Tin tức

Coi trọng xử lý các nguồn gây ô nhiễm trên lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy: Các địa phương khẩn trương vào cuộc 01/12/2011

0
Xử lý các nguồn gây ô nhiễm trên lưu vực là một trong các nhiệm vụ trọng tâm bảo vệ môi trường được Ủy ban Bảo vệ môi trường lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy và các địa phương coi là giải pháp cấp bách và hiện thực. Thậm chí, còn được khẳng định là giải pháp "ít tốn kém, có thể làm ngay, làm liên tục" ngay khi chưa có cơ chế tài chính tổng thể cho cả Đề án.

Giám sát từ đầu nguồn

Với tinh thần này, từ sau Hội nghị lần thứ 2 (tháng 2/2011) tới nay, thực hiện Quy chế kiểm tra, giám sát của UB Bảo vệ môi trường lưu vực và Quyết định thanh tra của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Tổng cục Môi trường đã tổ chức các đoàn công tác kiểm tra tình hình triển khai Đề án tổng thể  bảo vệ môi trường lưu vực. Các đoàn đã thanh tra 59 cơ sở ngoài Khu công nghiệp và 14 Khu công nghiệp trên địa bàn 5 tỉnh ; lập biên bản 26 đối tượng với tổng số tiền đề nghị phạt là 1.274 triệu đồng. Trong đó, các đoàn đã phát hiện, bắt quả tang các cơ sở như Chi nhánh Công ty TNHH Minh Trang (Khu công nghiệp Lương Sơn, Hòa Bình) có đường ống ngầm xả thải trực tiếp một phần nước thải chưa qua xử lý ra môi trường; phát hiện Công ty cổ phần thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao (Ninh Bình) có hai ống ngầm đường kính 150mm tại hệ thống van ống xả đáy bể sục khí (hệ thống xử lý nước thải)…

Các địa phương trên lưu vực tiếp tục triển khai các dự án xử lý nước thải, chất thải rắn, cấp nước sinh hoạt và triển khai các dự án mới để thực hiện các yêu cầu của Đề án tổng thể.

Khẩn trương

Thành phố Hà Nội xử lý được 80% chất thải rắn sinh hoạt, cả 3 Khu công nghiệp nằm trên lưu vực đều xây dựng hệ thống xử lý nước thải (có 2 hệ thống đã vận hành). Tuy nhiên mới có 4/47 cụm công nghiệp thuộc lưu vực đã có hệ thống xử lý nước thải và 6 cụm đang xây dựng. Thành phố đang cải tạo, nâng cấp sông Tô Lịch đoạn từ Hoàng Quốc Việt đến Trung Hòa - Nhân Chính bằng việc xây dựng đường, cống gom nước thải kết hợp xử lý các nguồn nước thải trước khi đổ vào sông và quản lý rác thải. Hà Nội còn đang triển khai xây dựng dự án "Thí điểm xử lý nước thải làng nghề chế biến tinh bột sắn xã Tân Hòa, huyện Quốc Oai công suất 200 - 300m3/ngày đêm";  đầu tư xây dựng Nhà máy xử lý nước thải sinh hoạt Yên Sở công suất 200.000m3/ngày đêm và chuẩn bị đầu tư xây dựng nhà máy xử lý nước thải Yên Xá công suất 275.000m3/ngày đêm, nhà máy xử lý nước thải Phú Đô công suất 71.000m3/ngày đêm. Đồng thời xây dựng dự án đầu tư, vận hành Nhà máy phân loại và ép rác thải sinh hoạt xuất khẩu công suất 2.000 tấn/ngày tại Nam Sơn (Sóc Sơn), xây dựng khu xử lý chất thải rắn Đồng Ké (Chương Mỹ), Khu xử lý rác thải Xuân Sơn (Sơn Tây) giai đọan 2. Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đang hỗ trợ thành phố đầu tư xây dựng trạm xử lý nước thải làng nghề tại xã Dương Liễu (Hoài Đức) để xử lý nước thải cụm làng nghề Cát Quế - Minh Khai - Dương Liễu được xếp loại ô nhiễm tốp đầu trên địa bàn.



Ninh Bình mới thu gom, xử lý được 80% chất thải rắn sinh hoạt, công nghiệp và y tế. Tỉnh đang đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải sinh hoạt tại thành phố Ninh Bình với kinh phí 385.783 triệu đồng; và đang xây dựng hệ thống xử lý nước thải bệnh viện tuyến huyện, nâng cấp cải tạo hệ thống xử lý nước thải, chất thải rắn bệnh viện đa khoa tỉnh; xây dựng dự án Nhà máy xử lý chất thải rắn thị xã Tam Điệp. Trong số 3 Khu công nghiệp, có  một khu đang vận hành hệ thống xử lý nước thải, hai khu còn lại đang xây dựng.

Năm nay, Nam Định tiếp tục đầu tư, hỗ trợ xây dựng 10 bãi chôn lấp xử lý nước thải sinh hoạt, trong đó có 7 bãi chôn lấp thuộc 6 xã lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy; hỗ trợ thành phố Nam Định xây dựng thêm hố chôn lấp trong Nhà máy xử lý rác thải Lộc Hòa, 2 bệnh viện xây dựng lò đốt rác thải y tế và hỗ trợ kinh phí thực hiện thí điểm thu gom, xử lý chất thải nguy hại làng nghề. Tỉnh còn tiếp tục hỗ trợ kinh phí để xây dựng 37 công trình bãi chôn lấp xử lý rác thải, 4 công trình xây dựng nhà máy nước thải công nghiệp tại Khu công nghiệp Hòa Xá, Cụm công nghiệp An Xá, Xuân Tiến và Yên Xá  được đầu tư xây dựng từ năm 2007 tới nay. Tuy nhiên hiện nay, tỷ lệ chất thải sinh hoạt được xử lý ở đây còn thấp (78% tại thành phố Nam Định và gần 50% tại khu vực nông thôn). Nhưng phần lớn chất thải rắn công nghiệp không nguy hại (521/696 tấn/tháng) đều được tận thu, tái sử dụng. Trong số 60% các cơ sở sản xuất trong Khu, cụm công nghiệp có hệ thống xử lý nước thải có khoảng 30%  xử lý đạt tiêu chuẩn môi trường.

Tại Hà Nam, mới xử lý được 65% trong tổng số 90% rác thải sinh hoạt được thu gom; bù lại, đã xử lý được toàn bộ chất thải y tế và chất thải rắn nguy hại và không nguy hại tác các Khu công nghiệp. Nhưng Hà Nam vẫn còn nỗi lo xử lý nước thải từ các Khu và cụm công nghiệp bởi cho đến nay, mới chỉ có 1/4 tại Khu có hệ thống xử lý nước thải và cả 2 cụm công nghiệp đều chưa có hệ thống này. Tương tự như vậy, phần lớn lượng nước thải sinh hoạt y tế đều chưa được xử lý do có tới 9/13 bệnh viện chưa có hệ thống xử lý.

Hòa Bình là địa phương chưa có tốc độ phát triển công nghiệp, dịch vụ, nên  lượng chất thải phát sinh ít. Riêng chất thải rắn đô thị và làng nghề (khoảng 41.000m3/năm) đã thu gom, xử lý được 70%. Hòa Bình đã đầu tư và đưa vào sử dụng bãi chôn lấp rác Lương Sơn; đang tiến hành đầu tư, xây dựng khu xử lý rác thải cho thành phố qui mô 16 ha, xây dựng dự án xử lý nước thải sinh hoạt tập trung công suất 5.120m3/ngày đêm cho thành phố.

Nguồn tin:http://www.monre.gov.vn