Tin tức

Chưa có cách 'giải cứu' các làng nghề 29/09/2011

0
Tình trạng nhiều làng nghề đang bị ô nhiễm trầm trọng đã được báo động từ nhiều năm nay. Tuy nhiên, những áp lực đó không thể giải quyết một sớm một chiều.

Phó Giám đốc Sở TN&MT Hà Nội Phạm Văn Khánh đã cho biết như vậy, khi đề cập đến giải pháp xử lý ô nhiễm tại các làng nghề trên địa bàn thành phố. Theo ông Khánh, công việc này đòi hỏi phải có nhiều thời gian, công sức và tiền của để đầu tư xử lý môi trường làng nghề một cách đồng bộ, hiệu quả và mang tính bền vững.


Độc hại đủ đường

Kết quả khảo sát mới nhất của Viện KH-CN môi trường, ĐH Bách khoa Hà Nội, cho thấy: 100% mẫu nước thải ở các làng nghề có thông số vượt quá tiêu chuẩn cho phép; nước mặt, nước ngầm đều có dấu hiệu ô nhiễm. Bên cạnh đó, hầu như không có cơ sở sản xuất làng nghề nào đáp ứng đủ các yêu cầu bảo vệ môi trường theo Luật Bảo vệ môi trường như: có biện pháp giảm thiểu và xử lý bụi, khí thải đạt tiêu chuẩn trước khi thải ra môi trường; bảo đảm không để rò rỉ, phát tán khí thải, hơi, khí độc hại ra môi trường... Trong các làng nghề, tỷ lệ người mắc bệnh viêm nhiễm, dị ứng, ung thư đang có xu hướng tăng lên. Tuổi thọ trung bình của người dân ngày càng giảm đi, thấp hơn khoảng 10 năm so với tuổi thọ trung bình của cả nước.

Việc xử lý ô nhiễm tại các làng nghề cần có sự tham gia của nhiều ban, ngành

Nhằm giải quyết tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng tại một số làng nghề, Phó Giám đốc Sở TN&MT Phạm Văn Khánh, cho biết, thành phố đã có nhiều dự án lớn, trong đó tiếp tục đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án đầu tư xử lý nước thải, gồm: Dự án “Xây dựng nhà máy xử lý nước thải tập trung Cầu Ngà”; Dự án đầu tư xây dựng trạm xử lý nước thải sinh hoạt và làng nghề công suất dự kiến 10.000 – 12.000 m3/ngày đêm; Tiếp tục xây dựng và triển khai thực hiện các chương trình, dự án ưu tiên về bảo vệ môi trường làng nghề từ nay đến năm 2020… Theo ông Khánh, những công việc này khi hoàn thành sẽ góp phần bảo vệ nguồn nước, đảm bảo xử lý toàn bộ lượng nước thải ô nhiễm từ các làng nghề Cát Quế - Dương Liễu - Minh Khai, huyện Hoài Đức và nước thải làng nghề xã Tân Hòa, huyện Quốc Oai, trước khi xả vào lưu vực sông Nhuệ - Đáy.

Chưa thấy lối ra

Tuy nhiên, GS.TS Đặng Kim Chi, Chủ tịch HĐKH Hội Bảo vệ TN&MT Việt Nam cho rằng, tính khả thi của các dự án như đã nêu trên còn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố như: đầu tư, kỹ thuật, diện tích có phù hợp không… Theo bà Chi, các dự án đó hoàn toàn có thể chấp nhận được về công nghệ, song điều đáng quan tâm là hoạt động duy trì, duy tu các dự án đó như thế nào. Bởi những công trình nhiều tiền như vậy phải có tính bền vững, phải tính đến chi phí vận hành, bảo dưỡng, kiểm tra. Thực tế, nhiều công trình khi nghiệm thu thì tốt nhưng khi đưa vào sử dụng thì hỏng, không có phí bảo dưỡng và bị “đắp chiếu”.

Bên cạnh đó, bà Chi cũng cho rằng, mấu chốt của vấn đề không nằm ở chỗ chạy theo xử lý những việc đã rồi mà cần bắt đầu từ việc “phòng bệnh hơn chữa bệnh”. Còn khi đã lâm vào cảnh “đã rồi”, để cải thiện môi trường làng nghề, cần hoàn thiện thể chế, tổ chức; quy hoạch lại không gian làng nghề (quy hoạch theo cụm đối với những làng đã tương đối phát triển ở quy mô doanh nghiệp; quy hoạch phân tán ngay tại các hộ nhỏ lẻ: chỗ ô nhiễm ở xa khu sinh hoạt); phát hiện và kịp thời xử lý các cơ sở gây ô nhiễm, thậm chí hạn chế phát triển; xã hội hóa hoạt động bảo vệ môi trường… “Việc xử lý ô nhiễm tại các làng nghề chắc chắn phải là công việc có sự tham gia của nhiều ngành, nhiều cấp, chứ nếu một mình TP.Hà Nội thì sẽ không giải quyết được”.

Nguồn tin:http://www.monre.gov.vn