Tin tức

Đẩy nhanh công tác cấp GCNQSDĐ với 22 tỉnh, thành trọng điểm 05/07/2013

0
Chiều 4/7, tại Hà Nội, Bộ TN&MT có buổi làm việc về tình hình thực hiện và giải pháp đẩy mạnh cấp Giấy Chứng nhận quyền sử dụng đất với 22 tỉnh, thành trọng điểm. Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang chủ trì buổi làm việc. Cùng dự có Thứ trưởng Nguyễn Mạnh Hiển; đại diện Văn phòng Chính phủ, Bộ Tài Chính và đại diện lãnh đạo 22 tỉnh, thành phố.



Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang phát biểu chỉ đạo.

Đánh giá về việc thực hiện nhiệm vụ này tại các địa phương, Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang cho rằng, thời gian qua các địa phương đã và đang quyết tâm cao trong việc hoàn thành cơ bản việc cấp GCN lần đầu trong năm 2013 theo Nghị quyết 30/2012/QH13. Cụ thể, cấp ủy Đảng và chính quyền ở phần lớn các địa phương đã chỉ đạo thực hiện bằng nhiều giải pháp khác nhau nhằm huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc như Lai Châu, Sơn La…

Tuy nhiên, để đạt được tiêu chí theo Nghị quyết 30/2012/QH13, từ nay tới cuối năm, các tỉnh, thành cần phải nỗ lực hơn nữa để cấp khoảng 2.900.000 GCN với diện tích 1.684.000 ha, chiếm 57% diện tích cần cấp của cả nước theo mục tiêu mà Quốc hội đưa ra. Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang đã yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố cần chỉ đạo rà soát lại tình hình thực hiện việc cấp GCN ở địa phương; tăng cường kiểm tra đôn đốc, chỉ đạo quyết liệt việc thực hiện tại từng huyện, xã. Đồng thời, chỉ đạo Sở, ban ngành phối hợp chặt chẽ, cùng làm việc với các huyện, xã để kịp thời tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn về kinh phí, nhân lực và cơ chế chính sách để đẩy nhanh tiến độ cấp GCN. Riêng Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh cần rà soát các Dự án phát triển nhà ở đã hoàn thành và không có vướng mắc, vi phạm pháp luật đất đai để ưu tiên tập trung cấp GCN cho người mua nhà ở…

Theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý đất đai Lê Văn Lịch, 6 tháng đầu năm 2013, 22 tỉnh, thành phố trọng điểm cấp được 822.600 GCN với diện tích 366.600 ha. So với yêu cầu cấp GCN đạt 85% diện tích các loại đất (theo Nghị quyết 30/2012/QH13) thì các tỉnh, thành phố này mới chỉ đạt 18% số GCN cần cấp năm 2013. Như vậy, số lượng các trường hợp tồn đọng chưa cấp GCN ở các tỉnh còn rất lớn, nhiều nhất là Hà Nội còn khoảng 168.000 thửa đất và 500.000 căn hộ; Nghệ An còn 335.000 thửa; TP.Hồ Chí Minh 311.000 thửa đất và căn hộ…kết quả rà soát cho thấy, phần lớn số lượng các trường hợp tồn đọng có nguồn gốc sử dụng phức tạp, vi phạm pháp luật đất đai dưới nhiều hình thức, phổ biến nhất là các trường hợp giao đất trái thẩm quyền, chuyển mục đích sử dụng đất, xây dựng nhà trái phép, lấn chiếm nên các địa phương chưa giải quyết.

Bên cạnh đó, do kinh phí để hoàn thành cấp GCN lần đầu của 22 tỉnh, thành phố trọng điểm khoảng 3.175 tỷ đồng. Tuy nhiên, việc bố trí kinh phí, số lượng kinh phí từ phía Trung ương còn chậm. Đến nay, trong 15/22 tỉnh, thành báo cáo về đã bố trí kinh phí năm 2013 từ ngân sách địa phương với tổng kinh phí 336 tỷ đồng (đạt 12% so với nhu cầu).
 


Quang cảnh buổi làm việc

 
Tại buổi làm việc, đại diện của tỉnh Quảng Ninh cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2013, địa phương chỉ có 2 loại đất đạt chỉ tiêu cấp GCN đó là đất ở đô thị và đất nông thôn. Khó nhất là các loại đất người dân sử dụng từ năm 1993 đến trước 2004 nhưng không nằm trong quy hoạch. Theo quy định, loại đất này không được cấp giấy. Địa phương đang đề nghị Bộ TN&MT cho cấp GCN, bởi nếu không cấp, khi tiến hành giải phóng mặt bằng, loại đất này vẫn phải đền bù giống như đất đã có GCN. Cái khó thứ 2 của địa phương là đất rừng, đặc biệt là rừng phòng hộ, ngoài vấn đề giao đất còn phải xác định tài sản trên rừng. Cũng theo vị đại diện này, UBND tỉnh Quảng Ninh đã trích kinh phí 30 tỷ đồng cho việc đo đạc bản đồ. Mục tiêu của địa phương là tới 30/9 sẽ cơ bản hoàn thành mục tiêu ở 3 loại đất: Nông nghiệp, lâm nghiệp, chuyên dùng.

Khác với Quảng Ninh đại diện tỉnh Lai Châu cho rằng: “Khó khăn lớn nhất của địa phương là vấn đề kinh phí. Theo mục tiêu đặt ra, nếu muốn đạt tỉ lệ cấp Giấy trên 80% vào năm 2013 thì địa phương cần 240 tỷ đồng nhưng đến nay Chính phủ mới cấp 3 tỷ, ngân sách của tỉnh chi 5 tỷ, các huyện huy động được 5 tỷ, còn thiếu khoảng 200 tỷ. Không có kinh phí sẽ rất khó khăn cho việc thực hiện vì Lai Châu là địa phương nghèo”.


Nguồn tin:Theo www.monre.gov.vn.