Tin tức

TP.HCM: Hướng tới thí điểm mô hình chính quyền đô thị 16/01/2013

0
 (TN&MT) - Chiều 14/1/2013, đoàn khảo sát của Ban Chỉ đạo xây dựng đề án “Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở” do Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Trưởng Ban chỉ đạo dẫn đầu, đã làm việc với TP.HCM.

Tiếp và làm việc với đoàn có các đồng chí: Lê Thanh Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM; Lê Hoàng Quân, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND TP.HCM; Nguyễn Thị Thu Hà, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy; Nguyễn Thị Quyết Tâm, Chủ tịch HĐND TP.HCM; Nguyễn Văn Đua, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy cùng các đồng chí trong Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM.

Báo cáo với đoàn khảo sát, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Văn Đua cho biết, qua thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa X “Về đổi mới kiện toàn tổ chức bộ máy các cơ quan Đảng, định hướng về đổi mới tổ chức bộ máy Nhà nước, MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội” và Nghị quyết Trung ương khóa IX “Về đổi mới và nâng cao chất lượng hệ thống chính trị ở cơ sở phường - xã, thị trấn”, TPHCM đã có nhiều cách làm năng động. Tổ chức bộ máy của cơ quan Đảng, bộ máy Nhà nước được sắp xếp lại theo hướng tinh gọn, số lượng đơn vị trực thuộc giảm so với trước. Việc sắp xếp, kiện toàn bộ máy đã tạo được sự ổn định, nâng cao chất lượng công tác tham mưu, công tác quản lý nhà nước; từng bước khắc phục tình trạng chồng chéo chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan chuyên môn.

Sau khi sắp xếp lại, các cơ quan chuyên môn cũng đã củng cố, kiện toàn bộ máy, rà soát chức năng, nhiệm vụ, bổ sung quy chế làm việc, đi vào hoạt động ổn định, nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước trên địa bàn TP.HCM. Chất lượng đội ngũ cán bộ nhìn chung được nâng lên một bước về trình độ lý luận chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ; công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ được mở rộng về quy mô và chất lượng.
Theo Bí thư Thành ủy TP.HCM Lê Thanh Hải, việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 ở cơ sở đã bộc lộ nhiều bất cập, không còn phù hợp, đặc biệt với một đô thị đặc biệt như TPHCM. Do đó, cần phải thực hiện sắp xếp bộ máy, nhân sự phường xã, thị trấn phù hợp với điều kiện thực tế của TP.HCM và hướng tới thí điểm mô hình chính quyền đô thị.

Tại buổi làm việc, Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM đã đề xuất thêm cơ chế, chính sách cho bộ máy cơ sở. Cụ thể, cho phép TP.HCM tách một số phường xã có dân số từ 60.000 người trở lên để phù hợp với công tác quản lý nhà nước ở địa phương; TP.HCM được chủ động tăng thêm 1 phó chủ tịch UBND đối với phường, thị trấn có trên 35.000 dân và xã có trên 25.000 dân; bố trí thêm 1 ủy viên hành chính hoặc 1 ủy viên văn phòng để giải quyết hồ sơ hành chính cho dân; tăng số lượng cán bộ, công chức để thay thế những người hoạt động không chuyên trách theo yêu cầu quản lý đô thị lớn như TP.HCM, nhằm thu hút cán bộ trẻ có trình độ về công tác ở cơ sở…

Kết luận tại buổi làm việc, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nhận định, qua 10 năm triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 về đổi mới và nâng cao chất lượng hệ thống chính trị ở cơ sở xã, phường, thị trấn đã đưa đến sự thay đổi khá nhiều ở cấp chính quyền này. Cơ sở vật chất được đầu tư đầy đủ, trình độ cán bộ xã phường nâng cao. Tuy nhiên, số lượng cán bộ xã, phường, thị trấn tăng quá cao, dù khắp nơi vẫn kêu thiếu. Với bộ máy chính quyền quá cồng kềnh như hiện nay, không thể nào thực hiện được cải cách tiền lương. Nếu tổ chức bộ máy không ổn định, quy mô cán bộ không phù hợp, tiền lương không tăng được.

Nhấn mạnh về mục tiêu đổi mới, hoàn thiện hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở trong thời gian tới, Chủ tịch nước cho biết cần dành nhiều thời gian để bàn về thẩm quyền hành chính, làm sao để không trùng lắp chức năng, nhiệm vụ, từ đó mới giải quyết được những bất cập hiện nay, đáp ứng yêu cầu phát triển. Bên cạnh đó, cần tăng hiệu lực, hiệu quả của bộ máy hành chính; Giảm biên chế nhưng phải hiện đại hóa lên để công chức sống được bằng lương. Trước mắt nên khuyến khích chế độ làm việc kiêm nhiệm, làm tiền đề để Bộ Chính trị trình Trung ương đề án cải cách tiền lương.




Nguồn tin:theo tainguyenmoitruong.com.vn