Tin tức

Cần có cơ chế khai thác hiệu quả cơ sở dữ liệu nền thông tin địa lý 4 tỉnh miền Trung 14/09/2011

0
Lầu đầu tiên các tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam và TP.Đà Nẵng có một bộ cơ sở dữ liệu (CSDL) thông tin địa lý, mô hình số độ cao và bản đồ địa hình số ở tỷ lệ 1/10.000 phủ trùm và tỷ lệ 1/2.000, 1/5.000 ở khu vực Lăng Cô, TP.Đà Nẵng, khu kinh tế trọng điểm tỉnh Quảng Nam. Đây là công cụ đắc lực phục vụ công tác quản lý điều hành quy hoạch phát triển kinh tế xã hội và an ninh quốc phòng của 4 tỉnh miền Trung. Mới đây, Cục Đo đạc và Bản đồ Việt Nam đã tiến hành bàn giao CSDL cho UBND và SởTN&MT của 4 tỉnh. Trao đổi với BáoTN&MT, ông Nguyễn Tuấn Hùng, Cục trưởng Cục Đo đạc và Bản đồ Việt Nam cho biết:

Dự án "Thành lập CSDL nền thông tin địa lý ở tỷ lệ 1/10.000 gắn với mô hình số độ cao phủ trùm cả nước" và "Thành lập CSDL nền thông tin địa lý ở tỷ lệ 1/2.000, 1/5.000 các khu vực đô thị, khu công nghiệp, khu kinh tế trọng điểm" được triển khai từ năm 2008 theo Quyết định số 1867/QĐ-TTg. Sau hơn 3 năm thi công, dự án đã hoàn thành CSDL nền  thông tin địa lý ở tỷ lệ 1/10.000 của hầu hết các tỉnh trong cả nước, trong đó 4 tỉnh được bàn giao lần này có 545 mảnh. Cụ thể Quảng Trị có 136 mảnh, Thừa Thiên - Huế 116 mảnh, Quảng Nam 258 mảnh và TP.Đà Nẵng là 35 mảnh. Dự án còn xây dựng được 1.291 mảnh bản đồ tỷ lệ 1/5.000 và 52 mảnh tỷ lệ 1.5000 cho các khu đô thị, khu kinh tế trong điểm của Thừa Thiên - Huế, TP. Đà Nẵng và Quảng Nam. Mỗi mảnh bản đồ dạng số đều có 7 lớp thông tin dữ liệu về cơ sở toán học, dân cư, giao thông, địa hình, thủy hệ, ranh giới và thực vật.


Cục trưởng Cục Đo đạc và Bản đồ Việt Nam Nguyễn Tuấn Hùng (hàng trên bên phải) ký biên bản bàn giao

Xây dựng hệ thống thông tin địa lý (GIS) quốc gia và GIS chuyên ngành là xu hướng hiện đại phục vụ cho việc triển khai chính phủ điện tử, giúp các nhà quản lý trong việc ra quyết định đúng đắn về quy hoạch, phát triển kinh tế xã hội và an ninh quốc phòng. CSDL nền thông tin địa lý được xây dựng trong 2 dự án này phủ trùm cả nước trong đó có 4 tỉnh đáp ứng đầy đủ các yêu cầu trên bảo đảm làm cơ sở dữ liệu nền chung cho tất cả các ngành.

 * Điều đó có nghĩa là nếu chúng ta biết tận dụng những ưu việt của bộ sản phẩm này, biết đầu tư và khai thác theo đúng quy trình sẽ đem lại hiệu quả lớn trong việc hoạch định chính sách, quy hoạch phát triển kinh tế xã hội của địa phương, thưa Cục trưởng?

- Đúng thế. Điều quan trọng hiện nay là các địa phương được bàn giao phải tiến hành phổ biến, quảng bá sản phẩm rộng rãi đến các Sở, ngành để cùng khai thác, chia sẻ và cập nhật thông tin. Vấn đề này rất cần và phụ thuộc vào sự quan tâm và nguồn kinh phí đầu tư của UBND các tỉnh. Theo tôi, để phát huy hết tác dụng của sản phẩm, ngay từ bây giờ UBND các tỉnh cần quan tâm đầu tư trang thiết bị và nguồn nhân lực phục vụ cho việc khai thác.

* Với vai trò là cơ quan quản lý Nhà nước về Đo đạc và Bản đồ, thời gian tới Cục Đo đạc và Bản đồ Việt Nam sẽ tiếp tục triển khai những công việc gì để hỗ trợ 4 tỉnh miền Trung nói riêng và các tỉnh, thành phố được bàn giao nói chung khai thác có hiệu quả bộ sản phẩm này?

Khác với bản đồ truyền thống nếu muốn cập nhật phải tiến hành đo vẽ lại toàn bộ, CSDL nền thông tin địa lý có thể cập nhật thường xuyên các biến động. Cục Đo đạc và Bản đồ Việt Nam sẽ tiếp tục xây dựng quy trình công nghệ quy định về vấn đề cập nhật và cơ chế trao đổi dữ liệu giữa địa phương với trung ương và xây dựng dự án cập nhật cơ sở dữ liệu nên thông tin địa lý đê bảo đảm để cơ sở dữ liệu luôn mới và sống động.

Cục Đo đạc và Bản đồ Việt Nam cũng sẽ chuẩn bị lực lượng kỹ thuật có trình độ để hướng dẫn đào tạo cho cán bộ của các tỉnh có năng lực khai thác sử dụng và cập nhật CSDL nền thông tin địa lý. Trước mắt, nếu địa phương có nhu cầu tập huấn cho cán bộ về kỹ năng sử dụng và khai thác phần mềm của bộ sản phẩm này thì có thể gửi công văn, Cục Đo đạc và Bản dồ Việt Nam sẵn sàng cử cán bộ tập huấn, hướng dẫn chi tiết. Trong quá trình triển khai thực hiện có vướng mắc gì thì có thể liên hệ với Cục, cán bộ kỹ thuật sẽ giải đáp thắc mắc kịp thời.

Khi làm được những điều ấy, tôi tin rằng, CSDL nền thông tin địa lý phát huy hiệu quả thiết thực, đáp ứng yêu cầu quy hoạch phát triển kinh tế xã hội và bảo vệ an ninh quốc phòng của địa phương.

* Xin trân trọng cám ơn Cục trưởng !

Nguồn tin:http://www.monre.gov.vn