Tin tức

Dấu hiệu khả quan giảm thiểu ô nhiễm môi trường sông Nhuệ - Đáy 28/03/2013

0
Lưu vực sông Nhuệ - Đáy có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế, xã hội của các tỉnh, thành phố như: Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Hòa Bình, Hà Nội. Tuy nhiên, ngoài lợi ích mang lại từ nguồn tài nguyên thì tình trạng ô nhiễm môi trường nói chung và môi trường nước nói riêng tại lưu vực sông Nhuệ - Đáy rất nghiêm trọng, gây ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng. Những năm gần đây, dưới sự chỉ đạo của Sở TN&MT TP. Hà Nội, một số dự án cải tạo môi trường lưu vực sông đã bước đầu có những dấu hiệu khả quan.



Tích cực xây dựng Đề án tổng thể bảo vệ môi trường lưu vực sông Nhuệ - Đáy


Với chức năng quản lý Nhà nước về tài nguyên và bảo vệ môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đã đề xuất với UBND TP. Hà Nội ban hành nhiều văn bản pháp luật bảo vệ môi trường, trong đó Đề án tổng thể bảo vệ môi trường lưu vực sông Nhuệ - Đáy được quan tâm hàng đầu. Sở Tài nguyên và Môi trường đã chỉ đạo các đơn vị chức năng phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức nhiều lớp tập huấn bảo vệ môi trường cho đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý môi trường ở 100% xã, phường, thị trấn nhằm nâng cao trách nhiệm và huy động cộng đồng tham gia bảo vệ môi trường. Sở Tài nguyên và Môi trường cũng đã hướng dẫn hàng chục nghìn gia đình sinh sống dọc tuyến đầu nguồn sông Tô Lịch dùng chế phẩm sinh học làm sạch nước thải tại nguồn, trước khi thải ra sông. Vì vậy, chất lượng nước sông đầu nguồn được cải thiện, giảm đáng kể mùi khó chịu…Việc quan trắc đánh giá chất lượng và lưu lượng xả thải tại các cửa xả thải trực tiếp vào sông Nhuệ, sông Đáy được quan tâm thực hiện. Riêng năm 2012, đã tiến hành quan trắc chất lượng nước mặt tại 26 điểm trên sông Nhuệ, 14 điểm sông Đáy... Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đã phối hợp với Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) lắp đặt thiết bị camera giám sát thường xuyên dòng chảy tại đập Thanh Liệt, huyện Thanh Trì và tiến hành khảo sát lưu vực sông Nhuệ - Đáy, chọn vị trí lắp đặt hai trạm quan trắc nước tự động. Qua đó, phát hiện nồng độ ô nhiễm và chỉ đạo kịp thời các địa phương tìm giải pháp khắc phục.

Nhiều dự án có kết quả khả quan


Những năm gần đây, nhiều dự án, kế hoạch xử lý ô nhiễm nước sông, hồ khu vực nội thành; nước thải khu dân cư, khu công nghiệp, làng nghề được đầu tư thực hiện. Trong số 19 cơ sở nằm trên lưu vực sông Nhuệ - Đáy trong danh sách gây ô nhiễm nghiêm trọng, có 18 cơ sở đã thực hiện xong các biện pháp xử lý ô nhiễm theo quy định, hiện chỉ còn 1 cơ sở đang trong quá trình vận hành thử nghiệm trạm xử lý nước thải. Tại một số huyện việc thí điểm đầu tư xây dựng bãi chôn lấp rác thải vệ sinh đã phát huy tác dụng. UBND TP. Hà Nội cũng đang tích cực chỉ đạo triển khai thực hiện các dự án: Xử lý nước thải Yên Sở công suất 200.000 m3/ngày đêm; Nhà máy Xử lý nước thải Phú Đô công suất 84.000 m3/ngày đêm; Nhà máy Xử lý nước thải Yên Xá công suất 270.000 m3/ngày đêm; đầu tư xây dựng trạm xử lý nước thải cụm làng nghề tại xã Dương Liễu, huyện Hoài Đức công suất khoảng 13.000 m3/ngày đêm; xây dựng trạm xử lý nước thải sinh hoạt và làng nghề huyện Hoài Đức, công suất 12.000 m3/ngày đêm; dự án Cụm đầu mối Liên Mạc; cụm công trình đầu mối Trạm bơm Yên Nghĩa; Trạm bơm Đông Mỹ, Ngoại Độ 2, Yên Thái tiêu thoát nước cho các quận, huyện; Dự án nạo vét sông Đáy; nạo vét, cải tạo, nâng cấp lòng dẫn, nâng cấp trục chính sông Nhuệ kết hợp với làm đường giao thông cải thiện môi trường gắn với chỉnh trang, nâng cấp công trình trên sông Nhuệ... Trong đó một số dự án đã đi vào hoạt động mang lại kết quả khả quan đã góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường sông Nhuệ - Đáy.
 



Nguồn tin:Theo monre.gov.vn