Tin tức

Cơ chế mới cho người hành nghề đo đạc 02/11/2011

0
Chứng chỉ hành nghề - điều kiện tiên quyết để hành nghề đo đạc và bản đồ là điểm mới căn bản và quan trọng nhất được quy định trong Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung về hoạt động đo đạc và bản đồ thay thế Nghị định số 12/2002 về hoạt động đo đạc bản đồ, dự kiến sẽ được trình Chính phủ vào tháng 10 này. Dự thảo Nghị định này có nhiều chính sách mới được đưa vào tạo hành lang pháp lý cho hoạt động đo đạc và bản đồ phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế xã hội trong giai đoạn hiện nay.

Hướng tới quản lý chất lượng sản phẩm đo đạc và bản đồ hiệu quả nhất

Chính sách quản lý năng lực chuyên môn về đo đạc và bản đồ và cấp chứng chỉ hành nghề đo đạc và bản đồ hướng tới quản lý chất lượng nguồn nhân lực tham gia hoạt động đo đạc và bản đồ được đưa lên hàng đầu trong lần sửa đổi, bổ sung này. Sở dĩ chính sách này được hết sức quan tâm bởi lẽ hiện nay, tại Hà Nội và TP.HCM, không chỉ có cơ quan Nhà nước mà có rất nhiều tổ chức, cá nhân tham gia hành nghề đo đạc và bản đồ nhưng trên thực tế cơ quan quản lý Nhà nước lại chưa quản lý được các tổ chức, cá nhân này. Trong số đó, có không ít doanh nghiệp hành nghề nhưng lại không đủ năng lực đã dẫn đến việc tạo ra sản phẩm đo đạc và bản đồ có chất lượng chưa cao, gây thiệt hại đáng kể cho xã hội.



Với việc quy định này, theo bà Phạm Thị Loan, Trưởng phòng Pháp chế Cục Đo đạc và Bản đồ Việt Nam sẽ giúp cơ quan chức năng quản lý được năng lực của cá nhân tham gia hoạt động đo đạc và bản đồ.

Ông Nguyễn Tuấn Hùng, Cục trưởng Cục Đo đạc và Bản đồ Việt Nam cho biết, đo đạc và bản đồ là ngành điều tra cơ bản cung cấp thông tin, dữ liệu, sản phẩm đo đạc và bản đồ phục vụ phát triển kinh tế xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh, nghiên cứu khoa học về trái đất. Vì thế chất lượng sản phẩm đo đạc và bản đồ rất quan trọng, phải được đưa lên hàng đầu. Mọi chính sách quản lý hoạt động đo đạc và bản đồ đều hướng tới quản lý chất lượng sản phẩm đo đạc và bản đồ. Khi chúng ta quản lý được năng lực thì sẽ quản lý chất lượng sản phẩm đo đạc và bản đồ.

Bên cạnh đó, nhu cầu sử dụng thông tin địa lý trong xã hội hiện đang phát triển nhanh và đa dạng. Điều đó kéo theo việc các Bộ, ngành, các thành phần kinh tế tham gia hoạt động đo đạc và bản đồ ngày càng gia tăng. Để giúp các Bộ, ngành quản lý được hoạt động này, trong dự thảo đã bổ sung thêm những quy định nhằm quản lý hoạt động đo đạc và bản đồ chuyên ngành do các Bộ, ngành thực hiện.
 
Thống nhất quản lý hoạt động đo đạc và bản đồ trên toàn quốc
 
Tại Nghị định 12 về hoạt động đo đạc và bản đồ, vai trò của cơ quan quản lý Nhà nước về đo đạc và bản đồ mới chỉ dừng lại ở việc phân công và triển khai nhiệm vụ hoạt động đo đạc và bản đồ cho các Bộ, ngành. Trên thực tế vai trò của cơ quan quản lý Nhà nước về đo đạc và bản đồ ở Trung ương và địa phương hết sức quan trọng nhưng lại chưa có cơ chế và chính sách để các cơ quan này thống nhất quản lý hoạt động đo đạc và bản đồ trên toàn quốc. Chính điều đó dẫn đến việc quản lý đo đạc và bản đồ ở các địa phương chưa được UBND tỉnh thực sự quan tâm và đầu tư đúng mức. Thống kê của 65 tỉnh, thành phố trên toàn quốc cho thấy, hầu hết các Sở TN&MT đều chưa có phòng đo đạc và bản đồ và cán bộ chuyên môn phụ trách công tác này.

Thực tế, tại các địa phương, các Sở, ngành đều có các dự án hoạt động đo đạc và bản đồ nhưng Sở TN&MT là cơ quan chuyên môn giúp UBND các tỉnh quản lý hoạt động đo đạc và bản đồ lại không quản lý được các hoạt động đó.

"Trong lần sửa đổi này, chúng tôi xây dựng cơ chế để các cơ quan này có thể quản lý được các hoạt động đo đạc và bản đồ hướng tới mục tiêu thống nhất quản lý hoạt động đo đạc và bản đồ trên toàn quốc", ông Nguyễn Tuấn Hùng cho biết. Cụ thể : Bộ TN&MT chịu trách nhiệm quản lý toàn bộ hoạt động đo đạc và bản đồ trên phạm vi toàn quốc; các Bộ, ngành liên quan chịu trách nhiệm về hoạt động đo đạc và bản đồ thuộc phạm vi quản lý của Bộ, ngành theo chức năng và nhiệm vụ. Đối với cấp tỉnh, UBND cấp tỉnh phê duyệt các dự án có hạng mục đo đạc và bản đồ sau khi có ý kiến của Sở TN&MT về sự cần thiết, phạm vi nhiệm vụ, giải pháp kỹ thuật công nghệ của hạng mục đo đạc và bản đồ.

Theo Thứ trưởng Bộ TN&MT Nguyễn Mạnh Hiển, việc xây dựng tốt Nghị định về đo đạc và bản đồ sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc nâng lên thành Luật Đo đạc và Bản đồ sau này. Trước mắt khi Nghị định này được ban hành, cơ quan quản lý Nhà nước, tổ chức, cá nhân hoạt động đo đạc và bản đồ sẽ có cơ sở pháp lý để quản lý và hoạt động đo đạc và bản đồ hiệu quả.
 

Nguồn tin:http://www.monre.gov.vn