Tin tức

Đánh thức tiềm năng năng lượng tái tạo ? 11/11/2011

0
Trong khi các nguồn năng lượng truyền thống như than đá, dầu mỏ đang dần cạn kiệt, giá thành cao, nguồn cung không ổn định, nhiều nguồn năng lượng tái tạo đang được các nhà khoa học đặc biệt quan tâm. Ứng dụng các nguồn năng lượng tái tạo là xu hướng tất yếu của thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng.

Với điều kiện thiên nhiên và thổ nhưỡng, Việt Nam được đánh giá là quốc gia không chỉ phong phú về nguồn năng lượng hóa thạch mà còn rất tiềm năng nguồn năng lượng tái tạo (NLTT).

Theo thống kê của Bộ Công Thương, hiện Việt Nam có 7 dạng NLTT có tiềm năng khai thác, là năng lượng gió, năng lượng mặt trời, thủy điện nhỏ, rác thải, khí sinh học, năng lượng địa nhiệt. Năng lượng gió và năng lượng mặt trời là hai nguồn NLTT có tiềm năng lớn nhất.

Việt Nam có thuận lợi cơ bản để phát triển năng lượng gió. So sánh tốc độ gió trung bình trong vùng Biển Đông Việt Nam và các vùng biển lân cận cho thấy gió tại Biển Đông khá mạnh và thay đổi nhiều theo mùa .



Điện gió tại Bình Thuận

Theo khảo sát của Ngân hàng Thế giới trong chương trình đánh giá năng lượng cho châu Á, Việt Nam có tiềm năng gió lớn nhất và hơn hẳn các quốc gia lân cận là Thái Lan, Lào và Campuchia, với 8,6% diện tích lãnh thổ được đánh giá có tiềm năng xây dựng các trạm điện gió cỡ lớn. Tổng tiềm năng điện gió của Việt Nam ước đạt 513.360 MW tức là bằng hơn 200 lần công suất của thủy điện Sơn La và hơn 10 lần tổng công suất dự báo của ngành điện vào năm 2020.

Nếu xét tiêu chuẩn để xây dựng các trạm điện gió cỡ nhỏ phục vụ cho phát triển kinh tế ở những khu vực khó khăn thì Việt Nam có đến 41% diện tích nông thôn có thể phát triển điện gió loại nhỏ. Nếu so sánh con số này với các nước láng giềng thì Campuchia có 6%, Lào có 13% và Thái Lan là 9% diện tích nông thôn có thể phát triển năng lượng gió.

Theo Bộ Công Thương, hiện nay cả nước có 21 dự án điện gió đang trong giai đoạn nghiên cứu triển khai tại các tỉnh Bình Thuận, Ninh Thuận, Lâm Đồng. Riêng tại Bình Thuận có đến 12 dự án điện gió được cấp phép đầu tư. Tuy nhiên, việc đầu tư dự án điện gió tại Việt Nam còn vướng các khó khăn như giá bán điện gió chưa rõ ràng, suất đầu tư cao, khó thu hồi vốn … Ngoài ra, cơ chế hỗ trợ phát triển điện gió sẽ tập trung vào việc quy định trách nhiệm mua điện đối với các dự án điện gió, ưu đãi về hạ tầng, hỗ trợ giá điện đối với các dự án điện gió …

GS.TSKH. Nguyễn Tiến Khiêm, nguyên Viện trưởng Viện Cơ học, Viện Khoa học Công nghệ Việt Nam đánh giá, trong tất cả các nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng mặt trời là phong phú và ít biến đổi nhất trong thời kỳ biến đổi khí hậu hiện nay.  Đặc biệt là ở các vùng phía Nam, số giờ nắng khoảng 1.600-2.600 giờ/năm. Nước ta đã phát triển nguồn năng lượng điện mặt trời từ những năm 1960, tới nay hoàn toàn làm chủ công nghệ điện mặt trời. Tuy nhiên, dù có nguồn tài nguyên năng lượng mặt trời lớn nhưng sau một thời gian phát triển, việc khai thác nguồn năng lượng này chưa hiệu quả.

Sở dĩ, năng lượng mặt trời chưa phát triển ở Việt Nam là do chi phí thiết bị còn khá cao, khoảng 20.000USD/gia đình. Công nghệ thiết kế, lắp ráp, vận hành và bảo trì tương đối phức tạp. Đến nay, cả nước có khoảng 5.000 hộ sử dụng điện mặt trời. Nhưng điều đáng quan tâm là kinh phí lắp đặt mạng lưới điện mặt trời của 5.000 hộ này phần lớn là do nước ngoài tài trợ.

Theo TS. Dương Duy Hoạt, Cố vấn Viện trưởng Viện Khoa học năng lượng, đã đến lúc phải có chiến lược năng lượng mới, giảm dần sự phụ thuộc vào các nguồn điện lệ thuộc vào thời tiết như thủy điện, theo hướng cắt giảm dần tỷ trọng dự án thủy điện nhỏ, công suất vừa không lớn, vừa cày nát môi trường nhiều khu vực. Nhưng để phát triển được, phải có cơ chế riêng, thậm chí luật hóa thành Luật Năng lượng tái tạo, thì mới hy vọng có bước nhảy vọt.

Nguồn tin:http://www.monre.gov.vn