Tin tức

Sớm hoàn thiện dự án Đánh giá tiềm năng tài nguyên urani Việt Nam 07/06/2011

0
Hội đồng thẩm định do Thứ trưởng Nguyễn Linh Ngọc chủ trì vừa thông qua dự án Đánh giá tiềm năng tài nguyên urani Việt Nam do Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản (KHĐC& KS) thực hiện với sự tham gia của Viện Nghiên cứu Địa chất toàn LB Nga (VSEGEI), Liên đoàn Địa chất Xạ Hiếm, Trường Đại học Mỏ - Địa chất.

 Thứ trưởng Nguyễn Linh Ngọc khẳng định, sự cần thiết thành lập dự án với các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra nhằm triển khai công tác tìm kiếm, thăm dò urani tiếp theo trên lãnh thổ Việt Nam, phục vụ có hiệu quả việc hoạch định chính sách phát triển năng lượng nguyên tử ở Việt Nam.Thứ trưởng lưu ý Viện KHĐC& KS với vai trò chủ trì, cần tiếp thu ý kiến đóng góp của các chuyên gia, phối hợp với các đơn vị có liên quan để chỉnh sửa, bổ sung, sớm hoàn thiện dự án trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.


Thứ trưởng Bộ TN&MT Nguyễn Linh Ngọc phát biểu tại cuộc họp

Ông Trần Tân Văn, Viện trưởng Viện KHĐC& KS cho biết: Trên cơ sở kết quả nghiên cứu, điều tra địa chất ở Việt Nam cũng như các biểu hiện urani trong nhiều thành tạo địa chất khác nhau ở nhiều khu vực, đồng thời đối sánh với các cấu trúc tương tự chứa mỏ urani thương mại của các nước, có thể khẳng định Việt Nam là một trong số quốc gia có tiềm năng trung bình về urani. Do mức độ nghiên cứu còn sơ lược và chưa hệ thống nên những số liệu dự báo về tài nguyên chưa đảm bảo độ tin cậy để phục vụ cho việc hoạch định chính sách năng lượng nguyên tử ở Việt Nam. Vì vậy, dự án Đánh giá tiềm năng tài nguyên urani Việt Nam một cách có hệ thống theo quan điểm mới với sự tiếp thu kinh nghiệm thực tiễn của các nước có nền khoa học địa chất tiên tiến nhằm xác định định lượng tài nguyên urani một cách tin cậy, có cơ sở khoa học phục vụ lợi ích quốc gia là cần thiết và cần được triển khai. Đây là bước đi đầu tiên cho quá trình điều tra, đánh giá tiếp theo nguồn tài nguyên này trên lãnh thổ Việt Nam.

Mục tiêu cụ thể của Dự án là đánh giá tiềm năng urani, xác lập các kiểu mỏ urani có trên lãnh thổ Việt Nam; phân vùng sinh khoáng và khoanh định các diện tích triển vọng phục vụ tìm kiếm đánh giá tiếp theo. Thực hiện các mục tiêu này, Dự án có nhiệm vụ chính là hệ thống hóa, phân tích các tài liệu địa chất trên thế giới và Việt Nam liên quan đến urani; điều tra, đánh giá tổng hợp các kiểu quặng hóa urani ở Việt Nam. Điều tra khoáng sản urani tỉ lệ 1:25.000 và chi tiết hóa ở tỉ lệ 1:10.000 để xác định và kiểm định mô hình mỏ chuẩn phục vụ công tác dự báo, tìm kiếm phát hiện kiểu mỏ urani ở Việt Nam; chính xác hóa các kiểu quặng hóa urani và các tiền đề, dấu hiệu  chứa urani quy mô lớn. Thành lập bản đồ sinh khoáng và phân vùng dự báo urani Việt Nam tỉ lệ 1:100.000 và tỉ lệ 1:200.000 cho các đối tượng triển vọng cao về urani; xây dựng cơ sở dữ liệu khoáng sản urani Việt Nam; xây dựng bản hướng dẫn triển khai công tác tìm kiếm đánh giá urani ở Việt Nam, thành lập báo cáo tổng kết…Thời gian dự kiến thực hiện Dự án là 4 năm (từ 2011-2014).


Ông Trần Tân Văn, Viện trưởng Viện KHĐC& KS phát biểu

Nguồn tin:http://www.monre.gov.vn