Tin tức

Cảnh báo về tác động của việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch Thứ năm, 11/12/2012

0
(TN&MT) - Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết, các công ty than đá, dầu khí và những công ty tài chính và đầu tư đứng đằng sau các công ty đó cần phải ngừng rót hàng tỷ USD vào hoạt động tìm kiếm và khai thác các nguồn nhiên liệu hóa thạch mới.

Một nghiên cứu của WB công bố vào ngày 19/11 vừa qua cảnh báo, nhiệt độ trung bình của trái đất có thể tăng lên 40C, gây ra các đợt nắng nóng cực đoan, làm giảm nguồn cung lương thực toàn cầu, phá hủy hệ sinh thái và đa dạng sinh học, đồng thời làm mực nước biển dâng cao đe dọa cuộc sống con người. Chủ tịch WB Jim Yong-Kim nói rằng, ông hy vọng nghiên cứu kể trên sẽ làm mọi người bị sốc và phải hành động để tránh làm nhiệt độ trái đất tăng lên.

 Báo cáo cho biết, các nhà khoa học thế giới dự đoán nhiệt độ trái đất sẽ lên 40C vào cuối thế kỷ này nếu các nước không thay đổi chính sách và nếu nhiệt độ trung bình tăng lên 40C, nhiệt độ thực tế tại các khu vực trên đất liền sẽ nhích lên khoảng 4 - 10 0C. Nhiệt độ ở Mỹ trong các tháng mùa hè sẽ cao hơn hiện nay 60C. Vào năm 2080, khu vực Địa Trung Hải sẽ nóng hơn 90C so với đợt nóng nhất tháng 7 vừa qua. Nhiệt độ vùng   Sahara  và Trung Đông sẽ tăng 6 - 7 0C so với tháng 7 nóng nhất hiện thời.

Tính đến thời điểm này, nhiệt độ toàn cầu mới chỉ tăng 0,8%. Mức thiệt hại hàng năm trên toàn thế giới do biến đổi khí hậu ước vào khoảng 1,2 nghìn tỷ USD. Các đối tượng chịu ảnh hưởng nhiều nhất của biến đổi khí hậu là tầng lớp người nghèo và những nước đang phát triển. Tuy vậy, các nước giàu như Mỹ cũng bị tác động.

 Ngân hàng chứng khoán Deutsche Bank Securities Inc cho biết, chỉ riêng năm nay, hạn hán đã gây thiệt hại cho nền kinh tế Mỹ ít nhất là 100 tỷ USD. Bên cạnh đó, siêu bão Sandy đã gây thiệt hại 50 đến 70 tỷ USD cho nước này.

Sẽ không có quốc gia nào tránh được tác động của sự biến đổi khí hậu, song các nước trong vùng nhiệt đới sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do mực nước biển dâng cao hơn 20% so với các nơi khác và các đợt giông bão hay hạn hán sẽ diễn ra nhiều hơn.

Bill Hare, Giám đốc Cơ quan Phân tích tại Berlin, nói ông lo ngại về tình hình sản xuất lương thực và không hình dung được việc sẽ trồng hoa màu thế nào nếu trái đất ấm lên và tăng thêm trên 40C. Theo báo cáo của WB, nhiệt độ cao như vậy sẽ gây ra nhiều đợt hạn hán và đến năm 2100, có thể một nửa diện tích đất trồng trên thế giới sẽ bị tác động bởi hạn hán.

Trong đó, các khu vực chịu thiệt hại nhiều nhất sẽ là Nam Phi, Mỹ, Nam Âu và Đông Nam Á.

Các khí thải do việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch gây ra khiến nồng độ axit trong đại dương tăng cao, ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển của các rặng san hô. San hô là nơi cư ngụ của 25 - 33% sinh vật sống dưới đại dương vốn được xem như là một trong các hệ thống thiết yếu "hỗ trợ sự sống" của con người.

Báo cáo WB đưa ra kết luận cần phải hành động kịp thời và đẩy mạnh hợp tác quốc tế để có thể cải thiện và ngăn chặn tình trạng khí hậu thế giới đang ấm lên. Chủ tịch Kim cho biết, Ngân hàng dự định sẽ nỗ lực gấp đôi, trợ giúp thực hiện các sáng kiến quốc gia về giảm thiểu khí thải cácbon.

Tuy vậy, WB vẫn đang tiếp tục đầu tư vào các dự án liên quan đến nhiên liệu hóa thạch, trong đó có dự án xây dựng nhà máy nhiệt điện chạy bằng than tại Kosovo. Carroll Muffett, Giám đốc Trung tâm Luật Môi trường Quốc tế, đặt câu hỏi: "Liệu có phải WB coi đó như là mô hình mới về phát triển? Hay đây chỉ là lời thúc giục thế giới chú tâm nhưng lại không thực hiện điều đó?"

Tính đến năm 2011, WB đã chi 3,4 tỷ USD, tương đương 25% các khoản cho vay dành cho ngành năng lượng, vào các nhà máy nhiệt điện chạy bằng than. Theo Global Subsidies Intiatives, ngành nhiên liệu hóa thạch được Chính phủ trợ cấp 600 tỷ USD mỗi năm và trong năm nay ngành này tiếp tục đầu tư số tiền tương đương với con số trên vào các dự án thăm dò và khai thác mới. Ông Hare cho biết đó là hướng đi sai lầm và cần phải chuyển hướng đầu tư.

Nguồn tin:Theo tainguyenmoitruong.com