Tin tức

Bản đồ số cho Tây Nguyên 13/06/2011

0
Lần đầu tiên, 5 tỉnh Tây Nguyên có một hệ thống cơ sở dữ liệu nền thông tin địa lý đi kèm với bộ bản đồ địa hình tỷ lệ 1/10.000 dạng số hoàn chỉnh. Đây không chỉ là một bộ sản phẩm đánh dấu sự chuyển đổi về công nghệ đo đạc bản đồ mà còn là một bộ công cụ phục vụ đắc lực cho công tác quy hoạch, điều hành ở vùng kinh tế có vị trí trọng yếu nhất cả nước.



7 lớp thông tin tích hợp trên bản đồ nền


Khi Chính phủ phê duyệt Dự án "Thành lập cơ sở dữ liệu nền thông tin địa lý tỷ lệ 1/10.000 gắn với mô hình số độ cao phủ trùm cả nước" năm 2007, Bộ TN&MT đã chọn Tây Nguyên làm điểm khởi đầu. Lý do là bởi khu vực này vốn được ưu tiên đặc biệt trong phát triển kinh tế và an ninh quốc phòng. Và để phát triển nhanh, mạnh, bền vững thì rất cần các công cụ hỗ trợ quản lý hiện đại. Hệ thống thông tin địa lý (GIS) có thể xem là một công cụ như thế.


Thứ trưởng Bộ TN&MT Nguyễn Mạnh Hiển phát biểu tại Hội nghị

Dự án đã thiết lập 1183 mảnh bản đồ tỷ lệ 1/10.000 cho 5 tỉnh, trong đó nhiều nhất là Gia Lai với 385 mảnh, tiếp đến là Đắk Lắk 324 mảnh, Kon Tum 258 mảnh, Lâm Đồng 262 mảnh và Đắk Nông 171 mảnh. Trên mỗi mảnh bản đồ dạng số đều có 7 lớp thông tin. Đó là: nhóm lớp cơ sở toán học, nhóm lớp dân cư, nhóm lớp giao thông, nhóm lớp địa hình, nhóm lớp thủy hệ, nhóm lớp ranh giới hành chính, lớp thực vật. "Từ bản đồ dạng số này, ta có thể tách được 7 tệp tin tương ứng theo 7 lớp thông tin riêng. Từng nhóm lớp thông tin sẽ được dùng theo nhu cầu của các ngành, hoặc có thể tích hợp thêm các lớp thông tin khác trên hệ thống cơ sở dữ liệu này để phục vụ các mục đích chuyên ngành", ông Nguyễn Tuấn Hùng, Cục trưởng Cục Đo đạc và Bản đồ Việt Nam cho biết.

Với tỷ lệ 1/10.000, bức tranh về tự nhiên, dân cư, giao thông… của 5 tỉnh hiện lên khá rõ nét. Từ những công trình cao tầng đến những đồi cây, từ sân bay, bến xe đến từng con đường liên xã. Đi kèm với bản đồ địa hình còn có mô hình số độ cao hiển thị độ cao và tọa độ của từng điểm.

Thông tin trên bản đồ khá chi tiết, phong phú cho từng thôn, xã, phủ trùm toàn tỉnh, toàn vùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk Trần Hiếu cho rằng, đó là cơ sở đầu vào quan trọng, đảm bảo dữ liệu của các đơn vị được xây dựng trên một nền thống nhất. Hệ thống này giúp quản lý tốt tài nguyên, điều tra cơ bản, xây dựng hệ thống thông tin địa lý cũng như giúp cho việc phân tích, đánh giá, hoạch định chính sách phát triển bền vững.
 
 "Trên cơ sở dữ liệu nền thông tin địa lý này cần triển khai xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai cho vùng, phục vụ đa mục tiêu. Kết quả đo đạc, lập bản đồ địa chính sẽ chính xác, tin cậy khi được tích hợp trên hệ thống bản đồ dạng số và được cập nhật thường xuyên"
(Thứ trưởng Nguyễn Mạnh Hiển phát biểu tại Hội nghị bàn giao cơ sở dữ liệu và bản đồ địa hình tỷ lệ 1/10.000 cho 5 tỉnh Tây Nguyên ngày 7/6/2011)

Đổi mới công nghệ đo đạc bản đồ

Cơ sở dữ liệu nền thông tin địa lý tỷ lệ 1/10.000 gắn với mô hình số độ cao khu vực Tây Nguyên do Cục Đo đạc và Bản đồ Việt Nam chủ trì, Tổng Công ty TN&MT Việt Nam thực hiện, là bộ sản phẩm lần đầu tiên được xây dựng theo tiêu chuẩn của ngành đo đạc và bản đồ Việt Nam. Đây là một dấu mốc quan trọng của ngành đo đạc và bản đồ, đánh dấu sự chuyển đổi to lớn từ chỗ chỉ thành lập bản đồ địa hình in trên giấy truyền thống nay đã tiếp cận và làm chủ công nghệ hiện đại, định hướng và hỗ trợ người sử dụng áp dụng công nghệ thông tin địa lý phù hợp với xu hướng phát triển, hội nhập thế giới.

"Trước đây, chỉ cần trên thực địa xuất hiện một vài công trình mới, con đường mới là phải in lại bản đồ, rất tốn kém. Còn hiện nay, với hệ thống cơ sở dữ liệu dạng số, những thay đổi đó được cập nhật trên cơ sở dữ liệu, rồi một cách tự động, bản đồ sẽ được chỉnh sửa theo", ông Nguyễn Tuấn Hùng cho biết.

Vấn đề cần được các đơn vị, các địa phương nỗ lực hiện nay là cập nhật khai thác dữ liệu một cách hiệu quả. Hiện Cục Đo đạc và Bản đồ Việt Nam và Tổng Công ty TN&MT Việt Nam đang hỗ trợ kỹ thuật, chuyển giao công nghệ cho các Sở TN&MT. Các tỉnh cần quy định trách nhiệm đầu mối quản lý, cập nhật thông tin đồng thời có quy chế cung cấp, chia sẻ thông tin một cách công bằng, hiệu quả.

Những thông tin này cũng cần được quảng bá rộng rãi để các cơ quan, người dân, doanh nghiệp biết cùng khai thác, tránh tình trạng xây dựng thêm các dự án đo đạc bản đồ mới cho từng tỉnh gây tốn kém, chồng chéo.
 

Lễ ký kết bàn giao sản phẩm cơ sở dữ liệu nền thông tin địa lý cho 5 tỉnh Tây Nguyên
 

Nguồn tin:http://www.dosm.gov.vn