Tin tức

Xây dựng hệ thống đo đạc bản đồ hoàn chỉnh, thống nhất dựa trên khoa học và công nghệ 25/03/2013

0
Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của các lĩnh vực khoa học công nghệ trong cả nước, thời gian qua, hoạt động khoa học công nghệ trong lĩnh vực đo đạc và bản đồ đã đạt được một số thành tựu đáng ghi nhận. Ứng dụng khoa học công nghệ vào đo đạc bản đồ góp phần xây dựng một hệ thống đo đạc bản đồ hoàn chỉnh thống nhất trong toàn quốc.



Trên cơ sở những định hướng lớn về hoạt động khoa học và  công nghệ và chương trình hành động của Bộ Tài nguyên và Môi trường, nhiều văn bản qui phạm pháp luật mới đã được ban hành đã góp phần củng cố hành lang pháp lý cho hoạt động đo đạc bản đồ trên phạm vi toàn quốc. Nhờ ứng dụng công nghệ thông tin và quán triệt chủ trương cải cách thủ tục hành chính, công tác cung cấp thông tin tư liệu ngày càng được cải tiến và đổi mới, tạo điều kiện thuận lợi cho người sử dụng tiếp cận thông tin dễ dàng. Chúng ta đã thành công trong việc áp dụng tiến bộ khoa học vào công nghệ định vị toàn cầu (GPS), điều này có vai trò quyết định trong việc xây dựng hệ qui chiếu VN-2000, thành lập các mạng lưới trắc địa cơ sở hỗ trợ công tác đo đạc chi tiết để thành lập các loại bản đồ cơ bản và chuyên đề. 

 Hiện nay, 5 trạm GPS tại Đồ Sơn, Vũng Tàu, Điện Biên, Cao Bằng, Hà Giang  hoạt động liên tục, cung cấp số cải chính phân sai (kỹ thuật DGPS), số liệu xử lý sau phục vụ rất hiệu quả cho công tác đo đạc địa hình đáy biển, phân giới cắm mốc và đáp ứng nhu cầu sử dụng của nhiều lĩnh vực khác. Công nghệ xử lý ảnh số, ảnh viễn thám hoàn toàn đáp ứng các yêu cầu xử lý ảnh hàng không, ảnh vệ tinh đa phổ có độ phân giải cao và siêu cao. Xử lý ảnh số, ảnh viễn thám kết hợp với công nghệ thông tin địa lý hiện được áp dụng để thành lập và hiệu chỉnh bản  đồ địa hình cơ bản, thành lập bản đồ chuyên đề phục vụ công tác giám sát thay đổi trên bề mặt trái đất.

 Nhờ áp dụng tiến bộ khoa học, công nghệ tiên tiến, chỉ trong thời gian ngắn nhiều công trình dự án quan trọng đã được triển khai, thiết lập được khối lượng lớn hệ thống tư liệu đo đạc bản đồ cơ bản, phục vụ kịp thời các nhu cầu phát triển kinh tế. Song song với những thành công trong việc áp dụng tiến bộ khoa học vào phục vụ xã hội, nhiều để tài nghiên cứu khoa học và dự án thử nghiệm cấp Nhà nước, cấp Bộ, cấp cơ sở đã được triển khai để đáp ứng nhu cầu thực tiễn sản xuất và là cơ sở cho công tác phát triển ứng dụng công nghệ và nghiên cứu khoa học sau này.

    Với mục tiêu "Nghiên cứu ứng dụng công nghệ tiên tiến trong đo đạc và bản đồ, tăng cường năng lực hiện đại hóa công tác đo đạc và bản đồ phục vụ cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa", Ngành đo đạc và bản đồ đã và đang hoàn thiện hệ thống văn bản qui phạm pháp luật, chính sách quản lý đo đạc bản đồ phù hợp với xu thế hội nhập theo hướng phát triển bền vững đồng thời từng bước hoàn thiện các mạng lưới trắc địa (bao gồm cả mạng lưới được xác định bằng công nghệ vệ tinh) và dữ liệu qui chiếu bản đồ theo hướng chuẩn hóa, cung cấp dữ liệu trên mạng, phát triển bền vững và đảm bảo sự hoạt động chung về dữ liệu, hợp tác chung giữa các cơ quan quản lý, cung cấp dữ liệu để đảm bảo tính nhất quán dữ liệu, tránh chồng chéo, đầu tư nhiều lần. 

   Thời gian tới, ngoài việc hiện đại hóa mạng lưới trắc địa mặt đất quốc gia theo quan điểm hiện đại, nhiệm vụ quan trọng của ngành đo đạc và bản đồ giai đoạn 2006 -2020 là tạo luận cứ khoa học để từng bước hoàn thiện hệ thống hỗ trợ mặt đất phù hợp với điều kiện Việt Nam để khai thác ứng dụng có hiệu quả hệ thống vệ tinh dẫn đường toàn cầu ; xây dựng các cơ sở dữ liệu thông tin địa lý cơ bản phù hợp với chuẩn GIS ISO TC211 và nghiên cứu xây dựng cơ sở dữ liệu mô hình số độ cao (DEM), cơ sở dữ liệu trọng lực, mô hình GEOID số ... Việc nghiên cứu, ứng dụng công nghệ mới vẫn sẽ tập trung vào lĩnh vực kết hợp ảnh hàng không, ảnh viễn thám độ phân giải siêu cao; sử dụng công nghệ Lidar, công nghệ GIS để thu nhận dữ liệu xây dựng cơ sở dữ liệu thông tin địa lý, thành lập bản đồ địa hình, bản đồ chuyên đề các tỷ lệ; nghiên cứu ứng dụng công nghệ đo đạc bản đồ địa hình đáy biển bằng hồi âm chùm tia; đẩy nhanh hoạt động khoa học-công nghệ từ nay đến 2020 để ứng dụng thông tin địa lý trong quản lý đô thị, thành phố lớn, xã hội hóa thông tin và tiến tới chính phủ điện tử.

Một số nội dung mới về khoa học-công nghệ cũng sẽ được triển khai như: nghiên cứu chung giữa các lĩnh vực GPS, ảnh radar DInSAR  khảo sát thay đổi trọng lực trái đất bằng các phương pháp đo trọng lực vệ tinh và mặt đất;  chính xác hóa xác định vị trí bằng kỹ thuật GNSS và các ứng dụng thiên văn vô tuyến, trắc địa và địa động lực bằng kỹ thuật VLBI...


Nguồn tin:Theo TS. Trần Hồng Quang Tổng cục Quản lý đất đai