Tin tức

Gia tăng xói lở bờ biển chủ yếu do bão 19/07/2013

0
Xói lở bờ biển diễn ra ngày càng phức tạp trên toàn dải ven biển Việt Nam trong đó chủ yếu là do sự gia tăng cả về tần suất lẫn cường độ của bão trong bối cảnh biến đổi khí hậu và nước biển dâng - ông Lê Văn Công, Phó Giám đốc Trung tâm Hải văn, Tổng cục Biển&Hải Đảo (Bộ Tài nguyên&Môi trường), cho biết trong một báo cáo công bố mới đây.



Là đơn vị tư vấn báo cáo quốc gia về xói lở bờ biển Việt Nam, ông Công cho biết hơn 30 năm trở lại đây, tình trạng xói lở bờ biển ở Việt Nam đã diễn ra ngày càng phức tạp trên toàn dải ven biển.

Gia tăng xói lở do diễn biến bất thường của bão

 
Theo báo cáo quốc gia về “Đánh giá xói lở bờ biển Việt Nam”, với chiều dài bờ biển 3260 từ Quảng Ninh đến Kiên Giang, 28 tỉnh thành ven biển của Việt Nam đều chịu thiệt hại bởi xói lở bờ biển và đang ngày càng gia tăng.
 
Số liệu báo cáo cho thấy tỉnh Thanh Hóa hiện có 18,1 km bờ biển bị xói lở trung bình 15-30m/năm; Nghệ An 45km; Hà Tĩnh 60km; Quảng Bình 50km; Quảng Trị 34km; Thừa Thiên-Huế 30km; Đà Nẵng 16km; Quảng Ngãi 60km; Phú Yên 25km; Ninh Thuận 10km.
 
“Nguyên nhân xói lở bờ biển là do tổng hòa các yếu tố tác động trong đó chủ yếu là sự gia tăng về tần suất lẫn cường độ, sự diễn biến bất thường về đường đi của các cơn bão và nước biển dâng”, ông Công thừa nhận.
 
Thống kê của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, từ năm 1961 đến 2010, bão đổ bộ vào Việt Nam có xu hướng gia tăng và dịch chuyển vào phía Nam. Đây là nguyên nhân gây xói lở bờ biển và phá hủy các công trình dân sinh kinh tế.
 
Điều đó thể hiện rất rõ là từ năm 1960 trở lại đây xói lở bở biển diễn ra rất phổ biến và tăng dần theo thời gian hầu như trên khắp dải ven biển thuộc các tỉnh ven biển đồng bằng Nam Bộ. Trong 25 năm trở lại đây hiện tượn xói lở bờ biển khu vực này xảy ra phức tạp và nghiêm trọng, đã phá vỡ đê kè, gây ngập lụt và xâm nhập mặn ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh lương thực và phát triển kinh tế xã hội.
 
Theo báo cáo, ở miền Bắc, trên toàn chiều dài đường bờ từ Móng Cái (Quảng Ninh) đến Kim Sơn (Ninh Bình) có năm đoạn xói lở liên tục từ năm 1930 đến nay là Cát Hải, Bằng La (TP Hải Phòng); Thụy Xuân (Thái Bình); Xuân Thủy, Hải Hậu (Nam Định).
 
Tại 14 tỉnh ven biển miền Trung, hiện tượng xói lở bờ biển cùng ngày càng gia tăng, đặc biệt từ những năm 1990 trở lại đây. Một số tỉnh bị xói lở nặng nề là Hà Tĩnh (khoảng 60km), Nghệ An (45km), Thanh Hóa (18km)...

 Ông Đặng Xuân Dũng, Chi cục trưởng Chi cục Biển đảo&Đầm phá, cho hay 30 km trong tổng số 128km đường bờ biển ở Huế bị sạt lở trong đó 10km bị xâm thực nghiêm trọng, ảnh hưởng trực tiếp cuộc sống của 1.200 hộ dân.

 Ngoài nguyên nhân chủ yếu do bão, các hoạt động khai tác tài nguyên quá mức vùng ven biển cửa sông như khai thác cát, chặt phá rừng ngập mặn, xây dựng các hồ điều tiết nước trên các lưu vực sông cũng đã làm gia tăng xói lở bờ biển ở Việt Nam. Hơn nữa nước thải của nhiều nhà máy, khu công nghiệp, khu dân cư chưa được xử lý triệt để được thải ra các con sông và dồn về vùng cửa sông ven biển gây hủy hoại các hệ sinh thái làm gia tăng xói lở bờ biển.
 
Hạn chế nguồn tài chính giải quyết xói lở
 
Hiện nay nguồn lực tài chính cho việc giải quyết xói lở bờ biển ở Việt Nam hiện nay rất hạn chế, chỉ đủ cho hoạt động khắc phục hậu quả trước mắt. Mặc dù có nhiều nguồn vốn khác nhau nhưng thực tế kinh phí phòng chống thiên tai chủ yếu dựa vào ngân sách nhà nước cấp hàng năm cho các địa phương và ngân sách dự phòng của các địa phương.
 
“Chắc chắn nguồn kinh phí hàng năm chi cho việc giải quyết xói lở bờ biển ở nhiều địa phương không thể đáp ứng đầy đủ và kịp thời trong bối cảnh các hiện tượng thời tiết cực đoan ngày càng gia tăng do biến đổi khí hậu và nước biển dâng”, ông Công nói.
 
Ngay cả đối với chương trình đầu tư, củng cố, bảo vệ và nâng cấp đê biển hiện có tại các tỉnh ven biển từ Quảng Ninh đến Kiên Giang tại hai quyết định số 58/2006/QĐ-TTg ngày 14/3/2006 và số 667/2009/QĐ-TTg ngày 27/5/2009 của Chính phủ cũng đang thiếu vốn thực hiện.
 
Hàng năm Chính phủ đều xây dựng kế hoạch chỉ đạo, bố trí lực lượng, phương tiện, thuốc men để đối phó với xói lở bờ biển, vỡ đê kè biển nói riêng và thiên tai nói chung. Nhưng với hệ thống chính sách về quản lý đất đai, tài nguyên và môi trường, văn hóa – xã hội vùng ven biển chưa thống nhất cùng với điều kiện kinh tế khó khăn, các chế tài chưa nghiêm đã góp phần làm gia tăng xói lở bờ biển.
 
Cần đầu tư nghiên cứu các giải pháp hiện đại của thế giới
 
Báo cáo cho biết nhiều đoạn bờ đã được can thiệp bằng các giải pháp công trình và phi công trình nhưng sự ổn định vẫn chưa được đảm bảo khi mỗi mùa bão đến nhiều đoạn bờ biển lại bị xói lở gây mất ổn định đời sống người dân và các công trình dân sinh kinh tế.
 
Theo ông Công, Việt Nam còn ở trình độ rất xa so với mức cần thiết trong lĩnh vực này. Một số công trình cống xói lở đã được đầu tư thực hiện ở nhiều nơi nhưng còn thiếu cơ sở khoa học và, kết quả là, công trình chưa phát huy hiệu quả đã bị phá hủy.
 
Hiện Việt Nam còn thiếu những trang thiết bị cần thiết cho nghiên cứu chuyên sâu về các lĩnh vực liên quan đến dự báo biến động đường bờ, kỹ thuật bờ biển; đội ngũ làm công tác giải quyết xói lở bờ biển đang thiếu cả về chất lượng lẫn số lượng.
 
Ông Công cho rằng nhà nước cần đầu tư nghiên cứu áp dụng các giải pháp phòng chống xói lở hiện đại của thế giới, đồng thời xây dựng các giải pháp phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của Việt Nam.
 
“Trước mắt cần thiết lập vành đai xói lở làm chỉ giới cho quy hoạch phát triển các tụ điểm dân cư, các công trình dân sinh kinh tế. Các khu vực xói lở nghiêm trọng được cảnh báo tiếp tục xói lở trong tương lai cần được khoanh vi, cắm mốc chỉ giới và được phổ biến kịp thời cho mọi người nằm trong vành đai xói lở nhằm bố trí phù hợp các tụ điểm dân cư, các công trình dân sinh, sinh kế, tổ chức di dời dân cư ra khỏi khu vực nguy hiểm bằng hình thức di dời vĩnh viễn theo quy hoạch, di dời tạm thời khi có cảnh báo và di dời khẩn cấp khi có cấp báo.” ông Công đưa ra giải pháp.
 
Trước tình trạng xói lở ngày càng gia tăng và nghiêm trọng, Việt Nam đang tập trung hoàn thiện một số văn bản pháp luật nhằm quản lý thiên tai nói chung và xói lở bờ biển nói riêng như Luật Đê điều, Luật Phòng chánh&Giảm nhẹ Thiên tai, chương trình cải tạo và nâng cấp đê biển, chương trình quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu, chiến lược quốc gia về phòng chống thiên tai nhằm huy động các nguồn lực trong và ngoài nước vào việc phòng chánh và giảm nhẹ thiên tai một cách hiệu quả nhất.

Để khắc phục tình xói lở, Tổ chức Điều phối Biển Đông Á (COBSEA) đã bước đầu triển khai dự án chống xói lở đường bờ biển tại sáu nước, trong đó có Việt Nam. Trước mắt, dự án đề nghị triển khai tại tám tỉnh thành gồm TP Hải Phòng, Nam Định, Thanh Hóa, Thừa Thiên - Huế, Bình Thuận, Trà Vinh, Tiền Giang, và Cà Mau.


Nguồn tin:http://vea.gov.vn