Tin tức

Ứng phó với BĐKH: Từ nhận thức đến thực tiễn 13/04/2011


Mặc dù Chính phủ đã quan tâm những mục tiêu của bảo vệ khí hậu và đang tiến hành các hoạt động tuyên truyền về bảo vệ tự nhiên, nhưng nhận thức và hiểu biết của nhiều người dân và chính quyền chưa đầy đủ và thiếu các chương trình giáo dục biến đổi khí hậu có hiệu quả.

Xây dựng nhận thức để trở thành công dân toàn cầu

Hậu quả của biến đổi khí hậu (BĐKH) là cực kỳ nghiêm trọng và khó có thể lường trước được. Những đợt mưa lũ hoành hành ở miền Trung Việt Nam, Trung Quốc; sóng thần ở Thái Lan, Nhật Bản… ; hạn hán cùng lũ lụt ở Ấn Độ, Băng-la-đét… là minh chứng cho sự tàn khốc mà thiên tai đem tới, trong đó có một phần nguyên nhân của sự BĐKH.

Thực tế cho thấy, trong khi chờ đợi các chính phủ tiếp tục đàm phán để đi đến những thỏa thuận quan trọng về BĐKH, các cá nhân và các cộng đồng xã hội phải hành động ngay, không thể chờ đợi. Nhà trường phổ thông và đại học, các cơ quan nghiên cứu khoa học, các cơ quan truyền thông và các cộng đồng địa phương cần phải liên minh và hợp tác chặt chẽ với nhau ở phạm vi địa phương quốc gia, vùng và quốc tế nhằm tạo nên những thay đổi tích cực trong nhận thức và hành vi thái độ của từng cá nhân và cộng đồng xã hội trong việc xây dựng và thực hiện chính sách kinh tế và các hoạt động xã hội.

Theo PGS. TS. Trần Đức Tuấn, Trung tâm Nghiên cứu và Hỗ trợ Giáo dục vì sự Phát triển Bền vững, trường Đại học Sư phạm Hà Nội, về mặt nội dung, giáo dục BĐKH cần được biến đổi và chuyển hóa theo những định hướng của UNESCO với 3 trụ cột chính: Kiến thức và kỹ năng, Giá trị và sự sáng tạo, Hành vi và năng lực của công dân.

Theo những định hướng này, giáo dục BĐKH cần trang bị cho người học những sự kiện, những hiểu biết về mức độ biến đổi của BĐKH, các hậu quả có thể xảy ra, các gải pháp có thể thực hiện và con đường, chiến lược để đạt tới sự phát triển bền vững. Trở thành một công dân toàn cầu, một chủ nhân của một cộng đồng nhân đạo, sống có cảm xúc, thân thiện với tự nhiên, yêu thiên nhiên. Qua việc tiếp nhận các kiến thức và từ thực tiễn, sẽ giúp thay đổi hành vi thái độ của từng cá nhân theo hướng tích cực.

Phát triển năng lực thích ứng từ thực tế cuộc sống

Chìa khóa và con đường có hiệu quả để nâng cao nhận thức và năng lực của các cá nhân và cộng đồng thích ứng với những thách thức của BĐKH là tăng cường giáo dục biến đổi giáo dục trong hệ thống giáo dục chính qui và phi chính qui, đồng thời hình thành một mạng lưới và một phong trào rộng rãi trong nhà trường và xã hội hành động bảo vệ môi trường và bảo vệ khí hậu. Tất cả chương trình giáo dục của các bậc học và các hình thức giáo dục, dạy học hiện hành cần phải được đổi mới và định hướng lại nhằm góp phần đáng kể vào công cuộc giáo dục BĐKH cho học sinh trên cơ sở giúp học sinh hiểu rõ nguyên nhân và hậu quả của nó nhằm khích lệ họ tích cực hành động nhằm bảo vệ khí hậu.
Điều này có nghĩa là chương trình giáo dục ở các nước và Việt Nam cần phải chứa đựng nội dung với các tiêu điểm thích hợp về nguyên nhân, hậu quả và giải pháp đối với những vấn đề của BĐKH. Tích hợp, lồng ghép nội dung BĐKH vào chương trình giáo dục phổ thông và đại học đã quan trọng nhưng quan trọng hơn là phải đổi mới phương pháp và các hình thức tổ chức giáo dục BĐKH, không nên chỉ hạn chế giáo dục BĐKH trong các bài học nặng nề trên lớp mà cần tăng cường các hoạt động thiết thực, sinh động ngoài giờ nhằm làm cho giáo dục BĐKH trở nên sinh động hơn, thiết thực và có ý nghĩa hơn đối với thế hệ trẻ. Ở đây cần phải nhấn mạnh rằng mục đích tối cao của giáo dục BĐKH cần phải là hình thành và phát triển năng lực thích ứng với những thách thức với BĐKH trong đời sống thực tế chứ không phải chỉ là những kiến thức về BĐKH.

Nguồn tin:http://www.monre.gov.vn