Tin tức

Diễn đàn hợp tác Á - Âu: Tăng cường phối hợp hành động trong quản lý nguồn nước 09/06/2015

0
Hội thảo ASEM về “Tăng cường phối hợp hành động trong quản lý nước nhằm định hình Chương trình nghị sự phát triển sau 2015” đã thành công tốt đẹp và là hoạt động ASEM quan trọng nhất mà Việt Nam đăng cai tổ chức trong năm 2015, góp phần nâng cao tính thiết thực và nâng tầm đóng góp của ASEM cho phát triển bền vững và ứng phó các thách thức toàn cầu, trong đó có quản lý bền vững tài nguyên nước.






Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh phát biểu tại Hội thảo

Trong ngày 05 tháng 6 năm 2015, “Hội thảo ASEM về tăng cường phối hợp hành động trong quản lý nước nhằm định hình Chương trình nghị sự phát triển sau 2015” tiếp tục diễn ra tại tỉnh Bến Tre. Tiếp theo những chủ đề quan trọng đã được thảo luận trong ngày làm việc đầu tiên về về vai trò của nguồn nước trong Chương trình nghị sự phát triển sau năm 2015, bảo đảm an ninh nước – lương thực – năng lượng, nước sạch và vệ sinh môi trường, quản lý nước trong bối cảnh biến đổi khí hậu, ứng dụng khoa học và công nghệ trong cảnh báo các thảm họa liên quan đến nước, quản lý nước xuyên biên giới, tăng cường quan hệ đối tác công tư, Hội thảo tiếp tục trao đổi, đề xuất các biện pháp nhằm tăng cường hành động thúc đẩy hợp tác giữa hai châu lục Á – Âu trong việc quản lý bền vững tài nguyên nước.

Các chuyên gia và đại biểu tham dự Hội thảo đều nhất trí với chỉ đạo định hướng của Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh, cho rằng các thách thức trong quản lý nguồn nước bền vững ngày càng trở nên gay gắt, phức tạp hơn trước, đòi hỏi gia tăng nỗ lực hợp tác toàn cầu. Hơn bao giờ hết, trong năm hành động toàn cầu vì phát triển bền vững, với tiềm năng to lớn, ASEM cần tăng cường phối hợp hành động để vấn đề nguồn nước có vị trí xứng đáng trong Chương trình nghị sự phát triển sau 2015.

Các phát biểu tại Hội thảo đều cho rằng mối quan hệ tương tác giữa nước, lương thực và năng lượng sẽ tiếp tục là một xu hướng toàn cầu lớn trong nhiều thập kỷ tới và khẳng định ý nghĩa thiết thực của mô hình hợp tác liên khu vực Mê Công – Đa-nuýp trong khuôn khổ ASEM nhằm biến các thách thức về nước – lương thực – năng lượng thành cơ hội hợp tác vì phát triển đồng đều, bền vững. Các địa biểu cũng chia sẻ nhiều kinh nghiệm và bài học, bao gồm các thỏa thuận hợp tác song phương, tiểu khu vực và khu vực; nhấn mạnh tầm quan trọng của nâng cao năng lực, ứng dụng khoa học và công nghệ, nghiên cứu khoa học, tăng cường quan hệ đối tác công tư, tài trợ, tăng cường khả năng thích ứng và phục hồi sau thảm họa liên quan đến nước, vai trò của cộng đồng dân cư… Dự án hợp tác giữa tỉnh Bến Tre của Việt Nam và Tun-xê-a của Rumani được đánh giá là một điển hình hợp tác cụ thể ở cấp địa phương trong quản lý bền vững nguồn nước giữa hai tiểu vùng Mê Công – Đa-nuýp nói riêng và Á – Âu nói chung.

 

Các đại biểu tham dự Hội thảo

Sau hai ngày làm việc liên tục với gần 40 tham luận cũng như các ý kiến phát biểu của 180 chuyên gia, diễn giả và đại biểu, Hội thảo đã đề xuất nhiều giải pháp nhằm thúc đẩy hành động cụ thể trong quản lý bền vững tài nguyên nước hướng tới phát triển bền vững, như lồng ghép vấn đề bảo vệ tài nguyên nước vào chiến lược phát triển bền vững, tăng trưởng cân bằng, đồng đều và sáng tạo của từng quốc gia; phát triển tư duy mới và cách tiếp cận tổng thể, liên ngành về quản lý bền vững nguồn nước, sớm đưa “Nhóm hợp tác chuyên ngành ASEM về quản lý bền vững và hiệu quả nguồn nước” vào hoạt động, gắn kết các sáng kiến, dự án và các Nhóm hợp tác chuyên ngành của ASEM về quản lý nguồn nước, ứng phó và giảm nhẹ rủi ro thiên tai, năng lượng, an toàn thực phẩm và giảm nghèo; trao đổi kinh nghiệm, điển hình và khuyến nghị chính sách về quản lý bền vững tài nguyên nước, trong đó có việc sử dụng, chia sẻ các nguồn nước xuyên quốc gia; tổ chức Tọa đàm ASEM trao đổi kinh nghiệm quản lý các dòng sông ở hai châu lục; hỗ trợ các nỗ lực thu hẹp khoảng cách phát triển, hợp tác tiểu vùng và khu vực của các thành viên ASEM, trong đó có hợp tác Mê Công – Đa-nuýp; khuyến khích sự chia sẻ trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, chương trình đối tác công – tư, chuyển giao và sử dụng công nghệ xanh, sạch trong quản lý và sử dụng nguồn nước; nhân rộng các mô hình hợp tác giữa các địa phương như Dự án hợp tác giữa hai tỉnh Bến Tre của Việt Nam và Tun-xê-a của Rumani; thiết lập mạng lưới kết nối và chia sẻ thông tin giữa các trung tâm và các viện nghiên cứu về quản lý bền vững nguồn nước; các thành viên phát triển của ASEM hỗ trợ, xây dựng năng lực cho các thành viên đang phát triển trong giám sát tài nguyên nước.

Hội thảo đã nhất trí thông qua Báo cáo để trình lên Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEM lần thứ 12 tại Lúc-xăm-bua vào tháng 11/2015, và Hội nghị cấp cao ASEM lần thứ 11 tại Mông Cổ năm 2016 dịp 20 năm thành lập Diễn đàn (1996 – 2016) và hoan nghênh Bun-ga-ri sẽ đăng cai Hội thảo tiếp theo trong khuôn khổ cơ chế Đối thoại này trong năm 2016. Trong thời gian tham dự Hội thảo, các đại biểu tham dự Hội thảo đã đi thăm xã Châu Hòa, khu vực bị ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu tại tỉnh Bến Tre và thăm Cồn sinh thái Thới Sơn.

Hội thảo ASEM về “Tăng cường phối hợp hành động trong quản lý nước nhằm định hình Chương trình nghị sự phát triển sau 2015” đã thành công tốt đẹp và là hoạt động ASEM quan trọng nhất mà Việt Nam đăng cai tổ chức trong năm 2015, góp phần nâng cao tính thiết thực và nâng tầm đóng góp của ASEM cho phát triển bền vững và ứng phó các thách thức toàn cầu, trong đó có quản lý bền vững tài nguyên nước. Sáng kiến này cũng tiếp tục thể hiện chủ trương chủ động đóng góp vào quan tâm chung của cộng đồng quốc tế, khẳng định vai trò và đóng góp tích cực của Việt Nam đối với ASEM với tư cách là một trong những thành viên sáng lập Diễn đàn và đồng khởi xướng cơ chế Đối thoại ASEM về phát triển bền vững./.




Nguồn tin:Theo monre.gov.vn