Tin tức

Tăng cường quan trắc thủy ngân khu vực Châu Á - Thái Bình Dương 11/09/2014

0
 Sáng ngày 10/9, tại Hà Nội, Tổng cục Môi trường đã phối hợp cùng Cơ quan Quản lý Môi trường của Hoa Kỳ và Đài Loan tổ chức hội thảo quốc tế về Mạng lưới quan trắc thủy ngân khu vực Châu Á - Thái Bình Dương.




Thứ trưởng Bộ TN&MT kiêm Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường Bùi Cách Tuyến, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường Hoàng Dương Tùng đã tới dự hội thảo. Cùng tham dự hội thảo còn có các chuyên gia đến từ các cơ quan quản lý môi trường, trường đại học, viện nghiên cứu, … của Việt Nam, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Đài Loan, Thái Lan, In-đô-nê-xi-a, …
 
Đây là Hội thảo quốc tế sẽ được tổ chức thảo luận trong hai ngày 10 – 11/9/2014. Ngày 12/9, toàn bộ đại biểu tham dự hội thảo sẽ tham quan thực địa tại Trạm Quan trắc chất lượng không khí tại Vịnh Hạ Long thuộc tỉnh Quảng Ninh.
 


 Thứ trưởng Bộ TN&MT kiêm Tổng cục trưởng
 Tổng cục Môi trường Bùi Cách Tuyến phát biểu tại hội thảo

Phát biểu khai mạc hội thảo, Thứ trưởng Bùi Cách Tuyến cho biết trong khuôn khổ các trao đổi, hợp tác quốc tế về quan trắc môi trường, Việt Nam đã được mời tham gia vào mạng lưới thử nghiệm quan trắc thủy ngân khu vực Châu Á – Thái Bình Dương. Điều này sẽ giúp tăng cường năng lực của Việt Nam trong quan trắc thủy ngân, một vấn đề còn mới và đang ngày càng nhận được nhiều quan tâm tại Việt Nam.
 
Đặc biệt, với việc tham gia Công ước Minamata về thủy ngân vào tháng 10 năm 2013, Việt Nam cho thấy sự quan tâm và chú trọng tới vấn đề ô nhiễm thủy ngân, trong đó có các hoạt động quan trắc, kiểm soát ô nhiễm, giảm thiểu sử dụng và phát thải thủy ngân.
 
Thứ trưởng Bùi Cách Tuyến cũng cho biết thêm, hiện nay, Việt Nam đang triển khai thiết lập, xây dựng mạng lưới quan trắc ô nhiễm thủy ngân nhằm từng bước giám sát, kiểm soát ô nhiễm thủy ngân tại Việt Nam.
 
Cùng với việc tham gia công ước Minamata, tham gia vào mạng lưới thử nghiệm quan trắc thủy ngân khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, Việt Nam sẽ có thêm các công cụ pháp lý để thực hiện việc kiểm soát ô nhiễm thủy ngân trong không khí trong tương lai.
 
Thứ trưởng Bùi Cách Tuyến nhấn mạnh, với vai trò là cơ quan đầu mối thống nhất quản lý và điều hành hoạt động quan trắc môi trường của Việt Nam, Tổng cục Môi trường đã, đang và sẽ tiếp tục duy trì các hoạt động nhằm tăng cường trao đổi thông tin, nâng cao các kiến thức về các vấn đề khoa học liên quan tới thủy ngân tới các đơn vị trong hệ thống quan trắc môi trường trong nước, các quốc gia tham gia Mạng lưới quan trắc thủy ngân khu vực Châu Á – Thái Bình Dương nhằm thúc đẩy công tác kiểm soát ô nhiễm thủy ngân và thực thi công ước Minamata đầy đủ, hiệu quả.
 
Thứ trưởng Bùi Cách Tuyến mong muốn hội thảo này là dịp để các cơ quan, đơn vị, quốc gia tham gia Mạng lưới thử nghiệm quan trắc thủy ngân khu vực Châu Á – Thái Bình Dương gặp gỡ, trao đổi và chia sẻ những kinh nghiệm trong hoạt động quan trắc thủy ngân, phát tán thủy ngân trong không khí và ảnh hưởng của các nguồn phát thải thủy ngân tới các nguồn tiếp nhận nhạy cảm, góp phần thúc đẩy công tác quan trắc thủy ngân trong thời gian tới của mỗi nước nói riêng và của toàn mạng lưới quan trắc thủy ngân Châu Á – Thái Bình Dương nói chung ngày càng phát triển mạnh mẽ.
 
Tiếp đó, các đại biểu tham dự hội thảo đã cùng trao đổi, chia sẻ thông tin về các vấn đề có nguyên do từ thủy ngân, cập nhật tình hình thực hiện Công ước Minamata, sự quan trọng của công tác quan trắc thủy ngân, các nguồn phát thải và tác động của thủy ngân, …
 
Theo các thông tin chia sẻ của ông David Schemeltz (Cơ quan Bảo vệ Môi trường Hoa Kỳ), ông Guey-Rong Sheu (trường Đại học Quốc gia Đài Loan), ông David Gay (Chương trình Lắng đọng Khí quyển Quốc gia (Hoa Kỳ)), Châu Á là khu vực có lượng phát thải thủy ngân lớn nhất thế giới; theo số liệu tiến hành quan trắc thủy ngân vào những tháng đầu năm 2014, vùng Doi Ang Khang tại Thái Lan có nồng độ thủy ngân rất cao; công ước Minamata đã có 102 quốc gia tham gia ký kết thực hiện, …
 

 
Ông Nguyễn Văn Thùy, Giám đốc Trung tâm Quan trắc môi trường
 (Tổng cục Môi trường) phát biểu tại hội thảo


Đại diện cho Tổng cục Môi trường (Việt Nam), ông Nguyễn Văn Thùy, Giám đốc Trung tâm Quan trắc môi trường cũng cho biết, nguồn phát thải thủy ngân tại Việt Nam phần lớn là do đốt nhiên liệu, do than đá, đá vôi, phát thải thủy ngân cao nhất là do các nhà máy sản xuất xi măng, tuy nhiên, mật độ thủy ngân phát thải vẫn ở dưới ngưỡng tiêu chuẩn cho phép của Việt Nam.
 
Hiện nay, Việt Nam cũng đã có 20 trạm quan trắc chất lượng không khí. Công tác quan trắc thủy ngân được thực hiện bằng công nghệ quang học tại trạm quan trắc tự động đặt trong khu vực Bảo tàng Hồ Chí Minh.
 
Trung tâm Quan trắc môi trường cũng đang tiến hành triển khai dự án nghiên cứu nhằm xây dựng mạng lưới quan trắc thủy ngân tại Việt Nam, xây dựng tài liệu hướng dẫn kỹ thuật quan trắc thủy ngân vào năm 2016, tham gia xây dựng chính sách quốc gia liên quan đến quản lý thủy ngân, …

Nguồn tin:Theo vea.gov.vn