Tin tức

Sử dụng hiệu quả vệ tinh VNREDSat-1 phục vụ phát triển kinh tế - xã hội 27/02/2014

0
Sau hơn bảy tháng được phóng lên quỹ đạo và hơn ba tháng phía Pháp bàn giao cho Việt Nam chính thức quản lý, hệ thống vệ tinh VNREDSat-1 hoạt động ổn định và chụp được một lượng ảnh khá lớn các khu vực thuộc lãnh thổ nước ta. Tuy nhiên để khai thác có hiệu quả vệ tinh VNREDSat-1, cần có cơ chế, chính sách khuyến khích mở rộng các đối tượng sử dụng ảnh viễn thám, phục vụ thiết thực công cuộc phát triển kinh tế - xã hội.


Tiến sĩ Bùi Trọng Tuyên, Phó Viện trưởng Viện Công nghệ vũ trụ (CNVT), Trưởng ban vệ tinh nhỏ, Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam (HLKH và CNVN) cho biết: Sau hơn ba tháng, hệ thống vệ tinh VNREDSat-1 được phía Pháp bàn giao cho Việt Nam quản lý, vận hành và khai thác. Với sự phối hợp chặt chẽ giữa Trung tâm Ðiều khiển và khai thác vệ tinh nhỏ, Viện CNVT (Viện HLKH và CNVN) với Trạm thu ảnh, Cục Viễn thám quốc gia (Bộ Tài nguyên và Môi trường), chúng ta hoàn toàn chủ động trong việc điều khiển, đặt lịch làm việc cho vệ tinh, thu nhận và xử lý các sản phẩm ảnh, cũng như xử lý an toàn các sự cố của hệ thống VNREDSat-1.

 Hoạt động của hệ thống vệ tinh VNREDSat-1, sau khi được phóng lên hơn nửa năm qua cho thấy vệ tinh có khả năng chụp ảnh bất kỳ vị trí nào trên bề mặt trái đất với độ phân giải cao. Ðến nay, số lượng ảnh đã chụp, xử lý và lưu trữ là 19 nghìn 190 cảnh ảnh, có kích thước 17,5 km x 17,5 km, trong đó bao gồm gần 10 nghìn 200 cảnh ảnh đa phổ và hơn 8.990 cảnh ảnh toàn sắc. Riêng vùng lãnh thổ và lãnh hải Việt Nam, vệ tinh VNREDSat-1 đã chụp và xử lý được hơn 4.400 ảnh (trong đó có 2.220 ảnh đa phổ và gần 2.190 ảnh toàn sắc). Theo chế độ làm việc, cứ sau ba ngày, hệ thống vệ tinh VNREDSat-1 lại chụp được các cảnh ảnh về các khu vực khác nhau trên lãnh thổ nước ta và truyền về mặt đất để xử lý các sản phẩm ảnh chụp từ VNREDSat-1 đã được bàn giao đến các ngành và địa phương có nhu cầu phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Cùng với quá trình vận hành, khai thác an toàn và hiệu quả hệ thống VNREDSat-1, hơn ba tháng qua, Trung tâm Ðiều khiển và khai thác vệ tinh nhỏ (Viện HLKH và CNVN), đã tiến hành các hoạt động nghiên cứu, phát triển dựa trên nền tảng kiến thức về hệ thống VNREDSat-1 nhằm nâng cao tính an ninh, an toàn và hiệu quả của hệ thống này. Các cán bộ của trung tâm đã triển khai, thực hiện thành công đề tài "Nghiên cứu phương pháp lập lịch thực hiện nhiệm vụ hằng ngày cho vệ tinh VNREDSat-1" bằng sản phẩm phần mềm mô phỏng quỹ đạo và lập lịch làm việc cho vệ tinh nhỏ quan sát trái đất. Theo đó, các yêu cầu chụp ảnh của khách hàng sẽ được bộ phận chuyên môn phân tích và đánh giá chính xác về tính khả thi, thời gian phù hợp nhất để tiến hành chụp ảnh, cũng như thời gian cần thiết để bàn giao sản phẩm ảnh; từ đây có thể đặt lịch làm việc cho hệ thống VNREDSat-1 trong khoảng thời gian ngắn hạn và dài hạn.

Theo tiến sĩ Bùi Trọng Tuyên, một đề tài khác đang được triển khai trong hai năm 2013 - 2014 là "Nghiên cứu làm chủ quy trình công nghệ điều khiển vệ tinh nhỏ quan sát trái đất và đề xuất các quy định về vận hành, khai thác an toàn và hiệu quả vệ tinh VNREDSat-1". Ðây là công trình đáp ứng yêu cầu thực tế cần phải có một bộ tài liệu chi tiết, chuyên sâu về toàn bộ hệ thống VNREDSat-1 - hệ thống vệ tinh quan sát tài nguyên thiên nhiên, môi trường và thiên tai đầu tiên của Việt Nam. Kết quả này sẽ là nền tảng quan trọng cho các dự án vệ tinh nhỏ quan sát trái đất tiếp theo của nước ta trong thời gian tới (như vệ tinh VNREDSat-1B hợp tác với Bỉ, hay các vệ tinh khác hợp tác với Nhật Bản trong tương lai).

Dự án vệ tinh VNREDSat-1 là sự phối hợp vận hành, khai thác giữa các đơn vị thuộc Viện HLKH và CNVN với Bộ Tài nguyên và Môi trường. Ðây là dự án trọng điểm đặc biệt cho nên Văn phòng Chính phủ đã có chỉ đạo về sự phối hợp chặt chẽ giữa hai cơ quan Viện HLKH và CNVN với Bộ Tài nguyên và Môi trường từ cuối tháng 5-2013. Một văn bản về "Quy chế phối hợp hoạt động trong quản lý, vận hành và khai thác hệ thống VNREDSat-1" đã được hai cơ quan ký kết vào đầu tháng 8-2013. Những nguyên tắc và nội dung, các quy chế, quy định hoạt động được xây dựng cụ thể nhằm xác định rõ vai trò và trách nhiệm của mỗi bên; tránh sự chồng chéo, kém hiệu quả trong vận hành và khai thác hệ thống vệ tinh VNREDSat-1.

Cơ chế phối hợp hoạt động này là cơ sở để xây dựng các quy chế phối hợp hoạt động cần thiết khác như quy chế về bảo mật an toàn dữ liệu vệ tinh và sản phẩm ảnh sử dụng giữa hai cơ quan; xác định mức độ ưu tiên các yêu cầu đặt ảnh; các quy định về tính toán giá thành, trách nhiệm cấp phát ảnh, quản lý đối tượng người dùng ảnh chụp từ vệ tinh... Trong điều kiện chưa hoàn thiện các văn bản pháp lý cần thiết giữa Viện HLKH và CNVN với Bộ Tài nguyên và Môi trường đã thống nhất ban hành các Công văn số 2091/VHL-KHTC và Công văn số 4862/BTNMT-TC, cho phép Cục Viễn thám quốc gia được cung cấp ảnh vệ tinh VNREDSat-1 cho các bộ, ngành, tổ chức và cá nhân dùng thử nghiệm với mức chi phí thỏa thuận.

Ðã hơn bảy tháng vệ tinh VNREDSat-1 được phóng lên quỹ đạo không gian từ Guy-a-na (Pháp), và hơn ba tháng từ khi phía Pháp bàn giao toàn bộ hệ thống VNREDSat-1 cho Việt Nam quản lý. Nhờ có sự chuẩn bị tốt về nguồn nhân lực và trang thiết bị, đội ngũ cán bộ khoa học Việt Nam đã bước đầu làm chủ quy trình vận hành và khai thác có hiệu quả vệ tinh nhằm xây dựng một cơ sở dữ liệu ảnh chụp lãnh thổ Việt Nam và các khu vực khác trên thế giới. Vấn đề đặt ra là tiếp tục đẩy mạnh nghiên cứu khoa học để hoạt động quản lý, vận hành và khai thác hệ thống vệ tinh VNREDSat-1 ngày càng hiệu quả cao hơn. Bên cạnh tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật quốc gia về sử dụng khoảng không vũ trụ vì mục đích hòa bình, cần có cơ chế, chính sách thích hợp nhằm phát triển rộng rãi mạng lưới các đơn vị, tổ chức và cá nhân sử dụng ảnh viễn thám nói chung, trong đó có ảnh chụp từ vệ tinh VNREDSat-1 nói riêng (đến nay số lượng đăng ký sử dụng còn rất khiêm tốn). Phục vụ kịp thời và thiết thực sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh, quốc phòng của đất nước.

Theo báo cáo từ Bộ Tài Nguyên và Môi trường, từ khi được đưa thành công lên quỹ đạo, VNREDSat- 1 đã chụp được 21.687 cảnh ảnh, trong đó có 5.588 ảnh chụp trong lãnh thổ VN. Thời gian tới, dữ liệu từ vệ tinh viễn thám sẽ tiếp tục được ứng dụng trong giám sát tài nguyên, môi trường, trong đó có dự án “Giám sát một số vùng biển đảo trọng điểm xa bờ bằng công nghệ viễn thám phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh quốc phòng”.

Ngày 7/5, vệ tinh quan sát trái đất đầu tiên của Việt Nam VNREDSat- 1 đã được phóng thành công vào vũ trụ bằng tên lửa đẩy VEGA từ bãi phóng Kourou (Guyana thuộc Pháp).
 
Đây là vệ tinh quang học quan sát trái đất, có khả năng chụp ảnh toàn bộ các khu vực trên bề mặt trái đất. Nhiệm vụ của VNREDSat-1 chụp ảnh toàn bộ lãnh thổ Việt Nam, gồm cả phần lục địa và vùng biển, đáp ứng nhu cầu về ảnh viễn thám phục vụ công tác quan sát tài nguyên thiên nhiên, môi trường, thiên tai và các yêu cầu khác.

Dự án VNREDSat-1 có tổng mức đầu tư là 55,8 triệu euro bằng nguồn vay ODA ưu đãi của chính phủ Pháp và có 65 tỉ đồng từ nguồn vốn đối ứng của Việt Nam. VNREDSat-1 có kích thước 600 mm x 570 mm x 500 mm và nặng khoảng 120 kg. Tuổi thọ theo thiết kế là 5 năm.

Vệ tinh VNREDSat-1 cung cấp ảnh viễn thám có tính năng kỹ thuật tương đương các vệ tinh nhỏ trên thế giới, và có khả năng thay thế một số loại ảnh viễn thám phân giải cao hiện bán trên thị trường.

Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa chính thức công bố việc thu nhận và xử lý thành công ảnh chụp từ vệ tinh viễn thám đầu tiên VNREDSat-1. "Việt Nam đã trở thành một trong 5 nước khu vực Đông Nam Á tuyên bố sở hữu vệ tinh viễn thám cùng với Thái Lan, Singapore, Malaysia, Indonesia", ông Nguyễn Xuân Lâm, Cục trưởng Cục Viễn thám Quốc gia nói và cho biết hiện chỉ trong vòng 24 giờ, Cục sẽ cung cấp ảnh đúng vị trí cần chụp.

Ông Lâm cho biết, từ khi được đưa lên quỹ đạo, VNREDSat-1 đã chụp được gần 22.000 cảnh ảnh, trong đó gần 6.000 ảnh chụp lãnh thổ Việt Nam. Các ảnh viễn thám này thời gian qua được cung cấp sử dụng phục vụ cho một số dự án trong và ngoài ngành tài nguyên môi trường. Các bức ảnh viễn thám có tính năng kỹ thuật tương đương các ảnh viễn thám của các vệ tinh nhỏ trên thế giới và có khả năng thay thế một số loại ảnh viễn thám phân giải cao hiện bán trên thị trường.
 
Ảnh do VNREDSat-1 cung cấp có độ phân giải 2,5m đối với các ảnh toàn sắc (trắng, đen) và 10m đối với các kênh ảnh đa phổ (ảnh màu). Từ các kênh đa phổ và ảnh toàn sắc có thể xử lý để cung cấp ra ảnh màu tự nhiên độ phân giải 2,5m và các phương án ảnh màu tổng hợp phục vụ giải đoán các đối tượng chuyên ngành theo yêu cầu của các chuyên gia. Vệ tinh này cũng cho phép cung cấp ảnh với chu kỳ lặp 3 ngày với độ phủ của ảnh là 17,5km x 17,5km.

Theo đại diện của Cục Viễn thám, thời gian tới, dữ liệu thu nhận từ vệ tinh sẽ tiếp tục được ứng dụng trong giám sát tài nguyên môi trường, như Dự án "Tổng điều tra, kiểm kê rừng toàn quốc giai đoạn 2012-2015 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn"; Dự án "Giám sát một số vùng biển đảo trọng điểm xa bờ bằng công nghệ viễn thám phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh quốc phòng".
Cục Viễn thám cho biết, giá của ảnh sẽ do Bộ Tài chính ban hành. Trong thời gian chờ đợi, Cục phục vụ ứng dụng ảnh cho các chương trình khoa học khác với mức giá dao động khoảng 5-6 triệu đồng mỗi cảnh ảnh.

Trước đây, các đơn vị trong nước có thể tự đặt mua ảnh vệ tinh, nhưng khi có Đài Viễn thám Trung ương và Cục Viễn thám quốc gia thì Bộ Tài Chính đã giao cho Cục Viễn thám tổng hợp nhu cầu của ảnh của các bộ ngành, sau đó trừ đi phần VNREDSat-1 đáp ứng, số còn lại sẽ được nhà nước cấp tiền mua ảnh dùng chung cho các bộ, ngành.

Các chuyên gia đánh giá, việc sử dụng Trạm thu ảnh viễn thám do Bộ Tài nguyên và Môi trường quản lý kết hợp với vệ tinh nhỏ do Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam quản lý sẽ tiết kiệm được đáng kể nguồn ngân sách phát triển công nghệ vũ trụ và viễn thám.
 



Nguồn tin:Theo KH&HTQT tổng hợp