Tin tức

Xây dựng bản đồ phân bố ô nhiễm 07/12/2011


Nhóm tác giả PGS.TS. Nguyễn Đinh Tuấn, Đại học TN&MT TP. HCM ; TS. Lê Hoàng Nghiêm - Đại học Bách khoa TP. HCM vừa kết thúc nghiên cứu quy luật diễn biến chất lượng không khí từ 9 trạm quan trắc chất lượng không khí (CLKK) tự động và một trạm khí tượng trên địa bàn TP.HCM. Việc phân tích dữ liệu đo đạc từ các trạm quan trắc tự động; áp dụng công cụ mô hình chất lượng không khí 3-D, dữ liệu quan trắc để xây dựng bản đồ phân vùng ô nhiễm không khí cho TP.HCM.

 PGS.TS. Nguyễn Đinh Tuấn cho biết, hệ thống các trạm quan trắc CLKK tại TP.HCM gồm có 9 trạm quan trắc tự động (24/24); 6 trạm quan trắc bán tự động và 8 trạm quan trắc BTX (benzen, toluen và xylen). Các số liệu quan trắc của các trạm quan trắc CLKK tại TP.HCM vẫn chưa được nghiên cứu phân tích một cách toàn diện để tìm ra quy luật diễn biến của các chất ô nhiễm không khí và chưa được sử dụng kết hợp với các công cụ mô hình chất lượng không khí để hiệu chỉnh, đánh giá và xây dựng mô hình dự báo CLKK.

Cũng theo nhóm nghiên cứu, hiện nay mạng lưới các trạm quan trắc chất lượng không khí tự động ở TP.HCM đã cũ, không còn hoạt động hiệu quả. Các cơ quan có thẩm quyền cần sớm xây dựng mạng lưới quan trắc chất lượng không khí mới cho TP.HCM.

Kết quả tổng hợp và phân tích các số liệu quan trắc của 9 trạm quan trắc không khí tự động cho thấy các chất ô nhiễm không khí như bụi PM10, O3, CO, NO2, SO2 thường có nồng độ cao nhất vào khoảng thời gian cao điểm giao thông (7 - 9 giờ, 17 - 19 giờ và ban đêm khi lượng xe tải lưu thông tăng lên); nồng độ thấp nhất trong khoảng từ 2 - 4 giờ và 11 - 14 giờ.

Nguồn tin:http://www.monre.gov.vn