Tin tức

Hà Nội: Quyết tâm trở thành Thành phố tiên phong trong phong trào hạn chế sử dụng túi nilông 07/11/2011

0
Với mục đích tuyên truyền cho người dân về công tác bảo vệ môi trường (BVMT), từ đó, thay đổi thói quen sử dụng túi nilông và thay thế bằng các sản phẩm túi tự hủy, túi thân thiện với môi trường, trong những năm qua, Hà Nội đã phát động chương trình “Hà Nội - ngày chủ nhật không túi nilông” trên khắp các quận, huyện. Ngoài ra, chương trình còn kêu gọi người dân nâng cao ý thức trong công tác BVMT, một hành động thiết thực đưa hình ảnh Thủ đô trở thành Thành phố tiên phong trong phong trào hạn chế sử dụng túi nilông. Để tìm hiểu rõ hơn về chương trình này, phóng viên Tạp chí Môi trường đã có cuộc trao đổi với bà Nguyên Thị Kim Thanh -Giám đốc Quỹ BVMT TP. Hà Nội.

PV: Được biết, những năm qua, chương trình "Hà Nội - ngày chủ nhật không túi nilông" luôn nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của đông đảo nhân dân Hà Nội, xin bà cho biết, Quỹ BVMT thành phố đã tổ chức các hoạt động đó như thế nào?
 
Bà Nguyễn Thị Kim Thanh: Trong 3 năm qua, TP. Hà Nội giao cho Quỹ BVMT Sở TN&MT Hà Nội xây dựng và thực hiện chương trình "Hà Nội - ngày chủ nhật không túi nilông" với mong muôn làm cho người dân Hà Nội có ý thức hơn nữa trong "thảm họa" về túi nilông. Sau tất cả những ngày làm việc bận rộn, các bà nội trợ luôn mang về trong nhà mình rất nhiều túi nilông cùng các loại thực phẩm và ít ai hiểu được tác hại của chúng. Với hy vọng, ngày chủ nhật là ngày mà những người nội trợ đi mua sắm nhiều nhất sẽ không sử dụng túi nilông. Nói như thế không có nghĩa là chỉ mỗi chủ nhật là không sử dụng còn các ngày khác thì được sử dụng bừa bãi mà ta nên hạn chế sử dụng chúng trong tất cả các ngày.
 


Năm 2009, Quỹ đã phối hợp với Tổng Công ty Thương mại Hà Nội (Hapro), năm 2010, phối hợp với UBND quận Tây Hồ tổ chức chương trình này nhằm tuyên truyền về các tác hại của túi nilông cũng như thay đổi thói quen, nâng cao ý thức sử dụng túi nilông và thay thế bằng các sản phẩm túi tự hủy thân thiện với môi trường đến đông đảo người dân thủ đô nói riêng và cả nước nói chung. Hoạt động năm nay mang tính chất sâu, rộng hơn các năm trước. Ngoài các hoạt động như đi bộ, diễu hành, treo băng rôn, phướn, thu gom rác thải... Lễ phát động chính sẽ định tổ chúc tại Công viên Thống nhất vào ngày 2/10, sau đó triển khai trên 29 quận, huyện và được tổ chức liên tục từ tháng 10-11/2011. Năm nay, Quỹ đã ký Nghị quyết liên tịch với Hội Liên hiệp phụ nữ Hà Nội để huy động phụ nữ 29 quận, huyện vào cuộc nhằm nâng cao nhận thức của những người nội trợ về tác hại của túi nilông và tuyên truyền hạn chế tối đa việc sử dụng chúng vào tất cả các ngày chủ nhật cũng như các ngày trong năm.

Mặt khác, Quỹ BVMT TP. Hà Nội cũng tổ chức các Câu lạc bộ môi trường để làm những hình nộm vui nhộn về tác hại của túi nilông và đặt 1 kiốt tại Trung tâm Thương mại Vincom thu thập chữ ký của mọi người ủng hộ và thực hiện chương trình.
 
PV: Mặc dù mới được thành lập (từ năm 2009) nhưng Quỹ đã đóng góp một phần rất lớn vào sự thành công của chương trình này, vậy ngoài những thuận lợi thì Quỹ có gặp khó khăn, thách thức gì, thưa bà?
 
Bà Nguyễn Thị Kim Thanh: Để thực hiện chương trình này, Quỹ cũng gặp nhiều khó khăn do kinh phí của Nhà nước không cấp cho phần sản xuất cũng như không hỗ trợ để phát miễn phí các sản phẩm tự hủy, thân thiện với môi trường. Chính vì thế, Quỹ đã vận động các tổ chức, cá nhân trên toàn thành phố ủng hộ, đóng góp cho chương trình. Bên cạnh đó, việc vận động các đơn vị tài trợ lúc đầu cũng gặp không ít khó khăn nhưng do được chuẩn bị từ đầu năm nên đến nay, Quỹ cũng đã vận động được kinh phí tài trợ (từ cộng đồng, các tổ chức và doanh nghiệp) để phát miễn phí túi thân thiện vói môi trường cho 29 quận, huyện.
 
PV: Để thay đổi nhận thức cũng như hành động, thói quen sử dụng túi nilông, theo bà, giải pháp nào là hữu hiệu trong xã hội hiện nay?
 
Bà Nguyễn Thị Kim Thanh: Thực ra, giải pháp hữu hiệu nhất chính là phải có chế tài thật cụ thể (tức là cấm không sử dụng và có sản phẩm khác thay thế). Tôi được biết, ngày 15/11/2010, tại kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XII, Quốc hội đã thông qua Luật thuế BVMT. Trong 5 nhóm hàng hóa bắt buộc chịu thuế thì túi nilông sẽ phải chịu thuế tuyệt đối từ 30 - 50 nghìn đồng/lkg và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2012. Đối tượng chịu thuế là các nhà sản xuất và nhập khẩu nhưng thực chất họ là người nộp thay cho người tiêu dùng. Do vậy, người sử dụng cần thay đổi nhận thức, thái độ và hành vi dùng túi nilông để hạn chế tác hại của chúng đến môi trường. Đây cũng là một giải pháp rất tốt.
 


PV: Bà có thể cho biết, kế hoạch của Quỹ trong những năm tiếp theo là gì để chương trình ngày càng đạt hiệu quả cao hơn?
 
Bà Nguyễn Thị Kim Thanh: Chương trình này chỉ là một khía cạnh nhỏ về vấn đề môi trường. Quỹ đã thực hiện rất nhiều chương trình bám sát các chủ trương, chỉ đạo của Thành ủy, UBND TP. Hà Nội về vấn đề môi trường như môi trường nông thôn; giáo dục BVMT cộng đồng, dân cư, trường học. Với chức năng giáo dục tuyên truyền và khen thưởng trong lĩnh vực BVMT, Quỹ sẽ có kế hoạch trong từng năm để phù hợp với chính sách đó.
 
PV: Xin chân thành cảm ơn bà về cuộc trao đổi này.
 

Nguồn tin:http://vea.gov.vn