Tin tức

Việt Nam – Anh: Hợp tác, chia sẻ hạ tầng thông tin địa lý quốc gia 23/04/2013

0
Cục Đo đạc và Bản đồ Việt Nam vừa có buổi tọa đàm với bà Vanessa Lawrence, Chủ tịch Ủy ban Quản lý thông tin địa lý toàn cầu Liên Hiệp quốc, Cục trưởng Cục Bản đồ Vương quốc Anh về hạ tầng thông tin địa lý quốc gia.



Phát biểu tại buổi tọa đàm, Cục trưởng Cục Đo đạc và Bản đồ Việt Nam Nguyễn Tuấn Hùng cho rằng, thông tin địa lý hiện đã trở thành một nguồn lực quan trọng trong đời sống xã hội. Thông tin địa lý giúp chúng ta mô tả, biểu diễn các đối tượng tự nhiên và nhân tạo, các đối tượng văn hóa, xã hội cũng như các hiện tượng tự nhiên có trên trái đất gắn liền với vị trí. Thông tin địa lý còn giúp chúng ta hiểu rõ hơn các quá trình trái đất, hỗ trợ các lĩnh vực chuyên ngành khác nhau cùng giải quyết một vấn đề có mục tiêu chung, hiệu quả hơn trong quá trình phát triển kinh tế ở mỗi nước. Trong xu thế toàn cầu hóa, thông tin địa lý còn hỗ trợ giải quyết các vấn đề toàn cầu để bảo vệ môi trường sống an toàn và bền vững. 
 


Cục trưởng Cục Đo đạc và Bản đồ Việt Nam phát biểu tại buổi tọa đàm


     


Bà Vanessa chia sẻ kinh nghiệm hạ tầng thông tin địa lý quốc gia Anh

Hạ tầng dữ liệu không gian, một nguồn lực thông tin địa lý rất lớn đối với mỗi quốc gia, có vai trò quan trọng trong việc tăng nhanh tiến độ xây dựng xã hội thông tin và phát triển nền kinh tế trí thức; tạo điều kiện cho mọi người, không chỉ giới hạn ở mỗi quốc gia mà trên toàn thế giới cùng chung sức thực hiện các biện pháp nhằm đảm bảo phát triển bền vững và ứng phó với biến đổi khí hậu.

Hạ tầng dữ liệu không gian quốc gia còn góp phần quan trọng vào việc xây dựng Chính phủ điện tử, đổi mới hệ thống hành chính theo hướng phục vụ người dân hiệu quả hơn, minh bạch và dân chủ…

Ông Nguyễn Tuấn Hùng cho biết, một trong những nhiệm vụ thực hiện chức năng quản lý Nhà nước của Bộ TN&MT đối với lĩnh vực đo đạc bản đồ là: Xây dựng, cập nhật, quản lý, khai thác hạ tầng dữ liệu không gian địa lý, hệ thống quy chiếu quốc gia, hệ thống số liệu gốc quốc gia, hệ thống điểm đo đạc cơ sở quốc gia, hệ thống trạm định vị vệ tinh quốc gia, hệ thống không ảnh, hệ thống bản đồ địa hình quốc gia, cơ sở dữ liệu nền thông tin địa lý quốc gia; ban hành danh mục địa danh thể hiện trên các bản đồ…Đây là những dữ liệu cơ bản đảm bảo việc qui chiếu khung không gian và bản đồ thống nhất, đảm bảo triển khai xây dựng các hệ thống thông tin địa lý chuyên ngành, phục vụ quản lý nhà nước, nâng cao dân trí và và phát triển kinh tế xã hội trong cả nước.
 


Toàn cảnh buổi tọa đàm


Tại buổi tọa đàm, bà Vanessa Lawrence đã giới thiệu Định hướng tương lai về quản lý thông tin địa lý không gian, tầm nhìn 5 đến 10 năm. Bà Vanessa cho biết, ở Anh, dữ liệu thông tin địa lý vô cùng quan trọng và được cung cấp đến nhiều đối tượng khác nhau như cảnh sát, người quản lý cơ sở dữ liệu hạ tầng.... góp phần vào việc quản lý lũ lụt, thiên tai, giao thông, đô thị.... Đây là những thông tin có độ tin cậy, độ chính xác cao do cơ quan quản lý Nhà nước chuyên ngành bản đồ cung cấp. Dựa vào đó có thể giúp các cơ quan quản lý ra quyết định kịp thời ứng phó với mọi tình huống xảy ra. Theo bà Vanessa, thông tin trên bản đồ nền được cập nhật liên tục 10.000 vị trí khác nhau/ngày đảm bảo độ chính xác cao và được cung cấp cho các công ty tư nhân.

Cũng tại buổi tọa đàm, Cục Đo đạc và Bản đồ Việt Nam đã giới thiệu về hiện trạng hạ tầng thông tin địa lý quốc gia của Việt Nam. Với sự quan tâm của Chính phủ, chiến lược về phát triển hạ tầng thông tin địa lý đã có lộ trình cùng với các yếu tố về pháp lý, công tác chuẩn hóa dữ liệu không gian, các chương trình trọng điểm liên quan đến các thành phần hạ tầng dữ liệu không gian quốc gia và dữ liệu đo đạc bản đồ cơ bản và chuyên ngành hiện đã có và đang được thu nhận; đặc biệt  là việc mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế, trao đổi và tiếp thu kinh nghiệm về xây dựng và phát triển hạ tầng dữ liệu không gian từ các nước phát triển, Việt Nam sẽ rút ngắn được quá trình phát triển hạ tầng dữ liệu không gian quốc gia.
Ủy ban Quản lý thông tin địa lý toàn cầu đã được thành lập vào tháng 7 năm 2011 với các mục tiêu sau:
Làm việc với các chính phủ để cải thiện chính sách, thể chế, và khuôn khổ pháp lý để giải quyết các vấn đề toàn cầu; Chia sẻ kinh nghiệm và kiến thức nhằm đóng góp cho lợi ích của cộng đồng; Phát triển hiệu quả các chiến lược để xây dựng hạ tầng thông tin không gian địa lý phục vụ phát triển đất nước.
Cục Đo đạc và Bản đồ Việt Nam là cơ quan bản đồ quốc gia tham gia chính thức các hoạt động của Ủy ban quản lý thông tin địa lý toàn cầu như Hội nghị thường niên, Diễn đàn cấp cao về thông tin địa lý và các chương trình: Chương trình quan trắc mạng lưới Châu Á – Thái Bình Dương (PCGIAP); Chương trình Bản đồ toàn cầu; Chương trình địa giới hành chính cấp hai; Nhóm chuyên gia địa danh của Liên Hợp quốc.
Các Diễn đàn và Chương trình trên có nội dung tập trung giải quyết các vấn đề lớn như: Phát triển khung tham chiếu trắc địa toàn cầu và các dịch vụ định vị; Phát triển cổng thông tin địa lý nhằm hỗ trợ cho phát triển bền vững; Xây dựng nguyên tắc ứng xử của cộng đồng thông tin không gian địa lý toàn cầu.


Nguồn tin:Theo monre.gov.vn