Tin tức

Chủ tịch nước công bố Luật Khoáng sản (sửa đổi) 15/12/2010

0

Sáng 14/12, Văn phòng Chủ tịch nước đã họp báo công bố Lệnh số 17/2010/L-CTN của Chủ tịch nước công bố Luật Khoáng sản (sửa đổi). Luật được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XII vừa qua. Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2011. Văn phòng Chủ tịch nước còn công bố Luật Bảo vệ người tiêu dùng và Luật Viên chức.



* Luật Khoáng sản (sửa đổi) cơ bản chấm dứt cơ chế xin – cho trong hoạt động khoáng sản

Tại buổi họp báo, Thứ trưởng Bộ TN&MT Chu Phạm Ngọc Hiển khẳng định, Luật Khoáng sản (sửa đổi) sẽ cơ bản chấm dứt tình trạng trạng xin – cho trong hoạt động khoáng sản, thông qua hình thức đấu giá khoáng sản. Việc đấu giá sẽ giúp Nhà nước lựa chọn được nhà đầu tư đủ năng lực tài chính, kinh nghiệm, khoa học kỹ thuật để khai thác an toàn, hiệu quả và bảo vệ môi trường…

Theo Điều 78 Luật sửa đổi, việc cấp quyền khai thác khoáng sản phải thực hiện trên cơ sở đấu giá quyền khai thác. Tuy nhiên, có một số khu vực khoáng sản, loại khoáng sản không thể đấu giá để cấp quyền khai thác, như khu vực khoáng sản có tính chiến lược, khu vực nhạy cảm về môi trường, bảo đảm an ninh quốc phòng… Theo Thứ trưởng Chu Phạm Ngọc Hiển, đối với các khu vực này, Thủ tướng Chính phủ sẽ quyết định cấp phép thông qua các tiêu chí do Chính phủ quy định.

Việc đấu giá quyền khai thác khoáng sản sẽ được thực hiện cả ở khu vực chưa thăm dò khoáng sản và khu vực đã thăm dò. Trường hợp trúng đấu giá ở khu vực chưa thăm dò thì nhà đầu tư trúng đấu giá phải thực hiện việc thăm dò khoáng sản. Kết quả thăm dò do Hội đồng đánh giá trữ lượng khoáng sản quốc gia thẩm định, phê duyệt để bảo đảm lợi ích quốc gia.

“Để cắt xin – cho hoàn toàn, cần quản lý chặt khâu đấu giá để tránh tiêu cực, đảm bảo công bằng, minh bạch giữa các nhà đầu tư”, Thứ trưởng Chu Phạm Ngọc Hiển nói.

Trước tình trạng mua bán giấy phép hoạt động khoáng sản lòng vòng gây rối trong quản lý khoáng sản, Thứ trưởng Chu Phạm Ngọc Hiển cho rằng, không thể cấm chuyển nhượng giấy phép trong điều kiện kinh tế thị trường mà chỉ có cách quy định chặt chẽ các điều kiện chuyển nhượng.

Điểm đột phá của Luật chính là thay đổi cơ bản cơ chế quản lý khoáng sản thông qua các quy định về tài chính. Xuất phát từ chế độ sở hữu toàn dân đối với khoáng sản và quyền đại diện chủ sở hữu toàn dân của Nhà nước, Luật quy định tổ chức, cá nhân được cấp quyền khai thác phải nộp “tiền cấp quyền khai thác”. Đây chính là một phần lợi ích mà chủ sở hữu được hưởng khi giao quyền khai thác khoáng sản cho tổ chức, cá nhân.



* Giấy phép cũ phải hoạt động theo Luật mới

Trả lời câu hỏi của phóng viên về việc hơn 6.000 giấy phép đã được cấp phép sẽ hoạt động như thế nào khi Luật có hiệu lực thi hành, ngày 1/7/2011, Thứ trưởng Chu Phạm Ngọc Hiển cho biết, tổ chức, cá nhân được phép tiếp tục khai thác cho đến hết thời hạn quy định trong giấy phép. Tuy nhiên, tổ chức cá nhân phải nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản đổi với phần trữ lượng chưa khai thác, đảm bảo công bằng giữa các doanh nghiệp và đảm bảo quyền của chủ sở hữu Nhà nước.

Luật Khoáng sản (sửa đổi) đã có những quy định chặt chẽ để đảm bảo hài hòa lợi ích Nhà nước – người dân và doanh nghiệp. Điều 5 của Luật quy định rõ hơn trách nhiệm của tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản đối với địa phương nơi có khoáng sản được khai thác như hỗ trợ chi phí đầu tư nâng cấp, duy tu, xây dựng hạ tầng kỹ thuật sử dụng trong khai thác khoáng sản và xây dựng công trình phúc lợi; kết hợp khai thác với xây dựng hạ tầng, bảo vệ, phục hồi môi trường,

Mặt khác, Luật còn quy định, nếu tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản gây thiệt hại đến hạ tầng kỹ thuật thì tùy mức độ thiệt hại, phải có trách nhiệm sửa chữa, duy tu, xây dựng mới hoặc bồi thường; ưu tiên sử dụng lao động địa phương…

Nguồn tin:http://www.monre.gov.vn