Tin tức

Triển vọng phát triển công nghiệp khai thác titan ở Việt Nam 21/05/2013

0
Theo dự tính, tổng trữ lượng và tài nguyên titan-zircon là 664 triệu tấn. Đây là một con số khổng lồ nếu so với tổng trữ lượng titan đã xác định của toàn thế giới là 1.400 triệu tấn. Điều này mang lại triển vọng Việt Nam sẽ trở thành một trong những quốc gia có ngành công nghiệp khai khoáng titan phát triển.



Quản lý và khai thác trữ lượng lớn - nhiều hệ lụy nảy sinh

Tại hội thảo quốc tế khoáng sản titan ASEAN được tổ chức tại TP. Vũng Tàu (tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu) trong 2 ngày (13 – 14/5), đại diện Bộ TN&MT cho biết, tổng trữ lượng và tài nguyên dự báo quặng titan-zircon ở Việt Nam là 664 triệu tấn quặng tinh. Sa khoáng titan chủ yếu phát hiện dọc ven biển từ Thanh Hóa đến Bắc Bà Rịa-Vũng Tàu. Trong đó chiếm đến 83% là ở những vùng có tầng cát đỏ của Ninh Thuận, Bình Thuận và Bắc Bà Rịa-Vũng Tàu.

Những năm gần đây, do thị trường tiêu thụ titan trên thế giới tăng mạnh nên việc khai thác sa khoáng titan ở Việt Nam trở nên vô cùng sôi động. Tại các tỉnh miền Trung, đã có trên 40 đơn vị tổ chức khai thác ở 38 khu mỏ, 18 xưởng tuyển tinh quặng ra đời với hơn 2 triệu tấn quặng được khai thác. Tuy nhiên, phần lớn titan bán ra thị trường chủ yếu là quặng chưa qua chế biến, do đó Nhà nước chỉ thu được khoản thuế tài nguyên ít ỏi. Không chỉ thế, lợi nhuận cao từ việc bán titan đã khiến người dân đua nhau khai thác thủ công, buôn bán tràn lan. Chảy máu tài nguyên và việc Nhà nước thất thu là bài toán không dễ giải của các nhà quản lý.

Bên cạnh đó, khai thác titan ở một số địa phương như: Quảng Bình, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định…đã gây ảnh hưởng lớn tới môi trường. Theo Cục Thẩm định đánh giá tác động môi trường (Bộ TN&MT), hậu quả là đã làm cho đất, nước ngầm một số khu vực nhiễm mặn, nhiều hecta đất cát ven biển bị đào xới; rừng phi lao phòng hộ chắn gió, cát đã bị tàn phá, cảnh quan ven biển bị suy thoái nặng nề; nguồn nước ngọt trong cồn cát ven biển bị ô nhiễm và nhiễm mặn; đường giao thông nông thôn bị xuống cấp nghiêm trọng do vận chuyển quặng…

Chưa hết, trong quá trình khai thác, các đơn vị đã xả thải sau khai thác qua khu vực giáp biển mà không hoàn thổ sau khai thác; khai thác quá độ sâu, phạm vi cho phép đã làm thay đổi địa hình, mất cảnh quan môi trường, gây sạt lở bồi lấp, có nguy cơ xảy ra hiện tượng hoang mạc hóa. Sức khỏe của người dân vì thế cũng bị ảnh hưởng do ô nhiễm phóng xạ trong quá trình khai thác titan.
Hình thành ngành công nghiệp khai khoáng titan

Đánh giá về sự phát triển lâu dài của việc khai thác, chế biến và xuất khẩu titan ở Việt Nam, các chuyên gia trong và ngoài nước cho rằng, tài nguyên quặng sa khoáng titan ở Việt Nam rất lớn, đảm bảo đủ cơ sở để xây dựng các khu công nghiệp khai thác, chế biến hiện đại, phát triển ổn định lâu dài.

Theo phê duyệt quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng quặng titan giai đoạn 2007 - 2015, định hướng đến năm 2025, các vùng thuộc khu vực hoạt động khoáng sản titan gồm Thái Nguyên, vùng Thanh Hóa - Hà Tĩnh, vùng Quảng Trị- Thừa Thiên Huế, vùng Bình Định- Phú Yên, và vùng Bình Thuận- Bà Rịa - Vũng Tàu. Đặc biệt, trong giai đoạn 2016-2020, sẽ hình thành ngành công nghiệp khai thác, chế biến quặng titan với các sản phẩm chính là xỉ titan, gigment, titan xốp, titan kim loại. Đồng thời sẽ xây dựng phát triển tỉnh Bình Thuận trở thành trung tâm công nghiệp khai thác, chế biến quặng titan với quy mô lớn, đáp ứng nhu cầu trong nước và tham gia xuất khẩu.

Để phục vụ việc phát triển khai thác titan trong thời gian tới,  Bộ TN&MT đã đề xuất với Chính phủ quy hoạch thăm dò khai thác quặng sa khoáng titan trong tầng cát đỏ tại khu vực Lương Sơn, tỉnh Bình Thuận với diện tích 150 km2. Đây được coi là những động thái nhằm phát triển ngành công nghiệp titan một cách bền vững, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
 




Nguồn tin: Theo www.monre.gov.vn.