Tin tức

Tăng cường hợp tác ASEAN về khoáng sản 01/12/2011

0
Từ ngày 6 đến 9/12/2011, tại Hà Nội sẽ diễn ra Hội nghị Bộ trưởng ASEAN về khoáng sản (ASOMM 11) và các Hội nghị liên quan. Đây là cơ hội tăng cường hợp tác ASEAN về khoáng sản, nâng cao vị thế của Việt Nam trên truờng quốc tế trong lĩnh vực địa chất khoáng sản và khai khoáng.

Trao đổi với  phóng viên Báo Tài nguyên & Môi trường về những vấn đề liên quan đến ASOMM và việc tổ chức các Hội nghị liên quan, ông Đỗ Cảnh Dương, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Địa chất và Khoáng sản (ảnh) cho biết:

- Hội nghị quan chức cấp cao ASEAN về Khoáng sản (ASOMM) ra đời tháng 12 năm 1995 tại Bangkok (Thái Lan) dựa trên đề xuất của Chính phủ Indonesia và Ban thư ký ASEAN tại Hội nghị thượng đỉnh ASEAN lần thứ 5 tháng 12/1995 ở Bangkok. Tại đây, các nhà lãnh đạo ASEAN đã thông qua chương trình hành động hợp tác ASEAN về khoáng sản 1996-1998, đồng thời xác định những mục tiêu hợp tác của ASEAN trong lĩnh vực này và thông qua việc thành lập cơ sở dữ liệu về khoáng sản để đưa vào hoạt động.

Theo thông lệ ASEAN, ASOMM (Hội nghị quan chức cao cấp ASEAN về khoáng sản) và ASOMM+3 (Hội nghị quan chức cao cấp ASEAN về khoáng sản và 3 nước tư vấn: Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc) được tổ chức hàng năm, AMMin (Hội nghị Bộ trưởng ASEAN về khoáng sản tổ chức 2 năm/lần, luân phiên tại các nước ASEAN).



* Ông có thể cho biết mục tiêu chính của ASOMM và ASOMM lần thứ 11 tổ chức tại Việt Nam?

Phó Tổng cục trưởng Đỗ Cảnh Dương: - ASOMM là diễn đàn để các nước thành viên ASEAN thảo luận nhằm tăng cường hợp tác ASEAN về khoáng sản. Mục tiêu của  ASOMM nhằm thúc đẩy phát triển công nghiệp khai khoáng trong khu vực ASEAN. Cụ thể là hỗ trợ các chương trình công nghiệp hóa cho mỗi nước thành viên và tăng cường các hoạt động  thương mại về hàng hóa khoáng sản trong ASEAN.                

Mục tiêu đề án tổ chức các Hội nghị ASEAN về khoáng sản tại Việt Nam bao gồm: Tổ chức thành công các Hội nghị ASOMM 11, Hội nghị các nhóm công tác ASEAN về khoáng sản, ASOMM+3, AMMin 3, qua đó nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Đề xuất được các sáng kiến, các chương trình, dự án nghiên cứu của Việt Nam tại hội nghị nhằm tăng cường các mối quan hệ hợp tác, hiểu biết lẫn nhau giữa các nước trong khu vực, trong đó có Việt Nam về lĩnh vực khoáng sản.

* Quá trình chuẩn bị ASOMM 11 tại Việt Nam đuợc thực hiện ra sao nhằm đạt  mục tiêu đề ra, thưa ông?

Phó Tổng cục trưởng Đỗ Cảnh Dương: - Hội nghị có sự tham dự của các Bộ trưởng ngành khoáng sản (hoặc đại diện có thẩm quyền thay mặt Bộ trưởng), đại biểu đại diện 10 nước thành viên ASEAN gồm: Brunei, Campuchia, Indonesia,  Lào,  Malaysia, Myanmar, Philipines, Singapore, Thái Lan, Việt Nam; Ban Thư ký ASEAN và 3 nước đối thoại là Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc.

Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý tổ chức Hội nghị ASOMM 11 (Công văn số 5912/VPCP-QHQT), theo đó Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, đăng cai tổ chức các Hội nghị ASEAN về khoáng sản; thành lập Ban chỉ đạo Quốc gia do Bộ TN&MT làm Trưởng ban, các thành viên là các Bộ, ngành: Ngoại giao, Công an, Công Thương, Tài chính, Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Văn phòng Chính phủ, UBND TP.Hà Nội, Tập đoàn Công nghiệp Than & Khoáng sản Việt Nam, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ TN&MT đã quyết định thành lập Ban Tổ chức, Ban thư ký và các tiểu ban chuyên môn: Nội dung, Truyền thông, Dịch thuật, Lễ tân - Hậu cần, An ninh - Y tế. Các Ban, tiểu ban đã khẩn trương thực hiện các nhiệm vụ và chuẩn bị các nội dung cần thiết để tổ chức thành công Hội nghị.

* Nội dung thảo luận tại các diễn đàn ASOMM  và ASOMM11 gồm những vần đề gì? Những sáng kiến mà Việt Nam sẽ đề xuất, thưa ông?

Phó Tổng cục trưởng Đỗ Cảnh Dương: - Các Hội nghi tập trung thảo luận, thúc đẩy 6 định hướng chính là: Đảm bảo phát triển và sử dụng bền vững tài nguyên khoáng sản;  Đẩy mạnh hợp tác thương mại và đầu tư khoáng sản; Thúc đẩy hợp tác, xây dựng chính sách, tiêu chuẩn cho hoạt động khai khoáng đạt hiệu quả tốt nhất tăng cường năng lực và thể chế trong lĩnh vực địa chất và khoáng sản; Xúc tiến diễn đàn đối thoại tư nhân ASEAN về khoáng sản; Khuyến khích mở rộng hợp tác trong các diễn đàn khu vực và quốc tế về khoáng sản. ASOMM11 tại Hà Nội cũng sẽ tái khẳng định các định hướng trên.

Việt Nam sẽ đề xuất những sáng kiến cụ thể tại ASOMM 11 như : Thông qua kế hoạch hành động hợp tác ASEAN về khoáng sản; Tăng cường năng lực nghiên cứu, điều tra, đánh giá khoáng sản ẩn sâu; Hợp tác quốc tế về tăng cường năng lực quản lý, bảo vệ, nghiên cứu và điều tra cơ bản địa chất và khoáng sản biển; Chia sẻ mẫu vật và ấn phẩm địa chất và khoáng sản; Nâng cao năng lực nghiên cứu, điều tra khí đốt ẩn sâu; Xây dựng cơ chế chia sẻ thông tin khoáng sản.

* Các Hội nghị rất cần thiết, sẽ mang lại hiệu quả đối với sự phát triển bền vững về khoáng sản, góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội của mỗi nước và khu vực, thưa ông?

Phó Tổng cục trưởng Đỗ Cảnh Dương: - Đúng vậy! Đây là diễn đàn để các nước ASEAN trao đổi, hợp tác về lĩnh vực khoáng sản nhằm phát triển khoáng sản bền vững, góp phần vào sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội của mỗi nước và toàn khu vực.

Nội dung các Hội nghị khá đầy đủ, bao quát tất các các lĩnh vực trong hoạt động khoáng sản, giúp cho các nước trao đổi, cập nhật được những thông tin bổ ích về khoáng sản và hoạt động khoáng sản. Kết quả các Hội nghị ASOMM được tổ chức từ trước đến nay cho thấy, việc hợp tác giữa các nước ASEAN, giữa ASEAN và các nước cộng ba về khoáng sản ngày càng mở rộng, phát triển. Tuy nhiên, đây mới chỉ là bước đầu trong quá trình hội nhập và hợp tác. Các nước cần hợp tác chặt chẽ hơn nữa, tăng cường trao đổi thông tin, kiến thức, kinh nghiệm để phát triển ngành khoáng sản, làm cho ngành này trở thành ngành kinh tế mũi nhọn trong phát triển kinh tế xã hội của mỗi nước.

* Xin trân trọng cám ơn ông!
 

Nguồn tin:http://www.monre.gov.vn