Tin tức

Hướng đến phát triển đô thị Việt Nam bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu 03/12/2013

0
Sáng 24/10, tại Đà Nẵng,  Bộ Xây dựng, Bộ hợp tác Kinh tế và phát triển Đức, Tổ chức Hợp tác Quốc tế Đức (GIZ) phối hợp tổ chức Hội thảo “Phát triển đô thị hợp nhất - Hướng tới các Đô thị Xanh và Thích ứng với Biến đổi khí hậu tại Việt Nam”.
Hội thảo đã đưa ra những vấn đề về phát triển đô thị Việt Nam trước sự biến đổi khí hậu hiện nay và trong tương lai. Trong đó đề cao đến hướng phát triển các đô thị xanh, phát triển đô thị bền vững thích ứng của đô thị trước biến đổi khí hậu.



Việt Nam là quốc gia trải qua quá trình đô thị hóa nhanh cả về số lượng lẫn về chất lượng. Tính đến nay đã phát triển với gần 770 đô thị, với tỷ lệ đô thị hoá đạt hơn 33%. Bên cạnh những mặt tích cực do phát triển đô thị mang lại thì nó còn có những tồn tại hạn chế mang tính thách thức đó là ô nhiễm môi trường, nước thải, tài nguyên thiên nhiên bị khai thác cạn kiệt, nguồn năng lượng bị khai thác triệt để làm mất cân bằng sinh thái, môi trường sống. Chính vì thế trái đất ngày càng nóng lên, nhiệt độ hàng năm cũng tăng theo, nguồn tài nguyên nước cạn kiệt, nước biển dâng, bão lũ, thiên tai hạn hán ngày càng nhiều.
 
Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho rằng: Bên cạnh những kết quả đã đạt được, sự phát triển của đô thị Việt Nam trong thế kỷ 21 cũng đang đối mặt với nhiều thách thức mang tính toàn cầu. Điều này đặt ra những yêu cầu mới trong công tác Quy hoạch, Xây dựng và Phát triển đô thị Việt Nam. Phát triển đô thị theo hướng tăng trưởng xanh, thích ứng BĐKH tại Việt Nam mới đang ở giai đoạn đầu, kết quả thực tế vẫn còn chưa như mong muốn. Đòi hỏi cần phải phấn đấu nhiều hơn nữa của các cấp, các ngành, của toàn xã hội và cần tranh thủ nhiều hơn nữa kinh nghiệm và nguồn lực hỗ trợ của các tổ chức quốc tế.
 
Để các đô thị Việt Nam được phát triển theo hướng đô thị xanh, đô thị bền vững và thích ứng được trước sự biến đổi của khí hậu cần có sự chung tay vào cuộc của nhiều ngành, nhiều nghề và nhiều đơn vị. Và đặc biệt đó là vai trò của những nhà thiết kế, nhà quy hoạch, kiến trúc sư trong công tác thiết kế, công tác quy hoạch đô thị cần lồng ghép vấn đề về BĐKH.
 
Liên quan đến vấn đề về BĐKH Bà Ngô Thị Lệ Mai, Điều phối viên Quốc gia Viện nghiên cứu chuyển đổi môi trường và xã hội Việt Nam cho biết: BĐKH là đề tài đã quá quen thuộc và báo chí VN đã nói đến rất nhiều. Nhưng vấn đề ở đây là chúng ta nên chuẩn bị thế nào để ứng phó với BĐKH ở Việt Nam? Đặc biệt là tại các thành phố đang phát triển nhanh. Do vậy các thành phố của VN phải làm thế nào để có thể chống chịu với các điều kiện thời tiết cực đoan và thất thường để giảm thiểu được các tác động lên nhóm người nghèo và dễ bị tổn thương.
 
 
Nhà ở của người nghèo tại Đà Nẵng được vay vốn cải tạo đảm bảo an toàn trước bão, lũ và BĐKH
 
Chia sẻ kinh nghiệm về phát triển đô thị, Ông Kapil Chaudhery, Kỹ sư Quy hoạch Vùng và Đô thị Spatial Decisions cho rằng: Cần có sự kết nối giữa lý thuyết, thực hành và thực tế mới có thể hình thành sự phát triển đô thị bền vững. Từ những nỗ lực trong liên kết này để có thể hiểu thêm, có những cái nhìn mới, những nổ lực hướng đến mục tiêu tạo ra các thành phố xanh có khả năng chống chịu với BĐKH tại Việt Nam.
 
Hội thảo được tổ chức lần này sẽ là cơ hội tốt để các nhà hoạch định chính sách, các chuyên gia trong lĩnh vực quy hoạch và phát triển đô thị trong và ngoài nước và đại diện các tổ chức quốc tế cùng trao đổi về định hướng phát triển cho các đô thị Việt Nam hướng tới đô thị xanh theo phương pháp tiếp cận tích hợp Phát triển đô thị bền vững và hướng tới khả năng ứng phó biến đổi khí hậu thông qua quả lý rủi ro, ngập lụt đô thị. Đồng thời xác định các công cụ cần và các phương pháp tiếp cận mới, tổ chức lòng ghép nội dung thích ứng BĐKH trong quy hoạch đô thị. Thứ trưởng Nguyễn Thanh Nghị, nhấn mạnh.

Nguồn tin:Theo báo tài nhuyên môi trường