Tin tức

Tác động xã hội của hoạt động khai thác khoáng sản 26/08/2013

0
Công nghiệp khai thác khoáng sản có sức ảnh hưởng to lớn đến đời sống kinh tế - xã hội. Chính vì vậy, việc đánh giá hiệu quả của ngành khai khoáng không chỉ dựa trên những đóng góp vào sự phát triển kinh tế, mà còn phải xét đến những tác động tiêu cực ảnh hưởng đến đời sống xã hội.



Ở Việt Nam, ngành khai khoáng là ngành kinh tế mũi nhọn, chiếm tỷ trọng GDP lớn, và cũng là một trong những ngành công nghiệp gây nhiều tác động nhất đến môi trường và xã hội.

Khai thác khoáng sản ở Việt Nam

Việt Nam có hơn 5000 điểm mỏ với khoảng 60 loại khoáng sản khác nhau. Nguồn tài nguyên khoáng sản của Việt Nam tương đối phong phú và đa dạng về chủng loại gồm các nhóm khoáng sản nhiên liệu (dầu khí, than); nhóm khoáng sản sắt và hợp kim sắt (sắt, cromít, titan, mangan); nhóm khoáng sản kim loại màu (bôxit, thiếc, đồng, chì-kẽm, antimon, molipden); nhóm khoáng sản quý (vàng, đá quý); nhóm khoáng sản hoá chất công nghiệp (Apatít, cao lanh, cát thuỷ tinh); nhóm khoáng sản vật liệu xây dựng (đá vôi xi măng, đá xây dựng, đá ốp lát).

Tỷ lệ xuất khẩu khoáng sản ở Việt Nam tương đối cao. Tính riêng 7 tháng đầu năm 2013, xuất khẩu quặng và khoáng sản tăng trưởng cả về lượng và trị giá so với cùng kỳ năm trước, tăng lần lượt 100,86% và tăng 3,11% tương đương với 1,4 triệu tấn, trị giá 140,5 triệu USD. Trong đó, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu chính, chiếm 91,2% lượng quặng và khoáng sản, với 1,2 triệu tấn, trị giá 101,7 triệu USD, tăng 129,29% về lượng và tăng 28,6% về trị giá so với cùng kỳ năm 2012. Kế đến là thị trường Nhật Bản, với 20,7 nghìn tấn, trị giá 12,1 triệu USD, giảm 17,88% về lượng và giảm 36,85% về trị giá. Thị trường xuất khẩu chủ yếu đứng thứ ba là Malaysia với 15,9 nghìn tấn, trị giá 4,3 triệu USD, tăng 61,97% về lượng và tăng 31,59% về trị giá so với cùng kỳ.

Các số liệu trên cho thấy, công nghiệp khai thác khoáng sản của Việt Nam đang trên đà tăng trưởng mạnh và chiếm tỷ trọng lớn trong nền kinh tế quốc gia.

Tác động xã hội của hoạt động khai khoáng

Ngân hàng Thế giới (WB) đã từng tuyên bố rằng: Công nghiệp khai thác khoáng sản là phương tiện đi đến xóa đói, giảm nghèo và phát triển bền vững. Như vậy, về lý thuyết, khai thác khoáng sản góp phần làm tăng trưởng kinh tế, tạo công ăn việc làm và cải thiện cơ sở hạ tầng. Những yếu tố này chính là động lực cho xóa đói, giảm nghèo.

Nhưng, qua rất nhiều nghiên cứu, các nhà khoa học đều chỉ ra rằng: Hoạt động khai thác khoáng sản ở Việt Nam hiện nay bên cạnh những tác động tích cực còn có rất nhiều tác động tiêu cực đến đời sống kinh tế - xã hội như:

Thứ nhất, việc phụ thuộc nhiều vào khai thác tài nguyên sẽ làm cho nền kinh tế dễ bị tổn thương hơn trước những biến động của tình hình kinh tế thế giới. Đơn cử như, xuất khẩu dầu thô đem lại nguồn ngân sách lớn cho quốc gia nhưng giá dầu thô trên thế giới bất ổn định, điều nay đem lại quan ngại lớn. Thực tế hiện nay, số liệu tăng trưởng GDP không tính đến các giá trị mất đi mà chỉ tính đến các giá  trị nhận được. Do đó, số liệu GDP không phản ánh được trung thực sự đóng góp của ngành khai khoáng đối với nền kinh tế.

Thứ hai, về vấn đề việc làm, ngành công nghiệp khai thác khoáng sản chưa làm được như lý thuyết đề ra, thậm chí còn có tác động ngược lại. Các mỏ khoáng sản hiện nay thường năm ở vùng sâu, vùng xa nơi người dân chủ yếu sống dựa vào sản xuất nông - lâm nghiệp. Hoạt động khai khoáng sử dụng chủ yếu tài nguyên đất, rừng, nước mà cuộc sống người dân lao động lại trực tiếp phụ thuộc vào các nguồn tài nguyên đó. Mặt khác, công nghiệp khai thác khoáng sản không có tính ổn định và bền vững. Hoạt động này chủ yếu phụ thuộc vào nguồn tài nguyên không tái tạo, có nghĩa là, hoạt động này sẽ chấm dứt và công nhân sẽ mất việc làm khi mỏ cạn kiệt. Đó là còn chưa kể đến, sự hạn chế về trình độ và kỹ năng lao động, người nghèo sẽ ít có cơ hội hưởng lợi từ hoạt động này. 

Thứ ba, ngành khai khoáng có tác động rất lớn đến môi trường sống. Bụi, khí độc, nước thải...của ngành khai khoáng đang là thủ phạm trực tiếp khiến cho môi trường sống đang bị suy thoái nghiêm trọng.

Thứ tư, đời sống dân cư,  an ninh trật tự của khu vực có khoáng sản bị biến động. Bởi, các mỏ khai khoáng thường thu hút nguồn lao động từ nhiều địa phương khác đến, việc nhập cư với số lượng lớn lao động dẫn đến nhiều hệ lụy. Giá cả thị trường tăng, đời sống văn hóa, truyền thống địa phương bị tác động, tình hình xã hội phức tạp....

Nhận thấy, hoạt động khai thác khoáng sản luôn tiềm ẩn hai mặt đối lập. Vì vậy,  để cho hoạt động này đạt hiệu quả, cơ quan chức năng cần đối chiếu giữa lý thuyết và thực tiễn. Cần cân nhắc “lợi, hại” mỗi khi cấp giấy phép khai thác.


Nguồn tin:Theo monre.gov.vn