Tin tức

Đầu tư xử lý rác thải khu vực nông thôn: Cần một cơ chế đặc thù 18/10/2011

0
Trong khi thiếu các nhà máy xử lý rác thải, việc UBND TP Hà Nội ban hành Quyết định số 50/2010/QĐ-UBND (QĐ 50) qui định cơ chế, chính sách đầu tư, hỗ trợ từ ngân sách thực hiện thu gom, vận chuyển, xử lý chôn lấp rác thải ở khu vực nông thôn là phù hợp. Tuy nhiên, do vướng mắc trong việc lựa chọn địa điểm và nguồn vốn đầu tư, gần một năm qua, cả 18 huyện ngoại thành vẫn chưa thực hiện được QĐ 50.

Đụng đâu vướng đấy

Huyện Thạch Thất là một trong những điểm nóng về rác thải nông thôn trong một thời gian dài và kéo theo nhiều hệ lụy. Vì vậy, khi QĐ 50 có hiệu lực, huyện gấp gáp mời đơn vị tư vấn khảo sát, xác định được 33 điểm tập kết rác thải tập trung tại 23 xã, thị trấn. Tuy nhiên, cấp có thẩm quyền chỉ phê duyệt có 9 vị trí là bảo đảm đầy đủ các tiêu chí về khoảng cách, điều kiện địa chất, thủy văn, phù hợp với qui hoạch chung và qui hoạch ngành... 24 địa điểm bị loại với các lý do gặp khó khăn trong việc vận chuyển rác thải, không phù hợp với qui hoạch...
 


Tại huyện Quốc Oai, việc qui hoạch, xây dựng ô, bãi xử lý chôn lấp rác thải hợp vệ sinh và địa điểm tập kết rác thải tập trung được ưu tiên hàng đầu. Nhưng việc qui hoạch xây dựng các địa điểm tập kết rác thải đụng đâu cũng vướng. Ông Nguyễn Doãn Tâm, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện phàn nàn, ngoài khó khăn về thỏa thuận xác định vị trí, diện tích, quy mô, nguồn vốn đầu tư, Quốc Oai có tới gần 1/2 số xã, thị trấn hết quỹ đất nông nghiệp để xây dựng điểm tập kết rác thải, huyện Ứng Hòa cũng rất mong muốn xây dựng nhiều điểm tập kết rác thải để khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường nông thôn. Ông Đặng Văn Giáp, cán bộ Phòng Tài nguyên- môi trường huyện Ứng Hòa cho biết, các xã Trầm Lộng, Sơn Công, Đông Lỗ, Đồng Tiến... mỗi xã đề nghị xây dựng tối thiểu 4-5 điểm tập kết rác thải tập trung. Đây là các xã có diện tích rộng, dân số đông. Đề nghị là vậy, song để thực hiện được chủ trương này thì rất khó, lấy đâu ra kinh phí để xây dựng - ông Giáp phân trần.

Nên tăng hỗ trợ đầu tư

Đến thời điểm này, cả 18 huyện, thị xã của Hà Nội chưa xây dựng được một địa điểm tập kết rác tập trung theo cơ chế hỗ trợ từ QĐ 50. Qua tìm hiểu tình hình, phần lớn các địa phương thống nhất, trong điều kiện thiếu các nhà máy xử lý rác thải, thì chủ trương hỗ trợ xây dựng các ô, bãi xử lý chôn lấp rác thải hợp vệ sinh và địa điểm tập kết rác thải là phù hợp. Tuy nhiên, việc xây dựng điểm tập kết rác tập trung đối với các địa phương có diện tích và quy mô dân số nhỏ thì hiệu quả. Với các xã, thị trấn rộng, nhiều thôn xóm (9-10 thôn) nếu một địa phương chỉ xây dựng 1-2 điểm tập kết rác thải thì chưa đáp ứng được yêu cầu, thậm chí còn phát sinh ô nhiễm môi trường. Tại các huyện Mỹ Đức, Ứng Hòa, việc lựa chọn địa điểm xây dựng điểm tập kết rác không mấy khó khăn vì địa bàn đất rộng. Thế nhưng mức hỗ trợ là 200 triệu đồng để xây dựng một điểm không đủ để xây dựng, kinh phí đầu tư một điểm tối thiểu khoảng 600 - 700 triệu đồng. Nhiều quan điểm cho rằng, qui mô xây dựng địa điểm tập kết rác thải không cần quá lớn, mỗi điểm từ 500 - 1.000m2 là đủ. Trong trường hợp, xác định đúng nhu cầu, ngân sách thành phố nên hỗ trợ 100% cho các địa phương xây dựng nhiều địa điểm tập kết rác thải tập trung. Bà Đỗ Thị Châu, Phó Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội) đề nghị, các huyện nên lựa chọn địa điểm phù hợp với quy hoạch sử dụng đất của địa phương, UBND TP nên tăng hỗ trợ đầu tư và chỉ đạo giảm bớt thủ tục khi phê duyệt dự án.

Nguồn tin:http://vea.gov.vn