Tin tức

Văn hóa rác 05/04/2011

0
Chỉ nói rác sinh hoạt, Hà Nội hiện chịu hai sức ép: gia tăng dân số và mức sống. Hà Nội hiện có 6,2 triệu dân sống trên diện tích 3.300km2, thủ đô lớn thứ ba thế giới, với mật độ trung bình 1.880 người/km2 trải khắp 29 quận, huyện. Hà Nội trước năm 1995, mỗi khẩu bình quân xả ra 0,5-0,8 kg chất thải rắn.

Đến cuối 2010, số ấy tăng lên 1,2-1,5 kg/ngày. Số rác gia tăng trên đầu người đủ thứ, mang đậm dấu ấn của một đô thị tiêu xài, cho dù Việt Nam vừa được vào vị trí cuối cùng của nhóm nước có thu nhập trung bình. Chủ yếu là nhóm rác thức ăn, bao gói, và đồ dùng hết mốt.

Phóng viên trẻ của một tờ báo nước ngoài, sống ở Hà Nội một năm nói với tôi rằng có cách đánh giá nhanh một cộng đồng. Đó là hãy quan sát kỹ ba chỗ: ngã tư có đèn giao thông xem người ta đi lại thế nào; bãi rác và thùng rác xem người ta phân loại và vứt rác ra sao; và nhà vệ sinh công cộng. Và anh đã có loạt bài báo thú vị về ba góc quan sát ấy gửi về đăng trên báo nhà.


Quá tải rác ở Hà Nội

Về rác, anh viết, người Hà Nội có cái tài là ở đâu cũng có rác để xả và xả một cách hồn nhiên. Họ bắt đầu sản xuất rác ngay từ lúc đi chợ dù họ là người bán hay mua hàng. Bán hàng thì cho xả láng túi nilon còn mua thì đòi càng nhiều túi nilon đựng càng tốt.

Trong nhà hàng, anh hỏi sọt rác đâu để vứt xương, vứt giấy lau, cô bạn Hà Nội chỉ xuống đất rồi nhoẻn cười. Anh mượn nhà hàng một cái bát sạch. Nhân viên phục vụ hỏi “để làm gì?”. Anh bảo “để đựng xương”, thì được bảo để luôn trên bàn. Đi trên phố Nguyễn Thái Học, nơi anh thuê phòng ở, định nhấc nắp thùng rác để bỏ rác vào thì một cục đờm to tướng lù lù trên nắp.

Đến Cửa Nam, anh vừa thả túi rác vào thì, vèo cái, một túi nilon đen bay xượt qua đầu gối rồi hạ cánh xuống gốc cây cạnh đó. Một chân dài trên chiếc SH lướt qua, nhìn anh nghiêm cẩn bên thùng rác với ánh mắt tò mò.

Phân loại rác từ nguồn và đổ rác đúng chỗ hóa ra khá phổ biến tại thủ đô một số nước quanh ta mà tôi có dịp đi qua. Song ở ta, thói quen ấy có vẻ còn xa xỉ. Rác khắp nơi khiến cho công nhân môi trường không sao thu gom hết. Quận Hà Đông gom 50 - 60 tấn/ngày, chỉ đạt 60 - 70% lượng rác ném ra.

Tỷ lệ ấy cũng đúng ở thị xã Sơn Tây, nơi có nhà máy chế biến rác thành phân compost 50 tấn/ngày. Trong tổng số 5.500-6.000 tấn rác thải rắn mỗi ngày của Hà Nội, các đô thị thải 3.000 tấn mà chỉ thu được 2/3. Một phần ba ấy, 1.000 tấn/ngày (gồm 100 tấn bùn bể phốt, 200 tấn rác xây dựng, v.v…), trôi đi đâu nếu không rải rác khắp đầu đường xó chợ?

Lạ là các kỹ năng sống cơ bản như cách phân loại rác, ném rác, khạc nhổ, lại hầu như không được dạy, không được huấn luyện, thực hành trong các trường học và trong cả không ít gia đình.

Theo Ch.G/TP

Nguồn tin:http://www.vfej.vn