Tin tức

Hầu hết chất thải rắn có thể tái chế 04/07/2011


Ông Nguyễn Trung Việt, Sở Tài nguyên&Môi trường TP Hồ Chí Minh, cho biết hầu hết các chất thải (rắn) công nghiệp và chất thải nguy hại đều có khả năng tái chế và có giá trị kinh tế ở mức độ khác nhau, kể cả giá trị tái sinh năng lượng (có thể cháy được).

Theo số liệu thống kê được đưa ra tại một hội thảo về công nghệ đốt rác tạo ra năng lượng mới đây ở Hà Nội, hiện nay chất thải rắn chủ yếu được chôn lấp tự nhiên hoặc chôn lấp có kiểm soát.

“Toàn quốc có khoảng 98 bãi chôn lấp chất thải rắn tập trung nhưng chỉ có 16 bãi đươc coi là chôn lấp hợp vệ sinh”, GS.TS Đặng Kim Chi, Hội Bảo vệ Thiên nhiên&Môi trường Việt Nam, nói.

Thành phố Hồ Chí Minh mỗi ngày có trên 7.000 tấn rác, một năm tiêu tốn trên 235 tỷ đồng để xử lý. Tuy nhiên, 98% rác vẫn được chôn lấp, với công nghệ xử lý còn thô sơ, nên thường xuyên phát sinh nhiều vấn đề cần giải quyết, đặc biệt là nước rỉ rác thải. Không phải ở bãi rác nào cũng có nhà máy xử lý nước rỉ rác thải, hơn nữa nếu có thì cũng ít khi chạy hết công suất.

Theo ông Việt, hầu hết các loại chất thải công nghiệp và chất thải nguy hại đều được xử lý thiếu bền vững do nhiều lý do, như công nghệ lạc hậu, thiếu vốn đầu tư, thiếu kết hợp giữa các trung tâm nghiên cứu và công ty xử lý, nguồn chất thải xử lý không ổn định.

Không những vậy, đại diện Tổng Công ty Cổ phần Xuất Nhập khẩu&Xây dựng Việt Nam (Vinaconex) cho biết công nghệ chôn lấp và xử lý rác truyền thống của chúng ta đang phát sinh nhiều vấn đề bất cập cần giải quyết, mà nghiêm trọng nhất là ô nhiễm nguồn nước, khí thải và tài nguyên đất.

Công nghệ đốt chất thải tái tạo năng lượng (Waste to Energy – WtE) vừa được giới thiệu tại Việt Nam sẽ giúp giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường, đồng thời cũng tạo ra nguồn điện năng cho quốc gia.

Công nghệ WtE xử lý triệt để các chất ô nhiễm trong chất thải rắn, đặc biệt hiệu quả với chất thải rắn công nghiệp và chất thải rắn nguy hại; tro xỉ thu được sau khi đốt, tùy thuộc vào công nghệ, giảm trung bình 80% trọng lượng và hơn 90% thể tích so với lượng chất thải ban đầu.

Nhiều ý kiến cho rằng việc áp dụng công nghệ WtE vào Việt Nam là rất cần thiết và sẽ mang lại nhiều lợi ích lâu dài cho sự phát triển bền vững của các đô thị tại Việt Nam, góp phần giải quyết vấn đề bức xúc của xã hội về xử lý rác thải không gây ô nhiễm môi trường.

Tuy nhiên, theo bà Chi, công nghệ này tốn kém do phải đầu tư vào hệ thống tận dụng nhiệt, nồi hơi, tua-bin và máy phát điện (thông thường trạm phát điện này có chi phí bằng 50% chi phí đầu tư cho lò đốt). Nhưng đây là phương pháp có hiệu quả kinh tế và môi trường do tái sử dụng được nguồn năng lượng.

Sử dụng công nghệ WtE sẽ tạo cơ hội việc làm cho xã hội từ các công đoạn thiết kế, xây dựng, lắp đặt, vận hành; tạo nguồn cung cấp năng lượng, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia; giảm mối nguy hiểm đến sức khỏe của cộng đồng từ tác động tiêu cực của bãi rác gây ra.

Ngoài ra, công nghệ này sẽ đem lại cơ hội tiếp cận những công nghệ mới tiên tiến của thế giới, góp phần đào tạo nguồn nhân lực chuyển giao  công nghệ môi trường trong tương lai.

So với công nghệ chôn lấp thông thường, công nghệ đốt rác giảm phát thải khí nhà kính. Do biện pháp chôn lấp phát sinh ra khí CH4 có mức độ làm nóng lên toàn cầu gấp 21 lần so với CO2.


 Toàn thế giới có 2100 lò đốt, trong đó có 1000 lò đốt phát điện, phân bổ như sau: Âu Châu 38%, Nhật 24%, Mỹ 19%, Đông Á 15%, Các nước còn lại 4%


Nguồn tin:http://www.vea.gov.vn