Tin tức

Siết quản lý khoáng sản ở hàng loạt tỉnh 14/11/2012

0
Một loạt các tỉnh Cao Bằng, Hà Giang, Lâm Đồng vừa được lãnh đạo Bộ Tài nguyên - Môi trường chỉ đạo Tổng cục Địa chất Khoáng sản siết chặt quản lý theo lĩnh vực.


Đại diện Bộ Tài nguyên - Môi trường (TN&MT), Thứ trưởng Nguyễn Linh Ngọc vừa có buổi làm việc với Tổng cục Địa chất & Khoáng sản về tình hình hoạt động khoáng sản tại Cao Bằng và kết quả kiểm tra việc khai thác cao lanh trái phép tại tỉnh Lâm Đồng.

Đến thời điểm hiện tại, tỉnh Cao Bằng đã cấp 1.438 giấy phép khai thác. Theo quy hoạch khoáng sản do tỉnh lập năm 2011, hiện có 55 dự án khai thác đang hoạt động, 342 khu vực khoáng sản đã thỏa thuận cho 14 doanh nghiệp lập dự án thăm dò, khai thác, 321 dự án chế biến khoáng sản như sắt, mangan, thiếc, đồng….

Cao Bằng cũng đã có văn bản đề nghị khoanh định 89 khu vực khoáng sản vào danh mục khoáng sản phân tán nhỏ lẻ. Tuy nhiên, qua kiểm tra, rà soát, Tổng cục địa chất Khoáng sản xác định chỉ có 9 khu vực đủ điều kiện khoanh định là khu vực có khoáng sản phân tán nhỏ lẻ.
Trước thực trạng thiếu nguyên liệu đầu vào cho các nhà máy chế biến, Cao Bằng đề xuất Bộ TN&MT cho phép nâng công suất khai thác từ 177.000 tấn/năm lên 370.000 tấn/năm tại mỏ Ngườm Cháng, huyện Hòa An, Bộ TN&MT đã đống ý phê duyệt, đồng thời cho phép bổ sung dự án sắt xốp của Công ty Mirex tại xã Hoàng Tùng, huyện Hòa An vào quy hoạch quặng sắt cả nước và định hướng nguyên liệu cho dự án.

Về tình trạng khai thác cao lanh trái phép đang diễn ra rầm rộ tại tỉnh Lâm Đồng gây ô nhiễm môi trường, làm mất đất đai và lãng phí tài nguyên khoáng sản, Thứ trưởng Nguyễn Linh Ngọc chỉ đạo Tổng cục Địa chất Khoáng sản cần báo cáo nhanh Chính phủ để xin ý kiến chỉ đạo; phối hợp với Thanh tra Bộ tổ chức thanh tra hoạt động khoáng sản trên địa bàn và có biện pháp xử lý kiên quyết những sai phạm theo Luật Khoáng sản 2010.

Ông Ngọc cũng lưu ý Tổng cục Địa chất Khoáng sản cần tổ chức buổi làm việc giữa Bộ TN&MT, Bộ Công Thương với hai tỉnh Cao Bằng và Hà Giang, nơi đang xảy ra tình trạng thiếu nguyên liệu đầu vào cho các nhà máy chế biến sắt, mangan để thống nhất cách giải quyết, rà soát các dự án chế biến từ việc triển khai xây dựng đến công suất… để cân đối tài nguyên.




Nguồn tin:Theo xaluan.com