Tin tức

Làm chủ khoa học công nghệ, khẳng định vị thế ngành TN&MT 19/07/2011

0
"Hội nghị tổng kết hoạt động khoa học và công nghệ giai đoạn 2006 - 2010"sẽ đề xuất những định hướng phát triển khoa học và công nghệ  ngành TN&MT giai đoạn từ nay đến năm 2020. Tiềm năng nghiên cứu và ứng dựng KH&CN của ngành TN&MT còn rất lớn. BáoTN&MT tổng hợp giới thiệu đôi nét kết quả hoạt động của một số lĩnh vực.

Đề xuất các dự báo, chiến lược sử dụng và bảo vệ tài nguyên đất

Tập trung nghiên cứu khoa học công nghệ lĩnh vực quản lý đất đai giai đoạn 2006 - 2010 chủ yếu là đề xuất các dự báo, chiến lược sử dụng và bảo vệ tài nguyên đất phục vụ công tác quản lý Nhà nước về đất đai. Đánh giá tài nguyên đất và môi trường đất theo hướng bền vững. Xây dựng định mức kinh tế kỹ thuật nhằm sử dụng hợp lý và hiệu quả tài nguyên đất, giải quyết các vấn đề an sinh xã hội khi thu hồi đất.  Đánh giá thực trạng của việc thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi giải phóng mặt bằng và đảm bảo an sinh xã hội khi thu hồi đất.

Để nâng cao khả năng chuyển giao, ứng dụng kết quả nghiên cứu các đề tài khoa học và công nghệ vào công tác quản lý đất đai trong thời gian tới (2011-2015), việc xác định rõ tổ chức sẽ nhận chuyển giao, ứng dụng kết quả nghiên cứu của đề tài sẽ được tiến hành trước khi xác định mục tiêu, nhiệm vụ nghiên cứu.  Trong quá trình triển khai sẽ làm rõ cơ chế phối hợp, cơ chế tài chính… giữa cơ quan chuyển giao kết quả và cơ quan nhận chuyển giao kết quả ngay từ khi xác định, xây dựng nhiệm vụ nghiên cứu để tránh lãng phí về thời gian, nhân lực, cũng như kinh phí thực hiện.

Căn cứ vào ý kiến tư vấn, đánh giá của Hội đồng khoa học và công nghệ tổng hợp trình Bộ trưởng Bộ TN&MT những đề tài KH&CN có giá trị về khoa học và thực tiễn để tổ chức ứng dụng kết quả trong quản lý và sản xuất.

Nâng cao toàn diện nguồn nhân lực nghiên cứu môi trường

Đối với lĩnh vực môi trường của Bộ, do điều kiện các Viện/Trường đều mới được thành lập, nguồn nhân lực cho hoạt động nghiên cứu khoa học có thể nói là còn mỏng.

Khảo sát, đánh giá về nguồn nhân lực hoạt động trong lĩnh vực môi trường, tổng số cán bộ khoa học làm việc trực tiếp trong lĩnh vực môi trường tại các đơn vị trực thuộc Bộ TN&MT khoảng trên 700 người, trong đó khoảng 290 cán bộ thường xuyên tham gia vào các nghiên cứu KH&CN (chiếm 42 %). Đó là tỷ lệ tương đối lớn bao gồm các cán bộ quản lý Nhà nước, cán bộ nghiên cứu và giảng viên đào tạo (đây mới chỉ là số liệu tổng hợp, thống kê từ 8 đơn vị có tham gia thực hiện các đề tài khoa học và công nghệ trong lĩnh vực môi trường, giai đoạn 2006 - 2010).

Hiện nay, Tổng cục Môi trường có 16 đơn vị trực thuộc với gần 500 cán bộ có chất lượng và kiến thức chuyên ngành phù hợp (3 Phó giáo sư, 28 Tiến sỹ, 133 Thạc sỹ, 283 đại học), phần lớn là các cán bộ trẻ, chỉ có 15 cán bộ có độ tuổi từ 51 trở lên. Hầu hết cán bộ đều có điều kiện tham gia nghiên cứu các đề tài khoa học, để qua đó cập nhật thông tin, nâng cao kiến thức chuyên môn.

Đối với nguồn nhân lực hiện có, giai đoạn 2011-2015 cần tăng cường và đẩy mạnh các sinh hoạt học thuật với sự tham gia của các cán bộ khoa học đầu đàn, mở rộng các hợp tác và phối hợp với các trường đại học, các viện, trung tâm nghiên cứu trong và ngoài Bộ để nâng cao năng lực nghiên cứu.

Tích cực hợp tác KH&CN quốc tế biển và hải đảo

Trong giai đoạn 2006 - 2010, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam được giao thực hiện 94 đề tài, dự án, nhiệm vụ chuyên môn, có 17 đề tài, dự án, nhiệm vụ chuyên môn đã kết thúc và đã được nghiệm thu (chiếm 18%); 77 đề tài, dự án, nhiệm vụ chuyên môn đang được tiếp tục thực hiện (chiếm 82%). Một số kết quả nghiên cứu đã được áp dụng ngay vào thực tiễn.

Việc tranh thủ nguồn lực, KH&CN tiên tiến, kinh nghiệm quản lý và đào tạo cán bộ trong lĩnh vực khoa học- công nghệ và quản lý biển, đảo tại các quốc gia có nền KH&CN tiên tiến được Tổng cục đặc biệt quan tâm. Một số thỏa thuận hợp tác với các quốc gia như Hoa Kỳ, Nga, Hàn Quốc... đã được triển khai hoạt động, góp phần đáng kể trong việc tăng cường năng lực khoa học và công nghệ của Tổng cục, đặc biệt trong các lĩnh vực xây dựng và hoàn thiện thể chế, quản lý ô nhiễm biển, môi trường biển, trắc địa biển, hải văn, địa chất- khoáng sản biển...

Mục tiêu giai đoạn 2011-2015 sẽ triển khai nhanh, có kết quả tin cậy khoa học và công nghệ biển liên quan đến điều tra tài nguyên môi trường biển vùng nước sâu, kết hợp giữ vững an ninh chủ quyền; thực hiện có hiệu quả vai trò của khoa học và công nghệ trong việc nâng cao chất lượng công tác quản lý tổng hợp, thống nhất biển và hải đảo và các giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu và phòng tránh thiên tai biển và ven biển.

Nghiên cứu tài nguyên nước: Mạnh cả lượng và chất

 Nước là loại tài nguyên đặc biệt cần phải xác lập cơ chế cung - cầu, chia sẻ lợi ích phù hợp với kinh tế thị trường. Xác đinh rõ điều này, nhiều nghiên cứu đã được thực hiện nhằm từng bước đưa tài nguyên nước trở thành loại hàng hóa, tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước.

24 đề tài nghiên cứu khoa học trong đó 1 đề tài cấp Nhà nước; 19 đề tài cấp Bộ và 4 đề tài cấp cơ sở được triển khai từ 2006 đến 2010 với tổng kinh phí trên 47 tỷ đồng.

Các đề tài đã tập trung nghiên cứu luận cứ khoa học cho việc hoàn thiện thể chế, nâng cao chất lượng công tác dự báo và cảnh báo về thiên tai do nước gây ra, đề xuất giải pháp quản lý tổng hợp, sử dụng hợp lý tài nguyên nước. Việc hoàn thành nhiều dự án, đề án lớn của Chính phủ đòi hỏi kỹ thuật phức tạp như : Đề án "Giảm thiểu tác hại của Arsenic trong nguồn nước sinh hoạt ở Việt Nam" và Đề án "Điều tra đánh giá nguồn nước dưới đất khu vực trung du và miền núi Bắc Bộ" đã khẳng định những đóng góp quan trọng từ các hoạt động nghiên cứu khoa học và công nghệ.

 Thời gian tới, ngành sẽ chú trọng đầu tư cho các nghiên cứu các giải pháp công nghệ tiên tiến để xử lý và khắc phục ô nhiễm nguồn nước, bảo vệ các giá trị sinh thái, môi trường liên quan đến tài nguyên nước trên lưu vực sông, đánh giá tác động của biến đổi khí hậu đến tài nguyên nước và đề xuất các giải pháp khả thi ứng phó với biến đổi khí hậu.

Ứng dụng kịp thời kết quả nghiên cứu - KH&CN  địa chất - khoáng sản

Giai đoạn 2006 - 2010, hoạt động khoa học và công nghệ thuộc lĩnh vực địa chất và khoáng sản từng bước tiếp cận được với công nghệ hiện đại. Kết quả của các hoạt động khoa học và công nghệ được phổ biến và áp dụng thực tế phục vụ kịp thời cho công tác quy hoạch, định hướng phát triển bền vững cho các địa phương và các ngành liên quan.

Song song với việc thực hiện các nghiên cứu cơ bản địa chất, hoạt động nghiên cứu triển khai cũng được đẩy mạnh, phục vụ cho công tác điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản, thăm dò khoáng sản; nghiên cứu tai biến địa chất như trượt lở đất đá, lũ lụt - lũ quét nhằm đánh giá hiện trạng, xác định nguyên nhân, dự báo, cảnh báo nguy cơ và đề xuất các biện pháp ngăn ngừa, phòng tránh, khắc phục và giảm thiểu tác hại. Tích cực ứng dụng các công nghệ mới, hiện đại như viễn thám, công nghệ thông tin, địa vật lý, khoan, phân tích thí nghiệm để nâng cao hiệu quả, chất lượng công tác điều tra, nghiên cứu.

Giai đoạn 2011-2015, ngành sẽ nhanh chóng hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, ổn định tổ chức của các đơn vị quản lý, nghiên cứu. Xây dựng và nâng cao tiềm lực hoạt động khoa học và công nghệ của các đơn vị trong lĩnh vực, đặc biệt ứng dụng thiết bị phân tích tích nhanh ngoài hiện trường, thiết bị khoan sâu; xây dựng và đào tạo đội ngũ cán bộ nghiên cứu có trình độ về chuyên môn, ngoại ngữ, tin học; đầu tư xây dựng một số phòng thí nghiệm trọng điểm đạt tiêu chuẩn quốc gia.

Khí tượng thủy văn và biến đổi khí hậu: Phát huy tối đa nguồn lực

Số cán bộ tham gia nghiên cứu khoa học lĩnh vực Khí tượng thủy văn và biến đổi khí hậu thuộc Bộ hiện có khoảng trên 200 người, trong đó trên 100 cán bộ nghiên cứu trẻ có bằng Thạc sĩ là lực lượng kế cận đáng kể cho ngành.

Để đáp ứng nhu cầu về nhân lực đặc biệt các lĩnh vực mới như biến đổi khí hậu, cần tập trung triển khai một số nội dung bao gồm: Xây dựng Chiến lược phát triển nguồn nhân lực ngành, tiến hành các hình thức đào tạo đa dạng, nâng cao chất lượng, đổi mới phương thức đào tạo nguồn nhân lực khoa học công nghệ trong nước và quốc tế; hỗ trợ và tạo điều kiện làm việc tốt cho đội ngũ cán bộ nghiên cứu khoa học công nghệ; xây dựng cơ chế khuyến khích nâng cao năng lực tự đào tạo và nghiên cứu khoa học công nghệ …Trong giai đoạn 2011-2015, ngoài việc thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu, quản lý khoa học thường niên của đơn vị mình, các đơn vị tập trung vào việc thực hiện Chiến lược Phát triển ngành Khí tượng Thủy văn đến năm 2020 đã được phê duyệt. Lấy việc đầu tư cho khoa học, công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực làm giải pháp chủ yếu để phát triển trên cơ sở kế thừa và phát huy tối đa nguồn lực hiện có, khai thác triệt để thành tựu khoa học, công nghệ trong nước; đồng thời ứng dụng có chọn lọc những thành tựu khoa học công nghệ tiên tiến trên thế giới, tận dụng và đa dạng hóa mọi nguồn tiềm lực khí tượng thủy văn.

Đo đạc bản đồ -  Những thành tựu nổi bật

Nghiên cứu của Cục Đo đạc và Bản đồ phục vụ công tác điều tra cơ bản phát triển kinh tế, xã hội có những thành tựu nổi bật. Đó là xây dưng cơ sở khoa học cho việc áp dụng công nghệ định vị vệ tinh trong công tác xây dựng cơ sở hạ tầng mạng lưới trắc địa - bản đồ; áp dụng công nghệ hiện đại trong việc xây dựng cơ sở dữ liệu hạ tầng không gian...

Các nghiên cứu đã cung cấp cơ sở khoa học cho việc xây dựng các dự án phục vụ điều tra cơ bản trọng điểm của ngành như dự án Xây dựng và Hoàn thiện hệ thống trọng lực quốc gia, dự án Thành lập bản đồ địa chính cơ sở của các tỉnh vùng núi Việt Nam. Xây dựng mạng lưới GPS địa động lực sông Mã phục vụ công tác dự báo tai biến tự nhiên vùng Tây Bắc Việt Nam là cơ sở khoa học để đề xuất xây dựng dự án "Xây dựng mạng lưới trắc địa địa động lực trên các khu vực đất gãy thuộc lãnh thổ Việt nam phục vụ công tác dự báo tai biến thiên nhiên".

Nổi bật còn phải kể đến nghiên cứu cơ sở khoa học và thực tiễn của việc sử dụng công nghệ GPS mở ra các khả năng ứng dụng mạng lưới các trạm thu tín hiệu vệ tinh thường trực CORS phục vụ công tác dự báo thời tiết ở Việt Nam.

Nhóm các đề tài về viễn thám đã tăng cường hiệu quả của Trạm thu ảnh vệ tinh viễn thám thuộc hệ thống giám sát tài nguyên thiên nhiên môi trường Việt Nam giải quyết các bài toán đặt ra cho ngành như thành lập và hiện chỉnh bản đồ địa hình quốc gia, ứng dụng trong kiểm kê đất đai, kiểm kê rừng, phục vụ giám sát thiên tai, sự cố môi trường và giám sát nước biển dâng do biến đổi khí hậu...

Nguồn tin:http://www.monre.gov.vn