Tin tức

Công ước Ramsar về bảo tồn và sử dụng một cách hợp lý và thích đáng các vùng đất ngập nước-Wetlands 23/07/2014

0
Công ước Ramsar là một công ước quốc tế về bảo tồn và sử dụng một cách hợp lý và thích đáng các vùng đất ngập nước, với mục đích ngăn chặn quá trình xâm lấn ngày càng gia tăng vào các vùng đất ngập nước cũng như sự mất đi của chúng ở thời điểm hiện nay cũng như trong tương lai, công nhận các chức năng sinh thái học nền tảng của các vùng đất ngập nước và các giá trị giải trí, khoa học, văn hóa và kinh tế của chúng.



Việt Nam gia nhập Công ước Ramsar từ năm 1989. Tiêu đề chính thức của công ước là The Convention on Wetlands of International Importance, especially as Waterfowl Habitat (Công ước về các vùng đất ngập nước có tầm quan trọng quốc tế, đặc biệt như là nơi cư trú của các loài chim nước). Công ước này được tạo ra và phê chuẩn bởi các quốc gia tham gia tại cuộc họp tại thành phố Ramsar, Iran ngày 2 tháng 2 năm 1971 và có hiệu lực ngày 21 tháng 12 năm 1975.

Danh sách Ramsar về các vùng đất ngập nước có tầm quan trọng quốc tế hiện nay (2007) bao gồm trên 1.616 khu vực (gọi là khu Ramsar) với tổng diện tích khoảng 1.455.000 km², tăng lên từ con số 1.021 khu vực vào năm 2000. Quốc gia hiện nay có số lượng khu Ramsar nhiều nhất là Vương quốc Anh với 164 khu; còn quốc gia với diện tích khu Ramsar lớn nhất là Canada với trên 130.000 km², bao gồm cả khu vực vịnh Queen Maud diện tích 62.800 km².

Từ 18 quốc gia ký kết ban đầu năm 1971, tăng lên từ 119 vào năm 2000; đến năm 2007, đã có 153 quốc gia và vùng lãnh thổ tham gia công ước. Đại diện các quốc gia ký kết gặp nhau 3 năm một lần tại Hội nghị các quốc gia ký kết (COP), với hội nghị đầu tiên tổ chức tại Cagliari, Italia năm 1980. Các sửa đổi quan trọng đối với côn ước ban đầu đã đạt được tại Paris (năm 1982) và Regina (năm 1987).
Đến tháng 5/2012, tổng cộng có 160 quốc gia và vùng lãnh thổ tham gia công ước Ramsar, bao gồm 2006 khu, tổng diện tích là 192,822,023 hecta.

Phục vụ cho công ước có ủy ban thường trực, ban xét duyệt khoa học và ban thư ký tại trụ sở chính ở Gland, Thụy Sỹ cùng với IUCN.
Việt Nam đã ký gia nhập Công ước Ramsar vào năm 1989, là thành viên thứ 50, đồng thời là quốc gia đầu tiên của Đông Nam Á tham gia Công ước này.

Albania, Algérie, Argentina, Armenia, Australia, Austria, Azerbaijan, Bahamas, Bahrain, Bangladesh, Belarus, Bỉ, Belize, Benin, Bolivia, Bosnia và Herzegovina, Botswana, Brasil, Bulgaria, Burkina Faso, Burundi, Campuchia, Canada, Chad, Chile, Trung Quốc, Colombia, Comoros, Cộng hòa Congo, Costa Rica, Côte d'Ivoire, Croatia, Cuba, Cyprus, Cộng hòa Séc, Cộng hòa Dân chủ Congo, Đan Mạch, Djibouti, Cộng hòa Dominica, Ecuador, Ai Cập, El Salvador, Guinea xích đạo, Estonia, Phần Lan, Pháp, Gabon, Gambia, Gruzia, Đức, Ghana, Hy Lạp, Guatemala, Guinea, Guinea-Bissau, Honduras, Hungary, Hồng Kông, Iceland, Ấn Độ, Indonesia, Iran, Ireland, Israel, Italia, Jamaica, Nhật Bản, Jordan, Kenya, Kyrgyzstan, Latvia, Liban, Liberia, Libya, Liechtenstein, Litva, Luxembourg, Madagascar, Malawi, Malaysia, Mali, Malta, Mauritania, Mauritius, Mexico, Moldova, Monaco, Mông Cổ, Morocco, Namibia, Nepal, Hà Lan, New Zealand, Nicaragua, Niger, Nigeria, Na Uy, Pakistan, Palau, Panama, Papua New Guinea, Paraguay, Peru, Philippines, Ba Lan, Bồ Đào Nha, Cộng hòa Macedonia, România, Nga, Saint Lucia, Senegal, Serbia, Sierra Leone, Slovakia, Slovenia, Nam Phi, Hàn Quốc, Tây Ban Nha, Sri Lanka, Suriname, Thụy Điển, Thụy Sỹ, Syria, Tajikistan, Tanzania, Thái Lan, Togo, Trinidad và Tobago, Tunisia, Thổ Nhĩ Kỳ, Uganda, Ukraina, Vương quốc Anh, Hoa Kỳ, Uruguay, Uzbekistan, Venezuela, Việt Nam, Zambia, Liên Xô cũ.

Các quốc gia và vùng lãnh thổ mới tham gia: Antigua và Barbuda (02.10.2005), Cape Verde (18.11.2005), Cộng hòa Trung Phi (05.04.2006), Lesotho (01.11.2004), quần đảo Marshall (13.11.2004), Mozambique (03.12.2004), Myanma (17.03.2005), Rwanda (01.04.2006), Samoa (06.02.2005), Seychelles (22.03.2005), Sudan (07.05.2005), Kazakhstan (15.01.2007).

Tính đến năm 2013, Việt Nam có 6 khu Ramsar của thế giới:


 
Vườn quốc gia Xuân Thủy - Nam Định

Tháng 01/1989 Vùng Đất ngập nước ở cửa sông ven biển thuộc huyện Xuân Thuỷ chính thức gia nhập công nhận công ước Ramsar (Công ước bảo vệ những vùng đất ngập nước có tầm quan trọng quốc tế, đặc biệt như là nơi di trú của những loài chim nước). Đây là điểm Ramsar thứ 50 của thế giới, đầu tiên của Đông Nam Á và đầu tiên của Việt Nam.

Năm 1992, UBND huyện Xuân Thuỷ thành lập trung tâm tài nguyên môi trường nhằm giúp Chính phủ thực hiện tốt cam kết quốc tế về quản lý bảo tồn khu Ramsar Xuân Thuỷ.

Ngày 19/01/1995, được sự uỷ quyền của Chính phủ, Bộ Lâm nghiệp (Nay là Bộ Nông nghiệp & PTNT) phê duyệt Luận chứng kinh tế kỹ thuật Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Xuân Thuỷ, trực thuộc chi cục Kiểm Lâm Nam Hà, nằm trong hệ thống các VQG và khu bảo tồn thiên nhiên của Việt Nam.

Ngày 02/01/2003, Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định số 01/QĐ-TTg V/v Chuyển hạng khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Xuân Thuỷ thành VQG Xuân Thuỷ (VQG là cấp bảo tồn thiên nhiên cao nhất trong hệ thống bảo tồn thiên nhiên của nước ta hiện nay).

Tháng 12/2004, Tổ chức UNESCO công nhận Khu dự trữ sinh quyển đồng ven biển châu thổ sông Hồng, trong đó VQG Xuân Thuỷ là vùng lõi có tầm quan trọng đặc biệt của khu dự trữ sinh quyển thế giới này.
Trải qua một khoảng thời gian dài hình thành và phát triển, Vườn quốc gia Xuân Thuỷ đã không ngừng lớn mạnh về mọi mặt. Từ một đơn vị nhỏ bé do UBND huyện thành lập mang tính kiêm nghiệm, cơ sở vật chẩt nghèo nàn lạc hậu, lực lượng cán bộ viên chức mỏng... đến nay đã trở thành Đơn vị phát triển tương đối toàn diện, cơ sở vật chất và đội ngũ cán bộ viên chức được tăng cường từng bước đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ và bảo tồn nguyên vẹn hệ sinh thái Đất ngập nước tại khu vực cửa sông ven biển Miền Bắc Việt Nam.

 

Vùng đất ngập nước Bàu Sấu thuộc Vườn quốc gia Cát Tiên - Đồng Nai


Ban Thư ký Công ước Ramsar tại Thụy Sĩ đã công nhận hệ đất ngập nước Bàu Sấu (vườn quốc gia Cát Tiên) có tầm quan trọng quốc tế thứ 1499 của thế giới theo danh sách Ramsar đồng thời là khu Ramsar thứ hai của Việt Nam.
Vùng đất ngập nước Bàu Sấu và các vùng đất ngập nước theo mùa của vườn quốc gia Cát Tiên (gọi tắt là hệ đất ngập nước Bàu Sấu) có diện tích 13.759ha, bao gồm 5.360ha đất ngập nước theo mùa và 151ha đất ngập nước quanh năm. Còn lại là các diện tích thấp hơn 115m so với mặt nước biển. Toàn bộ hệ đất ngập nước Bàu Sấu nằm ở vị trí trung tâm khu Nam Cát Tiên, vườn quốc gia Cát Tiên (huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai).

Hệ đất ngập nước Bàu Sấu được công nhận vào danh sách Ramsar càng khẳng định giá trị và ý nghĩa của công tác bảo tồn đa dạng sinh học ở Việt Nam, tạo điều kiện thuận lợi hơn để tiếp tục phát huy các thành quả bảo tồn tài nguyên thiên nhiên và phát triển cộng đồng, phát huy các lợi ích về bảo vệ môi trường, về khoa học, gắn liền với các lợi ích về kinh tế, văn hoá và xã hội.
Công ước Ramsar là "công ước về các vùng đất ngập nước có tầm quan trọng quốc tế đặc biệt như là nơi cư trú của các loài chim nước" được ký ngày 2-2-1971 tại thành phố Ramsar của Iran. Việt Nam đã ký gia nhập Công ước vào năm 1989, là thành viên thứ 50, đồng thời là quốc gia đầu tiên của Đông Nam Á tham gia Công ước này.


 

Hồ Ba Bể - Bắc Kạn


Nhân Ngày Môi trường thế giới 5/6 và Năm quốc tế về rừng 2011, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, Bộ sẽ trao quyết định của UNESCO công nhận hồ Ba Bể (tỉnh Bắc Kạn) là Khu Ramsar (vùng đất ngập nước có tầm quan trọng quốc tế) thứ 3 của Việt Nam, sau Xuân Thủy (Nam Định) và Bàu Sấu (Đồng Nai).
 
Hồ Ba Bể là một hồ nước ngọt ở Bắc Kạn (Việt Nam). Đây là một trong một trăm hồ nước ngọt lớn nhất thế giới và nằm trong vườn quốc gia Ba Bể. Nơi đây được công nhận là khu du lịch quốc gia Việt Nam. Hồ được hình thành từ cách đây hơn 200 triệu năm. Cuộc kiến tạo lục địa Đông Nam Á cuối kỷ Camri, đã đưa một khối nước khổng lồ với diện tích bề mặt xấp xỉ 5 triệu m2 và chiều dầy hơn 30m lên lưng chừng vùng núi đá vôi, tạo ra hồ Ba Bể. Ba nhánh của hồ thông nhau được gọi tên là Pé Lầm, Pé Lù và Pé Lèng.

Giá trị lớn nhất của Hồ Ba Bể là cảnh quan địa chất độc đáo, giá trị nổi bật về địa chất địa mạo và giá trị to lớn về đa dạng sinh học. Đây là hồ nước ngọt thiên nhiên lớn nhất Việt Nam. Khu Ramsar quốc gia Ba Bể có hồ rộng khoảng 500ha trên độ cao 178m so với mặt biển. Đây là hồ tự nhiên trên núi duy nhất có ý nghĩa đặc biệt quan trọng ở Việt Nam. Với độ sâu trung bình 17-23m, có chỗ sâu nhất lên tới 29m, Ba Bể là khu du lịch sinh thái, văn hóa quan trọng trong vùng du lịch miền núi Ðông Bắc...

Năm 1995, Hồ Ba Bể đã được Hội nghị Hồ nước ngọt thế giới, tổ chức tại Mỹ, công nhận là một trong 20 hồ nước ngọt đặc biệt của thế giới cần được bảo vệ. Cuối năm 2004, Vườn quốc gia Ba Bể được công nhận là Vườn di sản ASEAN.

Vào năm 1988, Văn phòng Công ước Ramsar đã công nhân Xuân Thuỷ (Nam Định) là khu Ramsar đầu tiên của Việt Nam. Theo đó, Việt Nam trở thành quốc gia đầu tiên ở khu vực Đông Nam Á tham gia vào Công ước về các vùng đất ngập nước có tầm quan trọng quốc tế (Công ước Ramsar - văn kiện được các nước tham gia ký tại thành phố Ramsar, Iran ngày 2/2/1971). Tiếp đó, vào năm 2005, Bàu Sấu nằm trong Vườn quốc gia Cát Tiên, tỉnh Đồng Nai được công nhận là Khu Ramsar thứ 2 của Việt Nam.
Được biết, Cục Bảo tồn đa dạng sinh học, Cơ quan thẩm quyền Ramsar tại Việt Nam sẽ tiếp tục đề cử Tràm Chim thành khu Ramsar thứ 4 của Việt Nam.


 
Vườn quốc gia Tràm Chim, huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp

Tỉnh Đồng Tháp đã phê duyệt Đề án bảo tồn Vườn Quốc gia Tràm Chim giai đoạn 2014-2020, trong đó đầu tư hơn 2,8 tỷ đồng để giám sát, nghiên cứu, bảo tồn thành phần các loài thủy sản.
Vườn Quốc gia Tràm Chim (huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp) hiện có 57 loài thực vật, thủy sản và chim nước đang được ưu tiên bảo tồn, lưu giữ tại vườn, trong đó 17 loài trong sách đỏ Việt Nam có nguy cấp mất dần hoặc bị đe dọa tồn tại trong tương lai gần.

Đó là loài nguy cấp cá Hô, ngan cánh trắng, cò thìa, già đẫy lớn, ô tác (công đất, công sấm); loài bị đe dọa tồn tại trong tương lai gần như cá còm, cá lóc bông, cá duồng, cá mang rổ, cá ét mọi, cá duồng bay, cá ngựa nam, sếu đầu đỏ, đại bàng đen, bồ nông chân xám, già đẫy Java (già sói), già đẫy lớn.

Ngoài ra, vườn còn có các loài hiếm có thể sẽ nguy cấp như lúa ma (lúa trời), ráng gạt nai, dây choại, cốc đế, bạc má, cò lạo Ấn Độ, giang sen, cò nhạn (cò ốc).
Vườn còn phối hợp với Trạm thủy sản huyện Tam Nông tiến hành thả hơn 4.800 con cá Thát lát còm (Notopterus chitala) và 4.400 con cá Sặc rằn (Trichogaster pectoralis) về với thiên nhiên, mục đích tái tạo nguồn cá quý bản địa trong kế hoạch tổng thể của Vườn về bảo tồn đa dạng sinh học.
Để đáp ứng các mục tiêu bảo tồn đa dạng sinh học, Vườn Quốc gia Tràm Chim quyết định thời điểm đóng các cửa cống vào cuối mùa mưa để cho mức nước ngập thích hợp, sau khi đóng cống để trải qua các tháng trong mùa khô dưới tác động của các yếu tố khí tượng sẽ đạt mức nước ngập hợp lý. Vườn đã thiết lập hệ thống kênh với chiều dài hơn 60km bao quanh với với chiều rộng 25–30m, 20km kênh nội đồng rộng 6-10m; hình thành 37 ao trữ nước ở các phân khu A1, A2, A4 để bảo vệ nguồn lợi thủy sản, đồng thời làm tốt công tác phòng cháy chữa cháy rừng.
.
 

Vườn quốc gia Mũi Cà Mau, thuộc huyện Ngọc Hiển, Cà Mau

      
Theo Quyết định số142/2003/QĐ-TTg ngày 14/7/2003 của Thủ tướng Chính phủ, Vườn quốc gia Mũi Cà Mau thuộc địa phận các xã: Đất Mũi, Viên An và Đất Mới, thuộc huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau với tổng diện tích tự nhiên là 41.862 ha (trong đó 15.262 ha trên đất liền và 26.600 ha ven biển). Đây là hệ sinh thái rừng ngập mặn tự nhiên có giá trị rất cao về đa dạng sinh học, cảnh quan thiên nhiên, môi trường, văn hóa và lịch sử.
Mục tiêu của Vườn quốc gia Mũi Cà Mau là bảo tồn lâu dài mẫu chuẩn sinh thái có tầm quan trọng quốc gia, khu vực và thế giới trên cơ sở các giải pháp khoa học, kinh tế và xã hội để bảo vệ hệ sinh thái đất ngập nước vùng đất mũi đang trong quá trình diễn thế tự nhiên. Đồng thời, xây dựng Vườn quốc gia Mũi Cà Mau để phục vụ các hoạt động tham quan, du lịch sinh thái và hợp tác quốc tế, xây dựng và thực nghiệm các mô hình bảo tồn và sử dụng bền vững tài nguyên rừng ngập mặn, phát huy giá trị và chức năng kinh tế của hệ sinh thái đất ngập nước.

Bên cạnh đó, phát huy vai trò phòng hộ bảo vệ môi trường, hạn chế xói lở, thúc đảy quá trình bồi tụ bờ biển, để bảo vệ đời sống và sản xuất của nhân dân các vùng đất liền, bảo vệ khu cư trú của ngư dân ở vùng ven biển; bảo vệ đa dạng sinh học của các hệ sinh thái rừng ngập mặn, nơi cư trú cho các loài sinh vật ở vùng ven biển, cung cấp dinh dưỡng cho các loài thủy sản, hỗ trợ cho các hoạt động sản xuất ở vùng ven biển…

Công ước Ramsar về các vùng đất ngập nước là một hiệp ước liên Chính phủ với sứ mạng bảo tồn và sử dụng một cách hợp lý các vùng đất ngập nước thông qua hành động của địa phương, của khu vực, của quốc gia và hợp tác quốc tế nhằm góp phần đạt được mục tiêu và phát triển bền vững trên toàn thế giới.


 
Vươn quốc gia Côn Đảo

Ban Thư ký Công ước Ramsar thế giới đã công nhận Vườn quốc gia Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu là 1 trong 2.203 Khu đất ngập nước quan trọng quốc tế (Wetlands of International Importance). Tính đến nay, Vườn quốc gia Côn Đảo là Khu đất ngập nước quan trọng (gọi tắt là khu Ramsar) thứ 6 của Việt Nam.

Trước đây (năm 1995), Côn Đảo đã được Ngân hàng thế giới đưa vào danh sách một Hệ thống các khu vực biển quan trọng cần bảo vệ trên toàn cầu (A Global Representative System of Marine Protected Areas) và Côn Đảo cũng là khu vực trọng điểm nằm trong Kế hoạch hành động đa dạng sinh học của Việt Nam đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 1995.
 
Để được quốc tế công nhận là khu Ramsar, Vườn quốc gia Côn Đảo phải thỏa mãn các tiêu chí về vị trí, địa lý, tiềm năng sinh thái, đa dạng sinh học cũng như các giá trị về cảnh quan, môi trường, kinh tế, xã hội... Sự kiện ý nghĩa này đã khẳng định được kết quả quản lý, bảo tồn thiên nhiên tại Côn Đảo gần 30 năm qua, từ khi Chính phủ quyết định thành lập Khu bảo tồn thiên nhiên tại quần đảo lịch sử này.
 

Ngày 13/4/2013 tại Vườn Quốc gia Mũi cà Mau, Bộ Tài nguyên và Môi trường, UBND tỉnh Cà Mau và Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên thế giới (WWF) đã tổ chức buổi lễ đón nhận bằng khu Ramsar thứ 5 của Việt Nam và là khu Ramsar thứ 2088 của thế giới.

NỘI DUNG CƠ BẢN CỦA CÔNG ƯỚC RAMSAR


Công ước Ramsar là một công ước quốc tế về bảo tồn và sử dụng một cách hợp lý và thích đáng các vùng đất ngập nước, với mục đích ngăn chặn quá trình xâm lấn ngày càng gia tăng vào các vùng đất ngập nước cũng như sự mất đi của chúng ở thời điểm hiện nay cũng như trong tương lai, công nhận các chức năng sinh thái học nền tảng của các vùng đất ngập nước và các giá trị giải trí, khoa học, văn hóa và kinh tế của vùng đất ngập nước.

Công ước về các vùng đất ngập nước có tầm quan trọng quốc tế đặc biệt là nơi cư trú của các loài chim nước (hay còn gọi là Công ước Ramsar) được thông qua ngày 02 tháng 02 năm 1971 tại thành phố Ramsar, Iran.

Mục tiêu ban đầu của Công ước nhằm bảo tồn và sử dụng khôn khéo các vùng đất ngập nước là nơi sinh sống của các loài chim nước.Tuy nhiên, sau nhiều năm Công ước đã mở rộng ra đối với tất cả các lĩnh vực bảo tồn và sử dụng khôn khéo các vùng đất ngập nước nhằm góp phần đạt được mục tiêu phát triển bền vững trên quy mô toàn cầu.

Việt Nam trở thành thành viên của Công ước Ramsar từ năm 1989. Nhằm thúc đẩy tiến trình thực hiện Công ước, góp phần vào công cuộc bảo tồn đa dạng sinh học và phát triển bền vững đất ngập nước Việt Nam, Cục Bảo vệ môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức dịch và phát hành cuốn sách “Tài liệu hướng dẫn thực hiện Công ước Ramsar”.

1. Công ước Ramsar về các vùng đất ngập nước là gì?


Công ước về các vùng đất ngập nước là một hiệp ước liên chính phủ được thông qua ngày 02 tháng 02 năm 1971 tại thành phố Ramsar ở phía bờ nam biển caspian của Iran. Do đó, mặc dù ngày nay thường được viết là “Công ước về các vùng Đất ngập nước (Ramsar, Iran, 1971)” nhưng Công ước này thường được biết đến dưới tên gọi “Công ước Ramsar”. Công ước Ramsar là hiệp ước đầu tiên trong số những Công ước liên chính phủ về bảo tồn và sử dụng bền vững các nguồn tài nguyên thiên nhiên.

Công ước này có hiệu lực vào năm 1975 và hiện nay (tính đến tháng 12/2006) có 153 Bên tham gia, hoặc là quốc gia thành viên, ở mọi nơi trên thế giới. Mặc dù thông điệp của Công ước Ramsar là sự cần thiết phải sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước nhưng nội dung trung tâm của Công ước này là Danh sách các vùng đất ngập nước có tầm quan trọng quốc tế (danh sách Ramsar). Hiện nay, các Bên tham gia đã đưa vào danh sách này trên 1.634 vùng đất ngập nước được coi là “vùng Ramsar” cần được bảo vệ đặc biệt với diện tích trên 145 triệu hecsta(1,45 triệu km²), lớn hơn diện tích bề mặt của nước: Pháp, Đức,Tây Ban Nha vµ Thụy Sỹ cộng lại.

2. Thế nào là vùng đất ngập nước?

Đất ngập nước là những nơi mà nước là nhân tố chính kiểm soát môi trường và hệ động thực vật sinh sống ở vùng đó. Vùng ngập nước xuất hiện khi mực nước ở hay gần bề mặt của đất bị ngập bởi nước.

Theo Công ước Ramsar, vùng đất ngập nước được bảo vệ bởi Công ước này được hiểu một cách rất rộng. Theo văn kiện của Công ước này (Điều 1.1), đất ngập nước được xác định là: “Những vùng đầm lầy, miền đầm lầy, vùng đất than bùn, vùng đất tù nhiên hoặc nhân tạo, có thể tồn tại lâu dài hay tạm thời, có nước tĩnh hoặc nước chảy, là nước ngọt, nước lợ hay nước mặn, bao gồm cả những vùng nước biển có độ sâu không quá 6 mét khi triều kiệt”.

3. Tại sao phải bảo tồn đất ngập nước?


Đất ngập nước là môi trường hữu ích nhất trên thế giới. Đó là cái nôi của đa dạng sinh học và cung cấp nước cũng như những điều kiện cơ bản giúp vô số các loài đéng thực vật tồn tại. Đất ngập nước là nơi tập trung ở mức cao các loài chim, loài thú có vú, bò sát, động vật lưỡng cư, cá và các loài nhuyễn thể. Đất ngập nước cũng là kho của nguyên liệu gen thực vật. Ví dụ, lúa – một loài thực vật sống ở đất ngập nước – là cây lương thực cho hơn một nửa nhân loại.

Bên cạnh đó, đất ngập nước rất quan trọng thậm chí có vai trò cốt yếu đối với sức khỏe, phúc lợi và sự an toàn của những người sống trong hoặc gần chúng. Đất ngập nước là một trong những môi trường hữu ích nhất trên thế giới và cung cấp cho chúng ta rất nhiều lợi ích đa dạng.

4. Chức năng đất ngập nước

Sự tác động qua lại của các thành phần vật lý, sinh vật và hóa học của đất ngập nước như đất, nước, động thực vật giúp đất ngập nước có được những vai trò cốt yếu như:

Giữ nước;
Chống bão và làm giảm lũ lụt;
Giúp ổn định đất ven bờ và kiểm soát lở đất;
Cung cấp nước cho mạch nước ngầm (nước từ vùng đất ngập nước thấm xuống tầng đất ngầm ngập nước);
Lấy nước ngầm (nước ngầm thoát lên trên thành nước mặt ở những vùng đất ngập nước);
Lọc nước;
-Giữ lại chất dinh dưỡng;
Giữ lại các chất trầm tích;
Giữ lại các chất gây ô nhiễm;
Ổn định khí hậu trong vùng, đặc biệt là lượng mưa và nhiệt độ.

5 Giá trị đất ngập nước

Đất ngập nước thường cung cấp nhiều lợi ích kinh tế như:
Cung cấp nước (số lượng và chất lượng);
Thuỷ sản (trên 2/3 sản lượng cá thu hoạch trên thế giới gắn liền với sự lành mạnh / chất lượng của các vùng đất ngập nước );
Nông nghiệp (thông qua việc duy trì mức nước ngầm và chất dinh dưỡng được giữ lại ở những vùng đồng bằng cửa sông);
Gỗ và các nguyên liệu xây dựng khác;
Tài nguyên động thực vật hoang dã; Giao thông;
Nhiều loại sản phẩm khác nhau, gồm cả cây thuốc;
Cơ hội giải trí và du lịch; Bên cạnh đó, đất ngập nước có những giá trị đặc biệt như là một phần của di sản văn hoá của nhân loại vì chúng phản ánh niềm tin vào tôn giáo và vũ trụ cũng như các giá trị tinh thần, tạo nên nguồn cảm hứng thẩm mỹ và mỹ thuật, cung cấp những giá trị khảo cổ vô giá, trở thành nơi bảo tồn động vật hoang dã và hình thành nên nền tảng của những truyền thống văn hoá, kinh tế và xã hội quan trọng của địa phương.

6. Quan hệ với các công ước có liên quan đến môi trường


Lợi ích của việc điều phối hợp và phối hợp các công việc có liên quan và trùng lặp của các Công ước và các tổ chức quốc tế đã được tính đến. Ban Thư ký đã rất nỗ lực để tạo ra sự phối hợp với các công cụ có liên quan đến môi trường và họ sẽ tiếp tục công việc này. Trong một số trường hợp, các đánh giá về những tiến bộ trong quan hệ này đã cho thấy những quan hệ như vậy rất có lợi cho các Bên tham gia.
Công ước Ramsar (cơ quan đầu mối tại các quốc gia) xây dựng mối quan hệ cộng tác chặt chẽ với các đối tác của mình với các Công ước khác trên phạm vi quốc gia như:
Công ước Đa dạng sinh học (CBD)
Công ước Bảo tồn các loài động vật hoang dã di cư:
Công ước di sản thế giới UNESCO:
Công ước của Liên hiệp quốc về chống sa mạc hoá (UNCCD):
Công ước khung của Liên hiệp quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC):
Các Công ước khu vực và Uỷ ban về các vùng châu thổ:
Bên cạnh đó, Công ước Ramsar cũng hợp tác chặt chẽ với Chương trình con người và sinh quyển của Liên hiệp quốc trong khuân khổ của chương trình hợp tác chung được ký lần đầu vào năm 2002

7. Công tác điều phối với các Công ước


Ban Thư ký Công ước Ramsar tham dự vào các buổi họp về việc điều phối các Công ước do Chương trình môi trường Liên hiệp quốc tổ chức và hoan nghênh xu hướng của các buổi họp này là ít tập trung đơn thuần vào các vấn đề hành chính và tập trung nhiều hơn vào các vấn đề điều phối thực tế. Ban Thư ký Công ước Ramsar cũng dành thời gian và tài chính để tham gia các nhóm công tác và các công trình nghiên cứu nhằm cân đối các yêu cầu của các Công ước có liên quan đến Đa dạng sinh học.

Công ước Ramsar cũng tham gia tích cực với tư cách là một thành viên chính thức của Nhóm Liên lạc đa dạng sinh học (BLG) gồm: 5 thành viên nêu trên. LỊCH SỬ VỀ CÔNG ƯỚC RAMSAR đất ngập nước được đưa ra trong Hội nghị về Dự án MAR (bắt nguồn từ các từ “MARshes” và “MARécages” và “MARismas”) vốn là một chương trình ra đời năm 1960 xuất phát từ những lo ngại trước thực trạng những dải đầm lầy và vùng đất ngập nước rộng lớn ở châu Âu bị tàn phá hoặc thu hẹp nhanh chóng, mà hậu quả là nhiều loài chim nước suy giảm.

Cuối cùng, Văn kiện Công ước cũng đã được nhất trí vào ngày 02/02/1971 và được đại biểu của 18 nước ký kết một ngày sau đó tại một Hội nghị quốc tế do ông Eskander Firouz – Bộ trưởng Thuỷ sản và thú săn của Iran – Tổ chức, tại khu nghỉ mát Ramsar trên bờ biển Caspian của Iran. Tháng 12/1975, Công ước có hiệu lực thi hành sau khi UNESCO, tổ chức lưu chiểu Công ước, nhận được văn kiện gia nhập thứ 7 từ Hy Lạp.

Kể từ khi được thông qua, Công ước Ramsar đã được sửa đổi 02 lần vào tháng 12/1982 bắng một nghị định thư (bổ sung điều ước ban đầu) và vào năm 1987, với một loạt các bổ sung, sửa đổi được gọi là “các sửa đổi Reginal”./.

ĐẤT NGẬP NƯỚC VÀ BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU Ở VIỆT NAM

1. Tóm tắt

ĐNN có vai trò rất quan trọng đối với tự nhiên và đời sống xã hội. ĐNN cung cấp cho con người lương thực, thực phẩm, có vai trò như bể hấp thụ và bể chứa cacbon, điều hòa dòng chảy, kiếm soát lũ lụt, chống sói lở, dự trữ năng lượng, và duy trì  tài nguyên đa dạng sinh học (ĐDSH).  Việt Nam có mức độ Đa dạng sinh học nói chung, đa dạng sinh học đất ngập nước nói riêng rất cao gồm 68 kiểu ĐNN với tổng diện tích khoảng 10 triệu héc ta, trong đó đất ngập nước trồng lúa chiếm khoảng 4,1 triệu ha. Tuy nhiên, trong thời gian qua, do những nguyên nhân khác nhau, trong đó chủ yếu do bị khái thác quá mức, sự chuyển đổi các HST rừng ngập mặn tự nhiên sang các vùng nuôi tôm công nghiệp, các HST ĐNN bị suy thoái nghiêm trọng. Việt Nam cũng là một trong số rất ít quốc gia được dự đoán sẽ chịu tác động nặng nề nhất của BĐKH.

BĐKH và ĐNN có sự tương tác mật thiết với nhau. Một mặt, dưới tác động của BĐKH, các HST đất ngập nước chịu những rủi ro nặng nề nhất, so với các HST trên cạn và biển; nhưng mặt khác nếu được quản lý tốt các HST ĐNN và ĐDSH của nó sẽ có vai trò lớn trong giảm nhẹ và thích ứng với BĐKH.

2. Đất ngập nước ở Việt Nam


2.1. Các kiểu HST ĐNN

Là một quốc gia nằm ở trung tâm Đông Nam Á (ĐNA), với bờ biển dái 3260 km chạy qua suốt 15 vĩ độ, Việt Nam có các HST ĐNN rất phong phú và đa dạng. Ở Việt Nam có 68 kiểu ĐNN, trong đó có nhiều khu đất ngập nước có tầm quan trọng quốc tế như: Hồ Ba Bể (Vườn quốc gia Ba Bể), khu cửa sông Hồng Tiền Hải, U Minh Thượng, Mũi Cà Mau và khu đất ngập nước Côn Đảo (Hội nghị Đất ngập nước châu Á lần thứ tư tại Hà Nội, 23-25/6/2008) (Hình 2). Đất ngập nước được chia thành  2 nhóm: Đất ngập nước nội địa và đất ngập nước ven biển. Đất ngập nước nội địa có mặt ở cả 3 miền và các vùng sinh thái, đa dạng về kiểu loại, hình thái, tài nguyên, chức năng và giá trị đa dạng sinh học, ví dụ như HST sông, hồ, đồng bằng/nông nghiệp. Đất ngập nước ven biển gồm đất ngập nước cửa sông, bãi triều, đầm phá và vùng nước biển có độ sâu 6 m khi triều kiệt, ví dụ như hệ sinh thái rừng ngập mặn, rạn san hô, thảm cỏ biển... Tổng diện tích ĐNN của Việt Nam khoảng 10 triệu héc ta, trong đó đất ngập nước trồng lúa chiếm khoảng 4,1 triệu ha.

Từ năm 1989, Việt Nam là quốc gia thứ 50 trên thế giới tham gia Công ước Ramsar. Trong những  năm qua, Việt Nam đã có nhiều nỗ lực triển khai các hoạt động nghiên cứu, kiểm kê, xây dựng các công cụ và kỹ thuật khác nhau để bảo tồn, sử dụng, quản lý đất ngập nước theo tinh thần của Công ước Ramsar.

2.1.1. Các HST lưu vực sông


Nước ta có 2.360 con sông với chiều dài từ 10km trở lên và 26 phân lưu của các sông lớn. Trong đó 9 sông có lưu vực lớn hơn 10.000km2 là sông Hồng, sông Thái Bình, sông Kỳ Cùng – Bằng Giang, sông Mã, sông Cả, sông Thu Bồn, sông Ba, sông Seprok – Sê San, sông Đồng Nai và sông Cửu Long.

Sông ngòi nước ta có lượng nước phong phú với tổng lưu lượng trung bình đạt 26.600m3/s tương đương với tổng lượng nước là 839 tỷ m3/năm. Trong đó, phần nước sinh ra trong lãnh thổ là 323 tỷ m3, chiếm 38,5%; còn phần từ bên ngoài chảy vào lãnh thổ nước ta là 516 ty m3/năm, chiếm 61,5%. Riêng lượng nước từ Việt Nam chảy sang các nước xung quanh là 8,92 tỷ m3/năm, chiếm 1,1% tổng lượng nước. Trong tổng lượng nước nói trên, phần chảy mặt là 637 tỷ m3/năm, chiếm 76%, còn dòng chảy ngầm là 202 tỷ m3/năm, chiếm 24%.

Tuy nhiên, lượng nước trên được phân bổ rất không đều giữa các hệ thống sông. Tồng lượng dòng chảy năm của sông Mê Kông khoảng 500km3 (chiếm tới 59% dòng chảy năm của toàn Việt Nam), sông Hồng là 126,5 km3 (14,9%), và các hệ thống khác còn lại là 24,5% (trong số đó hệ thống sông Đồng Nai là 36,3km3 (4,3%) , hệ thống sông Cả là 2,9 % ) (Bộ TN&MT, 2005, 2010).

2.1.2. Các HST  hồ


Nước ta có nhiều hồ tự nhiên như hồ Ba Bể ở Bắc Kạn, với diện tích khoảng 5km2; Hồ Tây ở Hà Nội, 4,5km2; Biển Hồ ở Gia Lai, 8km2; hồ Lắk ở Đắk Lắk, 10km2 v.v.

Ngoài các hồ tự nhiên, ở nước ta cũng đã xây được rất nhiều hồ chứa nước nhân tạo ở khắp mọi vùng đất nước. Trong thời gian qua đã có hơn 10.000 hồ chứa các loại đã được xây dựng với tổng dung tích hữu ích khoảng 37.000 triệu km3, chiếm 4,4% tổng lượng dòng chảy năm trung bình giai đoạn 1977-2008 của các sông suối. Trong đó, có 7 hồ với dung tích trên 500 triệu m3 là Hoà Bình, 5.680 triệu m3, Trị An, 2.547 triệu m3; Thác Bà, 2.160 triệu m3; Thác Mơ 1.311 triệu m3; Dầu Tiếng 1.111 triệu m3; Yaly, 779 triệu m3; Hàm Thuận - Đa Mi, 535 triệu m3.

Tổng dung tích hữu ích của hồ chứa trong hệ thống sông Hồng-Thái Bình (thuộc lãnh thổ Việt Nam) chiếm trên 45%, hệ thống sông Đồng Nai – 22%, mỗi hệ thống sông Cả, Ba và sông Sê San – 7% tổng dung tích hữu ích của các hồ chứa trong cả nước.

Theo điều tra, thống kê gần đây nhất, trên địa phận 43 tỉnh, thành phố đã có trên 2.900 hồ chứa có dung tích từ 0,5 triệu m3 trở lên đang vận hành, đang được xây dựng hoặc đã có  quy hoạch với tổng dung tích khoảng 65 tỷ m3, tổng công suất lắp máy khoảng 21.999 MW. (Cục quản lý tài nguyên nước, 2009).
Nói chung, các hồ ở nước ta là nơi chứa và dự trữ nước mặt quan trọng, có vai trò trong điều hòa dòng chảy, phục vụ thủy lợi, nuôi trồng thủy sản, giao thông thủy, phát điện đồng thời cũng góp phần điều hòa khí hậu, tạo nên cảnh quan đẹp phục vụ cho nghỉ ngơi, an dưỡng, du lịch.

2.1.3. Các HST đồng bằng


Đồng bằng ở Việt Nam chỉ chiếm ¼ diện tích đất liền cả nước. Vùng đồng bằng có địa hình thấp và tương đối phẳng với hai đồng bằng rộng lớn, phì nhiêu là đồng bằng sông Hồng (16.700 km2) và đồng bằng sông Cửu Long (40.000 km2). Ngoài ra còn một dải đồng bằng hẹp ven biển miền Trung, từ đồng bằng thuộc lưu vực sông Mã (Thanh Hóa) đến Phan Thiết với tổng diện tích 15.000 km2. Phần lớn các đồng bằng nước ta là đồng bằng châu thổ, được bồi đắp bằng phù sa của các dòng sông lớn nên đất đai màu mỡ, thuận lợi cho phát triển nông nghiệp.

Việt Nam là quê hương của lúa nước và sản lượng lúa tăng đều trong những năm qua, đạt kỷ lục là  42 triệu tấn lúa trong năm 2011 tăng khoảng 5% so với năm 2010. Lượng gạo dự kiến xuất khẩu hàng năm đạt tới 7,5 triệu đến 8 triệu tấn (hai nước đứng đầu thế giới là Thại Lan và Việt Nam) .

Tuy nhiên, do địa hình khá phẳng, nên khí hậu và đất đai của đồng bằng khá đồng nhất và chịu sự tác động trực tiếp của biển. Đây là những đặc điểm khiến hai vùng đồng bằng lớn của nước ta có độ rủi ro cao dưới tác động của BĐKH hiện nay.

2.1.4. Đất nhập nước ven biển


ĐNN ven biển rất phong phú và đa dạng, gồm nhiều kiểu HST khác nhau (Hình 4, Bảng1).
Ven biển có nhiều đầm, phá, bàu, trằm. Đáng chú ý là các đầm phá Tam Giang – Cầu Hai (Thừa Thiên – Huế), có diện tích mặt nước 216km2; Thị Nại (Bình Định), 45km2; Trường Giang (Quảng Ngãi), 36,9km2l; Cù Mông (Phú Yên), 30,2km2; Nước Ngọt (Bình Định), 26,5km2; Thuỷ Triều (Khánh Hoà), 25,5km2; Ô Loan (Phú Yên), 18,0km2; Lăng Cô (Thừa Thiên – Huế), 16,0km2; Trà Ổ (Bình Định), 14,4km2; Đầm Nại (Ninh Thuận), 12,0km2 (Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam, 2004)

Trong những năm gần đây, do tốc độ công nghiệp hóa, đô thị hóa và hiện đại hóa đất nước, một diện tích rất lớn đất ngập nước đã bị chuyển hóa sang mục đích sử dụng khác; tính chất, giá trị của đất ngập nước vì vậy bị mai một. Đồng thời, sự phát triển này đã làm cho môi trường VN nói chung, đất ngập nước nói riêng đang có chiều hướng xấu đi do chất thải công nghiệp, ô nhiễm dầu, sử dụng hóa chất bảo vệ thực vật, chất hữu cơ và các chất độc hại trong khai thác tài nguyên.
 
2.2. Vai trò của ĐNN


Đất ngập nước Việt Nam có vai trò rất quan trọng về mặt sinh thái và kinh tế. Một cách khái quát, có thể phân tích vai trò của ĐNN  theo các dịch vụ HST như sau:

a) Dịch vụ cung cấp

Các HST ĐNN cung cấp nhiều loại sản phẩm cho cuộc sống, trong đó quan trọng là:
i)    Cung cấp nước cho sinh hoạt và sản xuất: Tài nguyên nước ngọt được lưu trữ trong các sông ngòi, hồ ao;
ii)    Cung cấp lương thực, thực phẩm: các thủy hải sản nước ngọt và nước lợ và nước mặn ven bờ, lúa gạo, đặc biệt là ở hai đồng bằng lớn nhất cả nước (ĐBS Hồng và ĐBS Cửu Long).

b) Dịch vụ Điều hòa:

- Điều hòa nguồn nước, khí hậu: Các hồ tự nhiên và đặc biệt là các hồ chứa nhân tạo có vai trò lớn trong dự trữ và điều hòa nguồn nước,  tích lũy và hạn chế ô nhiễm môi trường, điều hòa khí hậu, duy trì đa dạng sinh học và bảo vệ môi trường như lọc nước thải, điều hoà dòng chảy (giảm lũ lụt và hạn hán), chống xói lở bờ biển, ổn định mức nước ngầm cho những vùng sản xuất nông nghiệp, tích luỹ nước ngầm.
- Giảm nhe thiên tai: Rừng ngập mặn có vai trò trong giảm nhẹ tác động của bão lụt,  chống xói lở bờ biển,

c) Dịch vụ Văn hóa-tinh thần:


Các HST đất ngập nước bao gồm các bải biển, các vùng hồ… tao lên những cảnh quan đặc biệt ngoạn mục và trong lành, rất thuận lợi cho các dịch vụ du lịch, nghỉ dưỡng, sáng tác. Du lịch, đặc biệt là du lịch sinh thái và nghỉ dưỡng đang trở thành ngành kinh tế quan trọng của đất nước.
d) Dịch vụ hỗ trợ: Cùng với các HST trên đấy liền và biển, HST đất ngập nước giữ vai trò đặc biệt cho các chức năng hỗ trợ, đảm bảo cho sự tuần hoàn của các chu trình sinh địa hóa, chu trình năng lượng của tự nhiên. Các vùng đất ngập nước tạo môi trường thuận lợi cho việc lắng đọng phù sa, góp phần ổn định và mở rộng bãi bồi.
Nói một cách khái quát, ĐNN có vai trò rất quan trọng trong phát tiển kinh tế-xã hội và anh nình quốc phòng.

2.3. Sự suy thoái của ĐNN


Trong thời gian qua, do những lý do khác nhau, các HST ĐNN bị suy thoái nghiêm trọng:
a. Rừng ngập mặn, trong gần 5 thập kỷ qua, diện tích đã giảm hơn 70%  do chất độc hóa học (trước đây) và phong trào nuôi tôm công nghiệp (gần đây).  Hệ sinh thái biển và nguồn lợi hải sản cũng bị suy thoái và là một trong những vấn đề môi trường bức súc nhất, đặc biệt là các HST san hô và cỏ biển. Kết quả điều tra từ năm 2004 đến 2007 tại 7 vùng rạn san hô trọng điểm của Việt nam cho thấy chỉ 2,9 % diện tích rạn san hô được đánh giá trong điều kiện phát triển rất tốt, 11,6% - tốt và 44,9% xấu và rất xấu.

b. Tài nguyên nước trong các hệ thống sông, hồ chứa trên cả nước đang bị suy thoái ngày càng nghiêm trọng. Hai nguyên nhân chủ yếu là do sự khai thác quá mức cho những mục đích khác nhau và BĐKH.

Thực tế hiện nay, hầu hết các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên đã và đang khai thác trên 50%, riêng Ninh Thuận là 70-80% lượng dòng chảy (vượt qúa ngưỡng cho phép là 30% lượng dòng chảy mà các tổ chức quốc tế về tài nguyên nước khuyến cáo (Cục Quản lý Tài nguyên nước, 2010).
Hiện nay, số lượng và chất lượng của tài nguyên nước trên hầu hết các lưu vực sông lớn (Sông Hồng, Thái Bình, Đồng Nai…) đã suy thoái nghiêm trọng.
Thêm vào đấy, trong những năm gần đây, các nước ở khu vực thượng nguồn của các con sông lớn chảy vào Việt Nam xây dựng nhiều công trình  (đập, hồ chứa nước) để khai thác và phát triển thủy nông, thủy điện quy mô lớn khiến nguồn nước chảy vào Việt Nam ngày càng hạn chế. Ví dụ, sông Cửu Long phụ phuộc 95 % vào lượng nước quốc tế, lưu vực sông Hồng -Thái Bình - 40% nước từ Trung Quốc chảy về.
Gần đây, dưới tác động của BĐKH, mưa và lượng mưa diễn biến thất thường, hạn hán, úng lụt cục bộ xẩy ra thường xuyên và trên diện rộng, gây thiệt hai rất lớn cho sản xuất và đời sống .

c. Ô nhiễm nước mặt

Hiện nay nước ta có khoảng hơn 10 triệu ha đất ngập nước, trong đó diện tích bị ô nhiễm ở các mức độ khác nhau, chiếm hơn 70%.
Trong hệ thống sông Việt Nam, các nhánh sông ở thượng lưu có chất lượng nước tương đối tốt, ngoại trừ một số nơi bị ô nhiễm cục bộ. Tuy nhiên ở hạ lưu, nhất là  với các sông chảy qua các khu công nghiệp và đô thị lớn chất lượng nước đang dần dần suy thoái, nhiều khu vực bị ô nhiễm năng nề. Một số đoạn sông được xếp vào loại sông chết do không còn khả năng hỗ trợ bất kỳ hình thức sống nào. Hồ ao và kênh rạch ở các vùng đô thị trở thành các rãnh thoát nước và nơi chứa nước thải. Nguyên nhân là do nước thải chưa qua sử lý từ các nguồn khác nhau (các khu công nghiệp, nhà máy, xí  nghiệp, làng nghề, các khu dân cư) phần lớn không qua sử lý trực tiếp đổ vào các sông ngòi, ao hồ, gây ô nhiễm nguồn nước.

Đặc biệt ở khu vực nông thôn, ô nhiễm hóa chất nông nghiệp rất nặng nề. Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (2011), ở nước ta, lượng phân bón sử dụng trong nông nghiệp ngày càng tăng cả về số lượng và chủng loại. Hiện nay, có khoản 1.420 loại phân bón khác nhau được đưa ra thị trường. Số lượng phân bón nhập khẩu trong những năm gần đây đều tăng, đặc biệt là phân urê (khoảng 1-1,4 triệu tấn/năm do sản xuất trong nước chỉ đáp ứng khoảng 1/3 so với nhu cầu). Lượng phân bón hoá học này chủ yếu được sử dụng cho cây lúa, rau màu, cây công nghiệp dài ngày và cây ăn quả.

Hiện nay có tới hơn 2700 loại hóa chất bảo vệ thực vật gồm: Thuốc trừ sâu; thuốc trừ nấm; thuốc trừ chuột; thuốc trừ bệnh; thuốc trừ cỏ đang được lưu hành trên thị trường với khối lượng hàng vạn tấn. Báo cáo tổng hợp của Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên&Môi trường, mỗi năm hoạt động nông nghiệp phát sinh khoảng 9.000 tấn chất thải nông nghiệp nguy hại, chủ yếu là thuốc bảo vệ thực vật, trong đó không ít loại thuốc có độ độc cao đã bị cấm sử dụng. Ngoài ra, lượng thuốc bảo vệ thực vật tồn đọng cần tiêu huỷ: 89.957,177 kg và 27.989,028 lít lưu tại hàng chục kho bãi, khu chôn lấp cũ thời chiến tranh, 37.000 tấn hóa chất dùng trong nông nghiệp bị tịch thu đang được lưu giữ tại các kho chờ xử lý (Cục Bảo vệ thực vật, 2006, 2011).

Các loại thuốc này có đặc điểm là rất độc đối với mọi sinh vật, tồn dư lâu dài trong môi trường đất - nước gây ra ô nhiễm, tác dụng gây độc không phân biệt, nghĩa là gây chết tất cả những sinh vật có hại và có lợi trong môi trường đất, nước.
Như vậy có thể thấy, tài nguyên nước mặt – một đặc thù của các HST ĐNN đang bị suy thoái nghiêm trọng về cả số lượng và chất lượng.

2.4. Đất ngập nước và biến đổi khí hậu


2.4.1.Tác động của BĐKH tới ĐNN


BĐKH  tác động tới các HST ĐNN theo nhiều cách khác nhau. Nhiệt độ tăng sẽ tác động tới các loài động, thực vật nhạy cảm với nhiệt độ; Lượng mưa giảm sẽ thu hẹp diên tích ĐNN, làm tăng phát thải KNK vào khí quyển do sự phân hủy của các chất hữu cơ, nhất là than bùn. BĐKH/nước biển dâng dẫn tới sự thu hẹp diện phân bố địa lý của ĐNN. Hơn thế nữa, các HST ĐNN phụ thuộc một cách chặt chẽ vào mức nước của thủy vực và vì thế sự thay đổi các điều kiện khí hậu sẽ ảnh hưởng tới lượng nước trong các HST, qua đó ảnh hưởng tới các chức năng đặc trưng của ĐNN bao gồm cả thành phần và cấu trúc của các quần xã sinh vật. BĐKH, vì thế là một yếu tố quan trọng trong quản lý ĐNN. Bảo tồn và sử dụng một cách khôn khéo ĐNN chắc chắn là sẽ không thể đạt được nếu không tính tới yếu tố BĐKH.

BĐKH tác động tới các cấu trúc thành phần và chức năng của các HST ĐNN khác nhau ở tất cả các vùng miền. Qua đó làm suy giảm các dịch vụ HST thông qua những tác động tới:
- Sức sản xuất/ năng suất của các HST,
- Tài nguyên nước và các dịch vụ có liên quan (giao thông, du lịch, thủy điện…);
- Sức khỏe và của cộng đồng do thiếu nước sinh hoạt, do gia tăng các bệnh truyền qua nước (water-born diseases) truyền qua vecto, nhất là sau các trận lũ lụt.
Những tác động này đều ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp tới đời sống của cộng đồng.

2.4.2. Tác động của ĐNN tới BĐKH


Tuy nhiên, nếu bảo tồn tốt các HST ĐNN, chúng ta sẽ thu được lợi nhuận kép. Trước hết các dịch vụ HST được duy trì sẽ phục vụ cho phát triển sinh kế, nâng cao đời sống. Mặt khác, các HST lại là bể hấp thụ và bể chứa cácbon, góp phần làm giảm nhẹ BĐKH.

3. Chúng ta cần làm gì:


a) Đẩy mạnh công tác bảo tồn và sử dụng khôn khéo đất ngập nước theo tinh thần của Công ước Ramsa. 1971, Công ước ĐDSH, 1992 và Công ước khung của LHQ về Biến đổi khí hậu, 1992 trong khung cảnh BĐKH hiện nay.
b) Triển khai các giải pháp thích ứng với BĐKH liên quan tới ĐNN trong Chương trình Mục tiêu quốc gia ứng phó với BĐKH (2008) và Kế hoạch thực hiện Chiến lược quốc gia phòng chống và giảm nhẹ thiên tai, 2009 và các Kế hoạch hành động tương ứng của các Bộ ngành và địa phương, theo các lĩnh vực liên quan: Nông nghiệp, Thủy sản, Y tế và sức khỏe, Bảo tồn ĐDSH, vùng ven biển.
c) Thực hiện hiệu quả chương trình trồng rừng ngập mặn ven biển ứng phó với BĐKH
d) Nâng cao nhận thức của các nhóm đối tượng: cán bộ quản lý và hoạch định chính sách, trong hệ thống nhà trường và cộng đồng về BVMT, bảo tồn đất ngập nước, bảo tồn tài nguyên, ứng phó với BĐKH và phát triển bền vững.

Kết luận


- Đất ngập nước của Việt Nam rất đa dạng, phong phú và có tác dụng nhiều mặt đối với tự nhiên và đời sống xã hội;
- Trong thời gian qua, do những nguyên nhân khác nhau, các HST ĐNN, đặc biệt ở vùng ven biển bị suy thoái một cách trầm trọng, ảnh hưởng tới đời sống của cộng đồng địa phương.
- Dưới tác động của BĐKH, các HST đất ngập nước chịu những rủi ro nặng nề nhất, so với các HST trên cạn và biển; nhưng nếu được quản lý tốt các HST ĐNN và ĐDSH của nó sẽ có vai trò lớn trong giảm nhẹ và thích ứng với BĐKH.
- Trong khung cảnh BĐKH, công tác bảo tồn và sử dụng khôn khéo ĐNN, một mặt cần được đẩy mạnh, mặt khác cần có các giai pháp thích ứng và giảm nhẹ BĐKH theo các lĩnh vực, các vùng trong khuôn khổ của các văn bản pháp quy về ứng phó với BĐKH và phòng chống và giảm nhẹ thiên tai./.




Nguồn tin:Theo KTCN&HTQT Tổng hợp