Tin tức

Đất hiếm - Nguồn tài nguyên chiến lược 20/12/2010

0
Chưa bao giờ đất hiếm lại xứng đáng với tên gọi của nó trong những ngày qua. Sau khi Trung Quốc quyết định giảm bớt đáng kể lượng xuất khẩu loại nguyên liệu này, cả thế giới, từ Đông sang Tây đã nháo nhào đi tìm nguồn thay thế, trong lúc giá cả đất hiếm trên thị trường gia tăng.


Cho đến lúc này, về lý thuyết Trung Quốc vẫn luôn luôn khẳng định không hề đình chỉ việc xuất khẩu đất hiếm, nhưng thực tế cho thấy, nguồn cung ứng nguyên liệu này cho các thị trường chủ chốt đã giảm bớt đáng kể. Suốt một thời gian dài, đất hiếm từ Trung Quốc tràn ngập thị trường thế giới với giá rất rẻ, bóp chết ngành khai thác đất hiếm của các nước khác. Nhưng đến năm 2008 thì Bắc Kinh khóa chặt van. Nếu năm 2004, lượng đất hiếm xuất khẩu từ Trung Quốc là 60.000 tấn, thì đến năm 2010 chỉ còn có 30.000 tấn.

Nhật Bản, nước nhập khẩu đến gần 60% lượng đất hiếm từ Trung Quốc, chịu ảnh hưởng nặng nhất. Thậm chí, một quan chức cao cấp Nhật Bản đã báo động rằng nếu đà này tiếp tục, kho dự trữ đất hiếm của Nhật có nguy cơ bị cạn kiệt ngay vào tháng ba năm tới. Tiếng chuông báo động cũng được gióng lên tại Mỹ, nơi nhập gần 20% đất hiếm của Trung Quốc, hay tại Hàn Quốc, châu Âu, cụ thể là tại Pháp, thị trường chiếm tới 6% xuất khẩu nguyên liệu này của Trung Quốc.



Lẽ dĩ nhiên, Nhật Bản là quốc gia đầu tiên nghĩ đến việc đa dạng hóa nguồn cung cấp đất kiếm. Hôm 22/10 vừa qua, Tokyo cho biết, sẽ hợp tác với Việt Nam để khai thác đất hiếm tại Việt Nam nhằm cung ứng cho thị trường Nhật. Trước mắt, Tokyo cũng tìm cách mua thêm đất hiếm từ một số nhà sản xuất khác như Mông Cổ hay Mỹ, đồng thời không loại trừ việc khiếu nại trước Tổ chức Thương mại Thế giới.

Về phần mình, Hàn Quốc cũng không ngồi yên. Theo hãng tin Bloomberg (Mỹ), Seoul đã nghĩ đến khả năng hợp tác tay ba với Tokyo và Washington để tìm nguồn cung ứng khác ngoài Trung Quốc. Tại châu Âu, Đức cũng đã ban hành một loạt biện pháp nhằm đa dạng hóa nguồn cung ứng đất hiếm, như đặt mua tại Mỹ, Namibia hay Mông Cổ. Liên minh châu Âu hồi tháng 6 năm nay đã lập ra danh sách các loại đất hiếm đang bị khan hiếm trầm trọng, hết sức thiết yếu đối với công nghiệp châu Âu và không hề hiện diện tại châu lục này. Có thể kể: antimoine, cobalt, gallium, germaniem, magnésium, tungstène, các loại thuộc nhóm bạch kim...

Riêng Mỹ ngay từ hạ tuần tháng 9/2010 cũng đã cho rằng, cần phải phá vỡ thế độc quyền hiện nay của Trung Quốc đối với loại sản phẩm này. Sở dĩ mối lo ngại dâng cao như vậy là vì đất hiếm đã trở thành loại nguyên liệu tối cần thiết cho nhiều ngành công nghệ mũi nhọn tại các quốc gia phát triển. Bao gồm khoảng 17 thứ kim loại hiếm, với những cái tên như neodymium, lanthanum, cerium and europium, đất hiếm là chất liệu quan trọng dùng để sản xuất hệ thống phát điện bằng sức gió, bình điện xe hơi, dụng cụ xét nghiệm y tế qua hình ảnh, điện thoại thông minh cho đến ngành hàng không dân dụng, quốc phòng, trong các ngành công nghệ điện tử, xe hơi, lọc dầu, năng lượng xanh... Đất hiếm hiện diện trên trái đất với số lượng ít ỏi, và cũng được tiêu thụ với số lượng ít trong kỹ nghệ, nhưng không thể thay thế được. Và cũng chỉ có một số rất ít quốc gia sản xuất ra đất hiếm.

Câu hỏi đặt ra là phải chăng phương Tây đang trong tình trạng "mất bò mới lo làm chuồng"?. Trước đây, do các phí tổn khai thác đất hiếm quá cao, lại lo sợ trước các tác hại đối với môi trường, các nước phương Tây, cụ thể là Mỹ, đã đình chỉ sản xuất đất hiếm để dựa vào nguồn cung ứng dồi dào và giá rẻ đến từ Trung Quốc.

Một thí dụ điển hình cho thấy điều này. Đất hiếm tại Trung Quốc chỉ chiếm 1/3 trữ lượng của thế giới. Thế nhưng, vào năm 2009, họ đã làm ra 97% lượng đất hiếm xuất khẩu trên toàn thế giới. Vị thế độc quyền mặc nhiên đã cho phép nước này làm mưa làm gió trên thị trường nguyên liệu này.

Theo các nhà quan sát, sự thức tỉnh của các quốc gia mà ngành công nghiệp lệ thuộc vào nguyên liệu đất hiếm có hơi muộn vì phải mất vài năm nữa thì các phương án thay thế hàng nhập từ Trung Quốc mới có hiệu quả, trong lúc nhu cầu thế giới về đất hiếm sẽ còn tăng gấp đôi trong 5 năm tới. Tuy nhiên, ngạn ngữ đã có câu "thà trễ còn hơn không" !

Nguồn tin:http://www.monre.gov.vn