Tin tức

Hà Nội sắp hết chỗ chôn rác 04/04/2011

0
Nếu không quyết liệt triển khai kết quả dự án thí điểm phân loại rác tại nguồn 3R, sớm đưa vào vận hành nhà máy xử lý rác quy mô lớn đầu tiên của Hà Nội ở Sóc Sơn, và áp dụng các công nghệ tiêu thụ rác thành sản phẩm hàng hoá, v.v…, chỉ hai năm nữa Hà Nội sẽ không biết đổ rác đi đâu.

Rác thiếu ý thức ngày càng lắm


Bất chấp Hà Nội được mở rộng thành thủ đô lớn thứ ba thế giới, quỹ đất dành cho chôn lấp rác Hà Nội được xác định cũng đã hết, hầu như không mở rộng thêm được chỗ nào ngoài các bãi rác hiện hành của Hà Nội cũ và Hà Tây cũ cộng lại.


Xe ủi hoạt động trên các núi rác ở Nam Sơn giờ không còn chuyện hiếm

Cách duy nhất trong vòng 10-20 năm tới để đối phó với nguy cơ này là thực hiện phân loại rác tại nguồn hay, nói cách khác, nâng cao ý thức của người xả rác.

“Nếu tất cả rác ở Hà Nội được phân loại từ nguồn, các bãi rác hiện hành của Hà Nội sẽ kéo dài tuổi thọ thêm ít nhất 30-50 năm, thậm chí nhiều hơn nữa”, một nhà khoa học ở Hội Bảo vệ Thiên nhiên&Môi trường Việt Nam nhận định.

Đáng tiếc, hành vi xả rác ở Hà Nội hầu như không thay đổi và các vi phạm về xả rác hầu như không được xử lý nghiêm bất chấp các quy định xử phạt có đầy đủ. Có thể đến bất cứ nơi nào ở Hà Nội, dù nội hay ngoại thành, cũng sẽ không khó để chiêm ngưỡng các túi rác, đống rác, bãi rác, ngổn ngang. Các nơi được liệt vào điểm nóng ngày càng dài.

Đã thế, “Tỷ lệ các thành phần nilon, cao su, kim loại, thuỷ tinh trong chất thải rắn ở Hà Nội ngày càng tăng; tỷ lệ thu gom đối với chất thải rắn nguy hại vẫn không được cải thiện”, GS.TSKH Phạm Ngọc Đăng, Giám đốc Trung tâm Môi trường Đô thị&Công nghiệp Hà Nội, nói.

Một trong những điểm đổ rác nhức nhối nhất có lẽ là trên tuyến đường Hào Nam, nơi có các cơ sở đào tạo âm nhạc. Từ mấy năm nay, bất chấp tuyến đường được nâng cấp dù chưa hoàn chỉnh, rác, nhát là rác xây dựng, gần như lúc nào cũng lấp đầy hai bên đường vào học viện âm nhạc quốc gia, nơi lẽ ra phải là điển hình về một môi trường thanh khiết.


Tại Nam Sơn, nước rác đen ngòm quá nhiều đến mức không xử lý xuể (Ảnh: Quốc Dũng)

Năm năm trước, Sở Tài nguyên&Môi trường Hà Nội cảnh báo lượng thải của thành phố đang ngày càng tăng cả về lưu lượng và nồng độ các chất ô nhiễm dù, hồi ấy, tổng lượng chất thải rắn phát sinh của Hà Nội mới chỉ 1.500 – 1.600 tấn/ngày và chất thải công nghiệp nguy hại khoảng 24.000 – 25.000 tấn/năm.

Vậy mà năm năm sau, tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt của Hà Nội lên đến 5.000 tấn/ngày đêm, trong đó 3.500 tấn là chất thải sinh hoạt đô thị.

Ông Lê Trung Dũng, Trưởng phòng Tổ chức Lao động, Công ty TNHH Nhà nước Một Thành viên Môi trường Đô thị (URENCO), cho hay mỗi ngày URENCO xử lý 3.200 – 3.400 tấn rác thải, của chín quận nội thành và năm huyện ngoại thành, tại bãi rác Nam Sơn (huyện Sóc Sơn) mà vẫn không xuể.
“Với lượng rác gia tăng chóng mặt như thế này, đến hết năm 2012, hơn 10 ô chôn lấp trên quỹ đất 83,3 hectare ở khu xử lý rác Nam Sơn sẽ đầy ứ”, ông Dũng lo ngại mặc dù cho biết thêm, “UBND TP Hà Nội đang làm tiếp công tác đền bù giải phóng mặt bằng để mở rộng bãi Nam Sơn giai đoạn 2.”


Nam Sơn, khu xử lý rác hiện đại nhất của Hà Nội, thiếu chỗ chôn rác đến mức phải xây tường gạch kiên cố để đựng rác nổi Ảnh: PV.

Rờ rẫm 3R


“Phân loại tại nguồn, tái chế, tái sử dụng tiếp tục bất cập, xã hội hoá quản lý chất thải rắn vẫn ở tình trạng manh mún, khiến tỷ lệ chôn lấp chất thải rắn ở Hà Nội quá lớn”, GS.TSKH Phạm Ngọc Đăng, Giám đốc Trung tâm Môi trường Đô thị&Công nghiệp Hà Nội, nói.

Hà Nội từng tuyên truyền rất nhiều dự án phân loại rác tại nguồn (3R) do Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) tài trợ. Dự án bốn triệu USD được triển khai thí điểm trên tại bốn phường của nội thành Hà Nội gồm Phan Chu Trinh, Nguyễn Du, Thành Công và Láng Hạ. Từ năm 2006 đến hết năm 2009 ,18.000 gia đình được huấn luyện cách phân loại rác tại nguồn. Từ năm 2008, cùng với dự án 3R, URENCO phát cho mỗi gia đình hai thùng rác và hướng dẫn họ phân loại rác tại nguồn.

Lợi ích của 3R được nói rất lắm tại rất nhiều hội thảo. Tại hội thảo mới đây nhất ngày 30-3 ở Hà Nội về đề tài này, một lần nữa, người ta lại khẳng định chi phí cho vận chuyển rác tương đương với việc áp dụng 3R nhưng việc phân loại tốt tiết kiệm được diện tích chôn lấp, đảm bảo vệ sinh môi trường.

Một lần nữa, đại diện nhà tài trợ, ông Tadashi Suzuki, Văn phòng JICA, nói triển khai 3R là lối thoát khả thi cho Hà Nội trước nguy cơ hết chỗ chôn lấp với hàng loạt lợi thế như giảm khối lượng rác thải tạo ra  tại nguồn, tiết kiệm không gian chôn lấp, tái chế rác như một nguồn nguyên liệu, ngăn chặn suy thoái môi trường.

Dự án còn tạo cảm hứng cho việc thành lập Câu Lạc bộ 3R Hà Nội, với các tình nguyện viên đa số còn rất trẻ. Họ, học sinh, sinh viên, chia làm nhiều nhóm kết hợp với các công nhân thu gom đi hướng dẫn người dân đổ rác đúng nơi quy định.

Hoàng Thị Lan Chi, Chủ nhiệm Câu Lạc bộ 3R Hà Nội, chia sẻ sự chuyển đổi nhận thức của mình:  “Phân loại rác tại nguồn sẽ góp phần giảm thiểu lượng rác thải mang đi chôn lấp ở các bãi rác và một lượng rác thải hữu cơ còn được chế biến thành phân hữu cơ”.…

Thế nhưng tại sao khi dự án chấm dứt, các chuyển biến về nhận thức và hành vi ấy gần như cũng đi theo luôn dự án, thay vì được cộng hưởng sang các khu dân cư khác?

Chỉ biết Câu Lạc bộ 3R Hà Nội vẫn duy trì các hoạt động hướng dẫn nhân dân phân loai rác tại nguồn.

“Thời gian qua, việc đổ rác ra đường đã giảm, đường phố đã sạch hơn” như đại diện URENCO nói, v.v… Nhưng một con nhạn như thế không thể làm nổi mùa xuân. 15.400 gia đình tại bảy phường khác tại TP Hà Nội đang bắt đầu được hướng dẫn thực hiện áp dụng 3R mà rất chật vật, trong khi cả Hà Nội có hơn triệu gia đình.

Nhà máy xử lý rác lớn nhất VN, vẫn ì ạch

Phó Tổng Giám đốc Công ty  Cổ phần Tiến bộ Quốc tế (AIC), ông Nguyễn Hồng Sơn, cho Tiền Phong hay, dự án xử lý rác Hà Nội triệt để nhất từ trước đến nay, giúp đối phó với nguy cơ hết chỗ chôn lấp rác, vẫn ì ạch.

Theo dự án trị giá 39 triệu USD, rác sau khi xử lý có thể xuất khẩu một phần đáng kể. Với công suất tiêu thụ rác 2000 tấn/ngày đêm, dự án lẽ ra chính thức khởi công dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long-Hà Nội.

Do rác thải được chế biến thành một lượng lớn các sản phẩm khác nhau, đảm bảo tái chế, sử dụng trên 85%, lượng rác phải đem chôn lấp còn rất ít. Riêng việc này sẽ giúp cứu các bãi chôn lấp rác lớn nhất của Hà Nội đang có nguy cơ đầy ứ chỉ vài ba năm nữa. Đấy là chưa kể lượng rác còn lại cuối cùng ấy sẽ được đóng bao gọn gàng, không gây ô nhiễm cho đất, không toả mùi, có thể tái sử dụng sau vài chục năm chôn.

Không chỉ bao tiêu và tiêu thụ toàn bộ sản phẩm tái chế, họ còn xử lý triệt để các ô nhiễm thứ cấp (nước thải, khí thải, tiếng ổn), đảm bảo thực hiện các quy định về đầu tư và bảo vệ môi trường của địa phương, đồng thời chuyển giao công nghệ và nhà máy cho đối tác Việt Nam một năm trước khi dự án BOT chấm dứt.

“Các vị lãnh đạo TP Hà Nội tạo điều kiện gần như tốt nhất để chúng tôi triển khai dự án đúng dự kiến.  UBND TP Hà Nội thông qua chủ trương dự án chỉ một năm kể từ khi chúng tôi đặt vấn đề”, bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn, Tổng Giám đốc AIC, xác nhận.

Vì đâu? Lại câu hỏi nữa chưa được giải mã khi dại diện AIC trả lời Tiền Phong “Thực tình chúng tôi cũng không rõ”. Không hiểu, hai năm nữa, khoảng thời gian sống còn lại của các bãi rác lớn nhất Hà Nội, chúng ta sẽ xoay chuyển sao đây?

Tài nguyên rác, chưa quan tâm

“Rác đúng là tài nguyên”, ông Lê Trung Dũng, Trưởng phòng Tổ chức Lao động, URENCO, nói, “Hiện mỗi đêm có hàng nghìn người vào thu nhặt phế liệu ở bãi rác Nam Sơn, tạo ra nguồn thu nhập trên 50.000 đồng mỗi người”. URENCO là đơn vị chịu trách nhiệm thu gom vận chuyển, xử lý phần lớn lượng chất thải rắn sinh hoạt nội thành. Các doanh nghiệp khác chịu trách nhiệm thu gom, vận chuyển tại khu vực các huyện ngoại thành Hà Nội.

Bản thân URENCO mỗi ngày cũng thu được từ 60 – 70 tấn rác hữu cơ (đã được phân loại) chuyển về nhà máy xử lý rác Cầu Diễn để xử lý thành phân hữu cơ và bán thành hàng hoá.

Từ rác thải, Trung tâm Nghiên cứu&Chuyển giao Công nghệ Môi trường đã nghiên cứu thành công công nghệ biến chúng thành gạch và bê tông với giá rẻ hơn nhưng chất lượng tương đương gạch và bê tông thương phẩm.  Trung tâm còn dùng rác làm bê tông và đã được thử nghiệm chịu tải đáp ứng tiêu chuẩn Việt Nam. TS. Nguyễn Quang Thái, Cục Hạ Tầng Cơ sở, Bộ Xây dựng, nhận định: “Sáng chế này có giá trị cao về kinh tế và có tính thực tiễn cao”.

Tuy nhiên, công nghệ làm gạch và bê tông từ rác, đến nay, vẫn dừng ở quy mô rất khiêm tốn. Rộng hơn, các hoạt động tiêu thụ rác ấy, từ tự phát của những lao động chân lấm tay bùn đến hoạt động quy mô của doanh nghiệp và sáng kiến của nhà khoa học, không hiểu sao vẫn chỉ dừng ở quy mô rất nhỏ so với lượng rác thải hằng ngày.

Trong khi chưa có bất cứ cơ chế tài chính đủ mạnh nào để khuyến khích tái chế, quay vòng rác, chưa tìm thêm chỗ chon lấp rác mới, lượng rác không xử lý và lượng rác thải thêm ngày càng nhiều, gia tăng chóng mặt sau mỗi tháng, thậm chí, mỗi tuần, đại diện URENCO – đơn vị vận chuyển rác lớn nhất thủ đô, nhận định.


Nguồn tin:http://tintuc.xalo.vn