Tin tức

Hội thảo Báo cáo tổng kết thí điểm xây dựng Bản đồ và ứng dụng GIS tại địa bàn quận Hải Châu, TP Đà Nẵng. 24/10/2013

0
Công ty HITACHI SOLUTIONS (HISOL), ZENRIN (ZRN - Nhật Bản), Công ty TNHH Hệ thống Thông tin FPT (FIS) và TP Đà Nẵng với Cơ quan được ủy nhiệm là SỞ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG (DNDIC) cùng phối hợp tổ chức Hội thảo Báo cáo tổng kết thí điểm xây dựng Bản đồ và ứng dụng GIS tại địa bàn quận Hải Châu, TP Đà Nẵng.





Kết quả thu được từ việc thí điểm xây dựng Bản đồ và ứng dụng GIS tại địa bàn quận Hải Châu, TP Đà Nẵng đã cho thấy: thông qua thí điểm, các khó khăn trở ngại liên quan đến nhu cầu sử dụng bản đồ GIS chi tiết vào công việc quản lý nhà nước tại các đơn vị đã được ghi nhận cụ thể, giúp cho việc tổng hợp, chia sẻ dữ liệu dùng chung của tất cả các cơ quan đạt hiệu quả cao. Trên cơ sở đó, việc xây dựng và phát triển các ứng dụng GIS trên nền dữ liệu tập trung đã – đang và nhất định diễn ra thuận lợi và thành công. Do vậy, việc thực hiện kế hoạch ứng dụng GIS tại địa bàn quận Hải Châu –TP Đà Nẵng là hoàn toàn khả thi ; có khả năng mang lại hiệu quả cao.
 
Trong quá trình hợp tác cùng HISOL, ZRN, DNDIC cũng như các ngành hữu quan của TP Đà Nẵng; và đến hôm nay, chúng ta đã có được Bản đồ và ứng dụng GIS thí điểm tại địa bàn quận Hải Châu, TP Đà Nẵng; chúng tôi đã nghĩ đến việc cần thiết thành lập một Trung tâm Thông tin Địa lý TP Đà Nẵng. Nếu điều nầy được xúc tiến sớm, cùng với việc xây dựng Bản đồ và ứng dụng GIS thành công trên toàn địa bàn TP, thì đây sẽ là điểm nhấn đầy ấn tượng và mới mẻ về ứng dụng CNTT mà TP Đà Nẵng xác lập được – ông Phùng Việt Thắng, Phó Giám đốc FIS.

Lộ trình trở thành địa phương tiên phong trong ứng dụng GIS trên cả nước.

Bản đồ và ứng dụng GIS mang tính thí điểm được triển khai trên địa bàn quận Hải Châu, TP Đà Nẵng có các tính năng tra cứu hết sức tiện lợi. Với các lớp thông tin trên bản đồ nầy, chúng ta có thể sử dụng vào nhiều mục đích như quản lý dân cư, theo dõi trật tự trị an, quản lý môi trường, quản lý đô thị, phục vụ công tác ứng cứu khi có tình huống khẩn cấp (thiên tai, hỏa hoạn) ; cấp cứu người bệnh nặng, tai nạn … - ông Phạm Kim Sơn, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông nhấn mạnh trong phát biểu khai mạc hội nghị- .
 
Theo thống kê, có đến 456 nghiệp vụ được triển khai, được khai thác và ứng dụng ngay trên GIS. Điều nầy sẽ tiết được rất nhiều thời gian và chi phí.
 
Được biết, cách đây 1 năm, ngày 14/5/2012, các bên đã cùng nhau ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác (MOU) trong lĩnh vực phát triển, xây dựng Bản đồ số, với mong muốn ứng dụng Bản đồ vào việc quản lý, vận hành các hệ thống GIS trong tương lai như Phòng chống thiên tai ; Quản lý giao thông ; Quản lý cơ sở hạ tầng cho TP Đà Nẵng.
Triển khai các nội dung đã được xác định tại MOU, HISOL và ZRN đã tiến hành điều tra thông tin bước đầu để lên kế hoạch phục vụ việc xây dựng Bản đồ số MẪU ở TP.Đà Nẵng ; cũng như kế hoạch tư vấn và hỗ trợ triển khai các dự án công nghệ thông tin đặc biệt là các ứng dụng GIS. Đến tháng 6/2012, với sự hỗ trợ kinh phí từ Bộ Kinh tế - Công thương Nhật Bản, các bên chính thức xúc tiến công tác điều tra xây dựng bản đồ mẫu và đề ra kế hoạch ứng dụng bản đồ GIS trong vòng 5 năm tới dựa trên kết quả đạt được.
Mục tiêu tiến hành thí điểm xây dựng Bản đồ số mẫu và ứng dụng GIS với địa bàn được chọn là quận trung tâm Hải Châu, TP Đà Nẵng, nhằm kiểm chứng việc tổng hợp các dữ liệu thông tin địa lý, sau đó là bước bổ sung hoàn thiện, hướng tới việc chia sẻ dữ liệu giữa các đơn vị. Ngoài ra, thông qua Bản đồ GIS MẪU để xác định các đơn vị cung cấp dữ liệu, các đơn vị sử dụng hệ thống, đơn vị quản lý hệ thống, và nhận dạng các khó khăn, trở ngại, khảo sát các chức năng của hệ thống bản đồ GIS có nhu cầu ứng dụng cao.

Việc thí điểm xây dựng bản đồ mẫu đã diễn ra thuận lợi trong thời gian 7 ngày (từ 5/6 đến 12/6/2012) trên diện tích 10km2 lân cận khách sạn Hoàng Anh Gia Lai (số 1 Nguyễn Văn Linh, Đà Nẵng) với phương pháp đi bộ đến từng căn nhà thu thập thông tin và ghi kết quả điều tra vào bản đồ.
Tiếp nối việc xây dựng Bản đồ mẫu tại quận Hải Châu, DNDIC-HISOL-ZRN-FIS đã triển khai xây dựng thí điểm bản đồ và ứng dụng GIS cho toàn quận Hải Châu trong 3 tháng đầu năm 2013 với tổng diện tích là 24km2, ước tính gần 100.000 căn nhà.
Ngoài việc đi bộ đến từng căn nhà thu thập thông tin theo phương pháp đã sử dụng, các bên cũng đã cử đại diện đến làm việc tại một số Sở, Ban ngành, UBND quận Hải Châu, UBND; các phường thuộc quận Hải Châu để thu thập các dữ liệu thông tin bản đồ và khảo sát nhu cầu ứng dụng bản đồ vào công tác quản lý của từng đơn vị.
 
 

Mô tả vị trí nút giao thông Nguyễn Văn Linh - Hoàng Diệu - Triệu Nữ Vương.
 
Trong bối cảnh thành phố Đà Nẵng đang đẩy nhanh việc ứng dụng công nghệ thông tin nhằm nâng cao đời sống người dân và quản trị xã hội thông minh hơn; một cản ngại đang được khắc phục từng bước, đó là trạng thái dữ liệu thông tin địa lý vẫn chưa được quản lý tập trung, các cơ quan xây dựng dữ liệu một cách rời rạc, tự phát dẫn đền nhiều lãng phí trong công tác quản lý nhà nước, đồng thời chưa nâng cao mức độ của tổ chức và công dân.

Bản đồ số chi tiết GIS với thí điểm đầu tiên là bản đồ và ứng dụng GIS quận Hải Châu là bước đi đầu tiên của lộ trình tổng hợp dữ liệu thông tin địa lý từ các cơ quan nhà nước và bổ sung các thông tin cần thiết ; tiến tới chia sẻ tài nguyên và dữ liệu dùng chung cho tất cả các cơ quan mang tính thống nhất và cập nhật cao.
Việc tổng hợp dữ liệu thông tin địa lý từ các cơ quan nhà nước và bổ sung các thông tin cần thiết qua quá trình thí điểm chỉnh lý bản đồ quận Hải Châu đã chứng minh khả năng chia sẻ dữ liệu dùng chung giữa các cơ quan quản lý nhà nước là khả thi và mang lại hiệu quả thiết thực.
 
 DNDIC là cơ quan được UBND thành phố Đà Nẵng ủy nhiệm chủ trì dự án, hỗ trợ HISOL và ZRN trong việc thu thập và cung cấp thông tin để phát triển bản đồ. Với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước, chịu trách nhiệm trong việc thúc đẩy việc triển khai các ứng dụng CNTT trong cơ quan nhà nước, đặc biệt là vận hành các hệ thống trong phòng chống thiên tai, quản lý giao thông, quản lý cơ sở hạ tầng,…, DNDIC xem HISOL và ZRN là các đối tác ưu tiên trong hoạt động ứng dụng GIS ở thành phố Đà Nẵng.
Trong ảnh: Đại diện Sở TT và TT TP tham gia ý kiến trong nội dung thảo luận, góp ý.
GIS chi tiết và 3D GIS cho một Đà Nẵng hiện đại !

Tại Hội thảo Báo cáo tổng kết thí điểm xây dựng Bản đồ và ứng dụng GIS tại địa bàn quận Hải Châu, TP Đà Nẵng, đại diện Sở Thông tin và Truyền thông, ông Nguyễn Quang Thanh đã đề nghị các Công ty HITACHI SOLUTIONS (HISOL), ZENRIN (ZRN - Nhật Bản), chia sẻ thêm kinh nghiệm về quản lý và vận hành hệ thống ; vấn đề xác thực tính pháp lý của dữ liệu và quy trình cập nhật, làm mới dữ liệu để tăng tính hiệu quả khai khai thác hệ thống.
 
Kiến trúc sư Trần Phước Hòa Bình – Phó Trưởng phòng Quản lý Kiến trúc đô thị, Sở Xây dựng TP- đề nghị tích hợp thêm bản đồ 3D GIS vào Bản đồ và ứng dụng GIS tại địa bàn quận Hải Châu, TP Đà Nẵng. “Đến nay, chúng tôi đã dựng xong 3D GIS đối với 2 tuyến đường đầu tiên của Đà Nẵng là đường Nguyễn Văn Linh và Võ Văn Kiệt; dữ liệu nầy chúng tôi đã cung cấp cho nhóm thực hiện thí điểm Bản đồ và ứng dụng GIS tại địa bàn quận Hải Châu. Thay vì chia sẻ cho một công cụ tìm kiếm, chúng tôi rất muốn đóng góp cho bản đồ số nầy !” - Kiến trúc sư Hòa Bình bày tỏ.

"Những năm qua, một số ngành của TP chúng ta cũng đã xây dựng một số bản đồ số, tuy nhiên, do sử dụng công nghệ lạc hậu, thiếu tính tích hợp, khả năng chia sẻ ứng dụng, khai thác tài nguyên cũng không đáng kể …; do vậy, phần lớn những dạng bản đồ số cũ vừa nêu đều không thể sử dụng được – ông Phạm Kim Sơn cho biết -.
Với sự hợp tác từ HISOL, ZENRIN (là các Công ty nổi tiếng của Nhật Bản trên lĩnh vực nầy), từ FIS, lần nầy chúng ta sẽ có được một bản đồ số tiên tiến, khả năng ứng dụng mạnh mẽ, phục vụ sát sườn cho nhiều đòi hỏi trong quản lý và bảo đảm an sinh".
Đại diện các Công ty HISOL, ZENRIN đều có chung mong muốn “chia sẻ những thành công của việc xây dựng và tích hợp thông tin lên bạn đồ số GIS ra khỏi biên giới nước Nhật”; và rất sẵn sàng để hợp tác cùng Sở Thông tin và Truyền thông, các ngành hữu quan cùng như UBNDTP Đà Nẵng để TP Đà Nẵng trở thành đơn vị tiên phong trong ứng dụng GIS trên cả nước.
 
Bản đồ số chi tiết GIS cho phép chúng ta tìm địa điểm cần tìm một cách chính xác, chính xác đến từng số nhà; kể cả số nhà trong kiệt hẻm; thuộc tính các công trình nhà ở (ví dụ cao bao nhiêu tầng?). Đối với một số vị trí (như các công trình công cộng, công trình xã hội, công viên, các tòa nhà đa năng dùng chung, tòa nhà dịch vụ; công trình trường học, bệnh viện, bưu điện, nhà hàng,…), bản đồ cung cấp cả thông tin thuộc tính các tầng của tòa nhà, diện tích, công năng, các tài sản thiết bị có được (để người/tổ chức có nhu cầu sử dụng biết).
 
Bản đồ số chi tiết GIS cũng chỉ rõ các công trình giao thông, trạm xe bus, hệ thống biển báo giao thông ; viễn thông (Antennes, trạm BTS); đặc biệt là phục vụ tối ưu cho công tác cứu thương-cứu hỏa khi cần (lộ trình đường xá, bệnh viên/Trung tâm cấp cứu gần nhất có thể hỗ trợ; điểm có sẵn họng nước cứu hỏa,...).
 
Bản đồ số chi tiết GIS cho khả năng khai thác và sử dụng các ứng dụng, tài nguyên (các lớp thông tin) được tích hợp trên nó rất cao. Do vậy, bên cạnh chức năng hỗ trợ đắc lực cho công tác quản lý nhà nước, hiện đại hóa công tác quản trị xã hội, phục vụ an sinh của cơ quan công quyền, ngành chức năng; GIS đa lớp thông tin còn thỏa mãn nhu cầu tra cứu của người dân và xã hội trong đời sống hằng ngày.


Nguồn tin:Theo http://www.tttt.danang.gov.vn