Tin tức

Nhà Nguyễn cho người vẽ bản đồ Hoàng Sa 23/06/2011

0
Hoàng Sa là một quần đảo tiền tiêu nằm ở Biển Đông. Trong thời kỳ  trị vì đất nước, nhà Nguyễn luôn quan tâm đến quần đảo này và xem như là một nhân tố quan trọng trong vấn đề bảo vệ chủ quyền của vương triều.

Hàng năm triều đình vẫn phái đội Hoàng Sa đi tuần tiễu trên biển. Cái nôi của đội Hoàng Sa là những người ở xã An Vĩnh (Quảng Ngãi). Tuy nhiên, triều đình vẫn cho mộ những người nơi khác để bổ sung vào hải đội Hoàng Sa.


Bản dập mộc bản phản ánh triều đình sai Võ Văn Phú mộ dân ngoại tịch lập làm đội Hoàng Sa


Mộc bản triều Nguyễn sách “Đại Nam thực lục chính biên đệ nhất kỷ”, quyển 22, trang 2, năm Gia Long thứ 2 (1803) chép: “Tháng 7, lấy Cai cơ Võ Văn Phú làm Thủ ngự cửa biển Sa Kỳ, sai mộ dân ngoại tịch lập làm đội Hoàng Sa”.

Một trong những việc mà vương triều Nguyễn rất chú trọng là việc vẽ bản đồ Hoàng Sa. Không những đội Hoàng Sa có nhiệm vụ này mà ngay cả thuyền buôn của các nước nếu vẽ được bản đồ Hoàng Sa cũng được triều đình trọng thưởng.

Sách “Đại Nam thực lục chính biên đệ nhất kỷ”, quyển 55, năm Gia Long thứ 16 (1817) chép: “Tháng 6, thuyền Mã Cao đậu Đà Nẵng, đem địa đồ đảo Hoàng Sa dâng lên. Thưởng cho 20 lạng bạc”.

Trong những lần ra Hoàng Sa, hải đội Hoàng Sa ngoài việc vẽ bản đồ, thăm dò đường biển... còn có nhiệm vụ khai thác những sản vật tại Hoàng Sa về đem dâng lên triều đình và báo cáo tình hình tại Hoàng Sa.


Bản dập mộc bản phản ánh đội Hoàng Sa của Trương Phúc Sĩ đem những sản vật khai thác ở Hoàng Sa đem dâng triều đình


Mộc bản triều Nguyễn sách “Đại Nam thực lục chính biên đệ nhị kỷ”, quyển 122, trang 23, năm Minh Mạng thứ 15 (1814) chép: “Tháng 3, sai Giám thành đội trưởng Trương Phúc Sĩ cùng thủy quân hơn 20 người đi thuyền đến đảo Hoàng Sa thuộc tỉnh Quảng Ngãi vẽ bản đồ. Khi trở về, vua hỏi về những thứ sản vật ở đấy, Sĩ tâu: Nơi này là bãi cát giữa bể, man mác không bờ, có nhiều thuyền các nước qua lại. Nhân đem dâng vua những thứ chim, cá, ba ba, ốc, sò ngao, đã bắt được ở nơi đó, đều là những vật lạ, ít thấy”. Vua cho trọng thưởng.

Từ việc đội Hoàng Sa phải trình tâu và dâng những sản vật lên triều đình sau những lần công cán trở về cho thấy rằng vương triều Nguyễn có chủ quyền rõ ràng với quần đảo này. Việc phòng thủ cũng như khai thác sản vật ở Hoàng Sa cũng đã chứng minh đó không phải là việc riêng của bộ phận nào, mà đó là việc chung của cả vương triều.

Khắc Niên – Khắc Lịch

Nguồn tin:http://bee.net.vn/