Tin tức

Một số bất cập trong ngành khai khoáng Việt Nam 27/04/2011

0
Ngành công nghiệp khai khoáng của Việt Nam vẫn còn nhiều bất cập do một số nguyên nhân, trong đó nguyên nhân quan trọng là thiếu tính minh bạch trong kinh doanh.


Theo báo cáo “Sáng kiến minh bạch công nghiệp khai khoáng (EITI) và khả năng tham gia của Việt Nam” do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố gần đây cho thấy Việt Nam là quốc gia tiềm năng về khoáng sản, dầu khí, tài nguyên khoáng sản đa dạng với trữ lượng lớn như bauxit, titan, đất hiếm…

Đặc biệt, ngành dầu khí và khai thác khoáng sản đã có đóng góp quan trọng đối với nguồn thu ngân sách và sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam. Trong đó, xuất khẩu từ dầu thô chiếm tỷ trọng khá lớn trong thu ngân sách nhà nước trên 20%. Ngành khai khoáng cũng tạo được nhiều việc làm ổn định cho người lao động, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia và cung cấp nguyên liệu cho nhiều ngành công nghiệp khác của đất nước.

Tuy nhiên, theo báo cáo của EITI, hiệu quả của ngành công nghiệp khai thác khoáng sản chưa cao, phân chia lợi ích không đồng đều, để lại nhiều hậu quả lớn về mặt môi trường và xã hội, quá trình khai thác đang bộc lộ nhiều bất cập, thiếu tính bền vững ... Tình trạng khai thác khoáng sản trái phép diễn ra khá phổ biến ở một số địa phương, gây thất thoát khoáng sản và nguồn thu ngân sách.

Ông Đậu Anh Tuấn, Phó Trưởng ban Pháp chế VCCI, cho biết mặc dù  Việt Nam đã xây dựng được một hệ thống văn bản quy phạm pháp luật tương đối đầy đủ về khai thác khoáng sản, dầu khí bao gồm các quy định về thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng và quản lý thu, chi ngân sách nhưng nhìn chung, giữa những quy định pháp luật và thực thi pháp luật trong công tác thu ngân sách và công bố thông tin của ngành công nghiệp khai thác ở Việt Nam còn nhiều khoảng trống. Cụ thể, ngoài các khoản quy định theo pháp luật, doanh nghiệp còn phải có một vài nghĩa vụ tài chính đối với địa phương và đây là những khoản nằm ngoài quy định chung của pháp luật. Mặt khác, do thiếu những công cụ giám sát và quản lý chặt chẽ, Nhà nước đã và đang mất đi một số khoản thu đáng kể.

Theo ông Lại Hồng Thanh, Phó Chánh Văn phòng Bộ Tài nguyên & Môi trường, nguồn thu trực tiếp về khoáng sản chủ yếu là từ thuế tài nguyên khoáng sản. Doanh nghiệp tự kê khai sản lượng khoáng sản thực tế khai thác hàng năm làm cơ sở để tính thuế tài nguyên khoáng sản, ngoại trừ dầu khí có luật riêng. Nhưng trong thực tế, vì nhiều lý do khác nhau mà thuế từ các doanh nghiệp báo cáo về chưa đúng với sản lượng khai thác.

Để hạn chế tình trạng thất thoát và kém hiệu quả trong khai thác khoáng sản, cần phải đảm bảo sự điều tiết hài hòa giữa ba chủ thể Nhà nước -  doanh nghiệp - người dân. Có như vậy thì việc củng cố thể chế chính sách nói chung và minh bạch hóa các thông tin về nguồn thu, chi và các hoạt động khác của ngành công nghiệp khai thác khoáng sản mới trở thành hiện thực. EITI cũng chỉ ra rằng, ngoài những nỗ lực gần đây như sửa đổi, bổ sung Luật Dầu khí và Luật Khoáng sản, Việt Nam cũng nên cân nhắc nghiên cứu và tham gia vào các hành động chung toàn cầu, trong đó có việc tham gia thi sáng kiến minh bạch trong ngành công nghiệp khai khoáng.



Sáng kiến minh bạch trong ngành công nghiệp khai khoáng là một sáng kiến mở đang được áp dụng 31 quốc gia trên thế giới. Hơn 50 công ty dầu khí và khoáng sản hàng đầu thế giới như Alcoa, BHP Billiton đã thực hiện... thông qua các cam kết ở mức độ quốc tế và các hiệp hội công nghiệp. Tuy là một sáng kiến mới, nhưng EITI đã phát triển nhanh chóng và được ghi nhận là một tiêu chuẩn toàn cầu về minh bạch trong ngành công nghiệp khai thác.



Trên thực tế việc quy định minh bạch, công khai thông tin và phòng chống tham nhũng ở Việt Nam đã được thể hiện ở nhiều văn bản. Tuy nhiên, hiệu quả của các hoạt động này còn rất thấp. Đặc biệt, trong lĩnh vực khoáng sản, cơ chế xin-cho trong cấp phép đang diễn ra phổ biến nên khó có thể đạt được mục tiêu minh bạch. Mặt khác, phần lớn những khoáng sản quan trọng đều do doanh nghiệp nhà nước đảm nhiệm, tỷ lệ tư nhân hóa trong ngành công nghiệp khai thác vẫn còn rất thấp cũng được xem là yếu tố cản trở.

Ngọc Trần

Nguồn tin:http://www.monre.gov.vn