Nội đã lựa chọn hai mục tiêu tập trung chỉ đạo đó là đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong các cơ quan nhà nước, trong xã hội và tạo chuyển biến về lĩnh vực giao thông. Đặc biệt, năm 2012, HĐND thành phố có nghị quyết thông qua Chương trình mục tiêu về ứng dụng CNTT giai đoạn 2010-2015. Tiếp đó, năm 2013, thành phố cũng đã ban hành quy hoạch về phát triển CNTT đến năm 2020 và tầm nhìn 2030 cùng hàng loạt văn bản pháp lý nhằm tạo khung pháp lý cho việc đẩy mạnh ứng dụng CNTT.

Có thể nói, đến nay Hà Nội đã có hệ thống chính sách về ứng dụng CNTT khá đồng bộ và bài bản. Đi đôi với đó, TP Hà Nội đã đầu tư thỏa đáng phát triển hạ tầng CNTT, đẩy mạnh các ứng dụng trong các cơ quan chính quyền thành phố. Tính riêng năm 2011, thành phố đã đầu tư 207,34 tỷ đồng cho ứng dụng CNTT trong các cơ quan nhà nước. Với chức năng tham mưu, thời gian qua Sở TT-TT đã trực tiếp hướng dẫn các đơn vị xây dựng chương trình ứng dụng và thẩm định các hạng mục đầu tư, bảo đảm đúng yêu cầu, tiêu chuẩn, kỹ thuật.

- Như bà nói, chúng ta đã thống nhất về mặt nhận thức. Tuy nhiên, câu chuyện ứng dụng CNTT không đơn thuần chỉ cần có quyết tâm là thực hiện được, bởi kèm theo đó còn là cơ sở vật chất, trang thiết bị, hơn hết là nguồn nhân lực. Vậy, sau một quá trình đầu tư… cho đến nay, cái mà chúng ta có trong tay là gì, thưa bà?

- Yếu tố căn bản nhất là đến nay chúng ta đã xây dựng được nền tảng của “chính quyền điện tử Thủ đô”. Hiện mạng WAN (mạng diện rộng) của thành phố đã kết nối tới 100% sở, ngành, quận, huyện, thị xã. Ngoài ra có 5 đơn vị hiệp quản đã kết nối. Mạng WAN cấp 2 cũng đã được triển khai đến 253 phường, xã, thị trấn. Trên cơ sở hạ tầng mạng WAN, các giao dịch thông tin giữa các đơn vị các cấp được chuyển dần lên môi trường mạng, đặc biệt hệ thống giao ban trực tuyến của thành phố đã được triển khai đến 100% sở, ngành, quận, huyện, thị xã. Trong thời gian qua, tổng số có tới 48% cuộc họp, giao ban tổ chức theo hình thức trực tuyến (kế hoạch đề ra là 22%) vừa tiết kiệm chi phí, rút ngắn thời gian, vừa tăng số lượng thành phần tham gia, nâng cao chất lượng hội họp. Đây là điều không phải tỉnh, thành phố nào cũng triển khai được như Hà Nội.

Thứ hai, hạ tầng quan trọng của chính phủ điện tử, hay còn gọi là “trái tim” của chính phủ điện tử, chính là Trung tâm dữ liệu nhà nước thì Hà Nội đã xây dựng từ năm 2012, đi vào hoạt động từ năm 2013. Cùng với mạng WAN, mạng LAN tại các đơn vị, Hà Nội đã thiết lập được hạ tầng mạng chia sẻ cho sự vận hành của chính phủ điện tử. Hiện tại đã di trú 98 hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu lớn và nhiều ứng dụng quan trọng của 34 đơn vị về trung tâm; đồng thời tích hợp các cơ sở dữ liệu, ứng dụng dùng chung như: Quản lý văn bản và hồ sơ công việc, hệ thống một cửa điện tử cấp huyện và cấp xã, trang/cổng thông tin điện tử của các đơn vị, các ứng dụng cung cấp dịch vụ công mức độ 3 cho công dân và doanh nghiệp. Tôi xin nhấn mạnh, đây là hạ tầng rất quan trọng, cơ quan vận hành toàn bộ dữ liệu mà không có dữ liệu thì không có thông tin, điều đó đồng nghĩa không thể hoạt động. Hiện tại, Hà Nội đang phát huy rất tốt Trung tâm dữ liệu này.

Thứ ba, thành phố đã triển khai giải pháp an toàn thông tin tổng thể cho mạng WAN giai đoạn 1, bao gồm: Thiết lập hệ thống tường lửa tại nút trung tâm mạng WAN (cổng kết nối ra ngoài internet) và 3 hệ thống thiết bị tường lửa bảo đảm an toàn thông tin cho 3 điểm của mạng WAN là UBND huyện Ứng Hòa, huyện Mỹ Đức và huyện Thanh Oai. Cài đặt phần mềm chống virus cho các máy chủ và máy trạm của 31 đơn vị. Đồng thời đang triển khai thiết bị phát hiện và chủ động ngăn chặn các hành động tấn công mạng tại Trung tâm dữ liệu.

- Có thể nói, so với các tỉnh, thành phố, Hà Nội đã xây dựng hạ tầng kỹ thuật dùng chung tương đối đồng bộ, hiện đại. Vậy còn hạ tầng kỹ thuật nội bộ của các cơ quan nhà nước, đặc biệt là nguồn nhân lực hiện nay có đáp ứng được yêu cầu ứng dụng CNTT không, thưa bà?

- Có thể nói về hạ tầng kỹ thuật nội bộ, cũng như nguồn nhân lực hiện nay tại các cơ quan nhà nước Hà Nội có thể đáp ứng được yêu cầu ứng dụng CNTT hiện tại. Đến nay, tỷ lệ máy tính/cán bộ cần sử dụng trong cơ quan nhà nước của Hà Nội: Khối sở, ngành, quận đạt 100%; khối huyện đạt 87%; cấp xã, phường đạt 70%. Ngoài ra, 100% sở, ban, ngành và UBND quận, huyện, thị xã đã có mạng LAN và internet kết nối tới tất cả các phòng, ban, có máy chủ quản trị mạng và cài đặt các ứng dụng của đơn vị; 100% UBND xã, phường, thị trấn có kết nối internet và 70% có mạng LAN (vượt 10% chỉ tiêu đặt ra). Các phần mềm hệ điều hành có bản quyền cho máy chủ đã được thành phố mua sắm tập trung và triển khai cho các cơ quan nhà nước... Để chuẩn bị cho lộ trình phát triển trong thời gian tới, Hà Nội đã chủ động đào tạo ứng dụng CNTT cho đội ngũ cán bộ chủ chốt cấp thành phố đạt 80%; cấp phòng đạt 40%. Qua 5 năm, Sở TT-TT đã tổ chức đào tạo kỹ năng ứng dụng CNTT và nghiệp vụ quản lý nhà nước về TT-TT cho hơn 6.000 lượt cán bộ, công chức các cơ quan thuộc thành phố. Đó chính là nhân tố để mỗi đơn vị sớm bắt nhịp với việc ứng dụng CNTT phục vụ các nghiệp vụ cơ bản trong cơ quan hành chính nhà nước.

- Nhìn vào bức tranh tổng thể của việc ứng dụng CNTT của cả nước, theo bà, Hà Nội đứng ở vị trí nào?


- Qua kết quả đánh giá mức độ ứng dụng CNTT năm 2012 do Bộ TT-TT công bố tháng 4-2013, Hà Nội đứng thứ 2 trên toàn quốc về xếp hạng mức độ ứng dụng CNTT tổng thể (tăng 17 bậc so với năm 2011). Đánh giá chỉ số sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng CNTT-TT Việt Nam năm 2013 do Ban Chỉ đạo quốc gia về CNTT công bố, Hà Nội đứng thứ 4/63 tỉnh, thành (tăng 6 bậc so với năm 2012). Như vậy, có thể khẳng định ứng dụng CNTT của Hà Nội trong 2 năm (2012, 2013) đã có bước tiến vượt bậc. Như vậy, Hà Nội đang ở vị trí tốp đầu. Với những yếu tố cơ bản đã được đầu tư xây dựng, cùng với chỉ đạo sâu sát của lãnh đạo thành phố và nỗ lực của từng cơ quan, đơn vị, tôi tin tưởng Hà Nội sẽ giữ vững vị trí tốp đầu trong năm 2014 và những năm tiếp theo. Tuy nhiên, điều này cũng đặt ra rất nhiều thách thức và áp lực.

Phục vụ đắc lực cho cải cách hành chính


- Bà khẳng định, những việc Hà Nội đã làm như xây dựng hạ tầng kỹ thuật và ứng dụng CNTT trong các cơ quan nhà nước… đang phục vụ người dân và doanh nghiệp và đẩy mạnh cải cách hành chính. Cụ thể, người dân và doanh nghiệp đã được hưởng lợi gì, thưa bà?

- Một trong những kết quả quan trọng mà TP Hà Nội đạt được là các ứng dụng cơ bản đã được triển khai rộng khắp. Tỷ lệ được cài đặt và sử dụng phần mềm một cửa điện tử tại sở, ban, ngành đạt chỉ tiêu đặt ra là 96%; ở UBND quận, huyện, thị xã đạt 100%; ở UBND xã, phường, thị trấn đạt 55% (vượt 5% so với chỉ tiêu đặt ra đến năm 2015). 100% sở, ban, ngành và các UBND quận, huyện, thị xã có website/cổng thông tin điện tử và kết nối với cổng thông tin điện tử thành phố. Đặc biệt, việc triển khai các dịch vụ công trực tuyến đang được đẩy mạnh. Thành phố đã có 108 dịch vụ công trực tuyến (107 dịch vụ công mức 3 và 1 dịch vụ công mức 4) được triển khai. Với hệ thống trang thiết bị đồng bộ, tổ chức, công dân có nhu cầu giao dịch với cơ quan công quyền dễ dàng tra cứu thông tin, nộp thủ tục hồ sơ trực tuyến thông qua internet và chờ ngày đến nhận kết quả. Rõ ràng, với việc ứng dụng các phần mềm quản lý trong bộ phận một cửa mang lợi ích kép: Vừa thuận lợi trong giao dịch, giảm thời gian, chi phí, đồng thời trực tiếp giám sát kết quả giải quyết giao dịch; còn cán bộ và cơ quan chuyên môn quản lý được hồ sơ, tiến độ, công khai, minh bạch, giảm hiện tượng sách nhiễu, tiêu cực. Hiện tại, 2.300 thủ tục hành chính đã được đăng tải công khai trên cổng GTĐT Hà Nội, khi có nhu cầu giải quyết công việc, tổ chức, công dân có thể truy cập tìm hiểu thông tin, thực hiện theo hướng dẫn các thủ tục cần thực hiện.

Ngoài ra, việc ứng dụng CNTT còn giúp tiết kiệm nhiều khoản chi phí nhờ trao đổi các văn bản, tài liệu chính thức giữa các cơ quan nhà nước của thành phố dưới dạng điện tử. Đó là chưa kể các ứng dụng nội bộ chuyên ngành như quản lý hộ tịch, tài nguyên - môi trường, tài chính... những phần mềm này đã nâng cao hiệu quả làm việc của các cán bộ công chức, viên chức trong các cơ quan hành chính của Hà Nội.

- Thành phố đang triển khai 108 dịch vụ công, trong đó nhiều dịch vụ thực sự tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp, giúp cơ quan chuyên môn hoàn thành nhiệm vụ của mình. Tuy nhiên, cũng có dịch vụ công rất ít người giao dịch. Phải chăng, chúng ta cần tính đến nhu cầu của người dân để triển khai, thưa bà?

- Qua theo dõi, rất nhiều dịch vụ công phát huy hiệu quả. Tuy nhiên, có nơi triển khai dịch vụ công nhưng rất ít người hưởng ứng, gây lãng phí. Từ tình hình đó, theo tôi cần nghiên cứu triển khai những dịch vụ công dựa trên nhu cầu cần thiết của tổ chức, công dân. Nếu không, vừa không phát huy hiệu quả, vừa gây lãng phí tiền của Nhà nước. Tương tự như vậy, việc triển khai ứng dụng CNTT cũng cần tính đến đặc điểm, tình hình và nhu cầu của từng địa phương, đơn vị. Một phường mỗi ngày tiếp nhận tới 100-150 hồ sơ, việc đầu tư hạ tầng và phần mềm ứng dụng CNTT phải khác với một xã mỗi ngày tiếp nhận 15-20 hồ sơ. Việc đầu tư phải phát huy hiệu quả tức thì, chứ không phải đầu tư để... cho oai, không mang lại lợi ích cho người dân.

- Từ năm 2010 đến nay, định kỳ hằng năm, TP Hà Nội đều tổ chức triển khai đánh giá, xếp hạng mức độ ứng dụng CNTT trong hoạt động của các cơ quan. Việc làm này có tác động như thế nào đến các địa phương, đơn vị?

- Thành phố Hà Nội chú trọng đánh giá xếp hạng mức độ ứng dụng CNTT trong hoạt động của các cơ quan nhà nước. Năm 2013, việc đánh giá, xếp hạng được thực hiện theo quy chế và Bộ tiêu chí do Ban chỉ đạo CNTT thành phố phê duyệt và ban hành ngày 22-8-2013 tại Quyết định số 5058/QĐ-BCĐ quy định đánh giá, xếp hạng mức độ ứng dụng CNTT trong cơ quan nhà nước thành phố. Theo đó, việc đánh giá, xếp hạng dựa trên 4 nhóm nội dung chính: Hạ tầng kỹ thuật CNTT; Ứng dụng CNTT trong hoạt động nội bộ và phục vụ người dân và doanh nghiệp; Nguồn nhân lực triển khai ứng dụng CNTT; Cơ chế chính sách và quy định thúc đẩy ứng dụng CNTT. Kết quả xếp hạng được thành phố công bố hôm qua 10-5 đã phản ánh đúng thực chất. Qua đây, giúp các đơn vị thấy được điểm mạnh để phát huy, cũng như những điểm còn hạn chế để có giải pháp khắc phục, cải tiến.

Tiến tới xây dựng thành phố thông minh hơn

- So với yêu cầu của Chương trình mục tiêu về ứng dụng CNTT giai đoạn 2010-2015, chúng ta đã đạt được nhiều kết quả. Vậy, theo bà, còn điều gì chúng ta chưa hài lòng?

- Một nguyên nhân cố hữu vẫn chưa được khắc phục đó là nhận thức của một số cấp ủy, chính quyền về vai trò CNTT chưa đầy đủ, chưa có quyết tâm, không khai thác, phát huy hiệu quả. Cá biệt, có đơn vị đầu tư hạ tầng CNTT chỉ để trang trí, không đem lại kết quả tích cực. Bên cạnh đó, mặc dù đã có quy hoạch phát triển CNTT đến năm 2020, định hướng năm 2030 nhưng chưa có lộ trình cụ thể khiến nhiều địa phương, đơn vị còn loay hoay xác định chiến lược đầu tư. Nhận thức về an ninh thông tin của các cấp, ngành, cán bộ, công chức còn hạn chế. Chưa kể, nguồn lực đầu tư còn thiếu, nhất là các xã còn khó khăn...

- Thời gian thực hiện chương trình mục tiêu chỉ còn hơn một năm. Đây chính là giai đoạn nước rút để chúng ta hoàn thành các mục tiêu. Xin bà cho biết những giải pháp thực hiện trong thời gian tới?

- Nhiệm vụ trọng tâm là sơ kết kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu để xác định nhiệm vụ năm 2015. Cùng với đó, trong quý II này, Sở TT-TT sẽ trình UBND thành phố kiến trúc và lộ trình Chính phủ điện tử để có định hướng tổng thể ứng dụng CNTT xây dựng chính quyền điện tử Hà Nội trong những năm tới. Đặc biệt, chúng tôi đang gấp rút hoàn thiện để trình UBND thành phố Đề án xây dựng thành phố thông minh hơn. Nội dung đề án sẽ tập trung đầu tư xây dựng các yếu tố tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trên cơ sở ứng dụng CNTT, như xây dựng giao thông, y tế, giáo dục thông minh. Công nghệ thông tin được ứng dụng trong hệ thống khám, chữa bệnh bằng điện tử, xây dựng cơ sở dữ liệu về y tế để quản lý người bệnh, tiến tới xây dựng một số bệnh viện thông minh. Xây dựng Thành phố thông minh là lấy người dân là trung tâm, ứng dụng CNTT vào các lĩnh vực để giúp người dân được sống trong môi trường thực sự thoải mái và tiện ích. Tôi tin rằng, với các bước đi bài bản, có trọng tâm, trọng điểm, sau khi đề án được phê duyệt sẽ được triển khai từ năm 2015, người dân sẽ từng bước cảm nhận được sự “thông minh hơn” của môi trường sống của thành phố Hà Nội.

- Xin cảm ơn bà về nội dung trao đổi!




Nguồn tin:Theo hanoi.gov.vn