Tin tức

Nâng cao hiệu quả phối hợp xử lý chất da cam/dioxin 21/11/2012

0
Chiều 20/11, tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ TN&MT Nguyễn Minh Quang và Thứ trưởng Bùi Cách Tuyến đã có buổi làm việc với Ban Chỉ đạo Quốc gia khắc phục hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam (Ban Chỉ đạo 33) nhằm làm rõ một số vấn đề cơ bản có liên quan đến công tác khắc phục hậu quả, triển khai Kế hoạch hành động Quốc gia khắc phục hậu quả chất độc hóa học. Cùng dự có đại diện các Bộ: Ngoại giao, Khoa học và Công nghệ, Tư pháp, Quốc phòng, Y tế, Lao động - Thương binh và Xã hội.


Phát biểu tại buổi làm việc, Trưởng Ban Chỉ đạo 33, Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang nhấn mạnh, trong hàng chục năm qua, với sự quan tâm và chỉ đạo tích cực của Đảng và Nhà nước ta, Ban Chỉ đạo 33, các Bộ, ngành có liên quan, các tỉnh, thành phố và nhiều tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức phi chính phủ trong và ngoài nước đã tổ chức rất nhiều hoạt động khắc phục hậu quả chất da cam/dioxin ở Việt Nam.

Theo đó, kết quả các hoạt động có ý nghĩa rất thiết thực, được nhân dân, đặc biệt là các nạn nhân chất độc da cam/dioxin ghi nhận. Hàng triệu nạn nhân đã được quan tâm, chăm sóc, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần. Hơn nửa triệu nạn nhân thuộc đối tượng chính sách được hưởng trợ cấp hàng tháng của Chính phủ. Các vùng ô nhiễm chất da cam/dioxin được khoanh vùng, cô lập và xử lý. Nhiều đề tài nghiên cứu khoa học được triển khai và áp dụng trong các hoạt động khắc phục hậu quả chất da cam/dioxin đối với con người và môi trường. Bên cạnh đó, trong quan hệ quốc tế, đặc biệt là trong đấu tranh với Mỹ, chúng ta cũng đã thu được nhiều thành quả quan trọng. Phía Mỹ đã phải chấp nhận tham gia một số hoạt động khắc phục hậu quả chất da cam/dioxin đối với môi trường và con người ở Việt Nam.
Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang cho rằng, hậu quả của chất da cam/dioxin cho đến nay vẫn còn rất nặng nề và còn kéo dài hàng chục năm nữa. Vẫn còn rất nhiều việc có qui mô lớn, phức tập và rất tốn kém, đòi hỏi huy động nhiều nguồn lực mới có thể thực hiện được.

Ông Lê Kế Sơn - Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo 33 cho biết, hiện nay, Bộ Quốc phòng đã tiến hành chôn lấp đơn thuần và chôn lấp tích cực 100.000 m3 đất nhiễm dioxin trên diện tích 4,3ha trong sân bay Biên Hòa. Văn phòng Ban Chỉ đạo 33 đang phối hợp với Bộ Quốc phòng nghiên cứu xác định lại quy mô, tính chất ô nhiễm dioxin tại sân bay Biên Hòa và các ao hồ lân cận để xây dựng kế hoạch xử lý tổng thể và triệt để dioxin. Đáng chú ý, tại sân bay Phù Cát, sau khi được Thủ tướng Chính phủ cho phép, Bộ TN&MT đã phê duyệt dự án “Xử lý dioxin tại các vùng nóng” do Quỹ Môi trường toàn cầu tài trợ thông qua sự điều phối của UNDP. Dự án đã được hoàn thành trong khoảng 4 tháng, chôn lấp an toàn hơn 6.000m3 đất nhiễm dioxin được Hội đồng khoa học với sự tham gia của các nhà khoa học đến từ Bộ Tư lệnh hóa học, Quân chủng Phòng không – Không quân, Tổng cục Môi trường và Hội đồng tư vấn KH-CN của Ban Chỉ đạo 33 nghiệm thu, đánh giá tốt.

Kết luận cuộc họp, Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang đánh giá cao các hoạt động của Ban Chỉ đạo 33 đã phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương, một số tổ chức phi chính phủ, triển khai các hoạt động nghiên cứu và khắc phục hậu quả chất độc hóa học trên quy mô toàn quốc và thu được nhiều kết quả quan trọng. Bộ trưởng cho rằng, công tác này còn gặp nhiều khó khăn, tính phức tạp của một số nhiệm vụ, đòi hỏi các Bộ, ngành, địa phương phải cố gắng nhiều hơn và phối hợp tốt hơn nữa trong thời gian tới.

Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang đề nghị các Bộ sớm xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy trình xác định nạn nhân chất độcda cam/dioxin; tổ chức một số cơ sở nghiên cứu và chăm sóc cho nạn nhân chất độc da cam/dioxin; tiếp tục phối hợp với phía Mỹ triển khai tích cực dự án xử lý dioxin tại Đà Nẵng và bảo đảm đúng tiến độ; phối hợp với phía Mỹ xây dựng báo cáo đánh giá môi trường Biên Hòa và xây dựng Kế hoạch tổng thể xử lý dioxin tại sân bay Biên Hòa. Trước mắt, sớm xây dựng các công trình ngăn chặn tạm thời sự lan tỏa dioxin tại sân bay Biên Hòa và các biện pháp ngăn chặn tác động của dioxin đối với bộ đội và nhân dân sống gần vùng ô nhiễm; tiếp tục nghiên cứu và hỗ trợ Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin trong tổ chức vụ kiện các Công ty hóa chất Mỹ và Bộ Ngoại giao trong đấu tranh với Chính phủ Mỹ.

Bộ Khoa học và Công nghệ tiếp tục phối hợp với Bộ TN&MT chỉ đạo triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình nghiên cứu khoa học và công nghệ quốc gia về chất da cam/dioxin; tích cực mở rộng hợp tác quốc tế trong lĩnh vực này; năng cao năng lực nghiên cứu về dioxin và phân tích dioxin phục vụ cho công tác nghiên cứu về dioxin có nguồn gốc từ chất da cam và dioxin từ các nguồn khác. Các kết quả nghiên cứu khoa học phải bảo đảm phục vụ công tác khắc phục hậu quả chất da cam/dioxin và làm cơ sở khoa học trong công tác đấu tranh ngoại giao.

Nguồn tin:Theo monre.gov.vn