Tin tức

Lấy nước ngọt từ băng tan - tại sao không ? 19/10/2011

0
Có thể tận dụng băng trôi do nóng lên toàn cầu để giải quyết vấn đề khủng hoảng nước ngọt do biến đổi khí hậu ? Ý tưởng này đã từng manh nha từ cách đây 40 năm và có thể là một giải pháp cho các quốc gia khan hiếm nước ngọt.

Băng đang tan nhanh

Theo các nhà nghiên cứu, vùng Bắc Cực nóng lên nhanh gấp 2 lần mức nóng trung bình trên toàn cầu. Diện tích của Biển Bắc Cực được bao phủ bởi băng trong mỗi mùa hè đang thu nhỏ lại. Tính từ năm 1980 đến nay, vùng Bắc Âu đã mất khoảng 20-30% lượng băng trên biển.

Theo dõi những thay đổi tại 270 núi băng lớn nhất giữa Chile và Argentina kể từ "kỷ băng hà nhỏ", các nhà khoa học Thụy Sĩ cũng cho thấy, những núi băng đã giảm khối lượng nhanh gấp từ "10 tới 100 lần" trong vòng 30 năm qua. Sự tan chảy mau chóng này có đóng góp vào mực nước biển toàn cầu. Ở Châu Âu, 8/9 khu vực phủ băng đã bị thu hẹp trông thấy. Ở Trung Quốc, Viện Hàn lâm khoa học Trung Quốc cho rằng, có đến 7% các sông băng trên toàn nước này bị biến mất hằng năm và đến năm 2050, sẽ có đến 64% sông băng của Trung Quốc biến mất. Ước tính hiện có khoảng 300 triệu dân sống ở miền Tây khô cằn và phụ thuộc vào nguồn nước từ các sông băng để duy trì cuộc sống của họ.


Photo: RIA Novosti

Trong vòng 100 năm qua, mực nước biển trên phạm vi toàn cầu đã tăng từ 1-2mm mỗi năm. Kể từ năm 1992, tỷ lệ này khoảng 3mm/năm. Mực nước biển tăng, cư dân sống ở các đảo thấp và các thành phố ven biển phải đối mặt với tình trạng ngập lụt.
Sinh cảnh biển và sinh kế của những người dân sống phụ thuộc vào biển cũng bị đe dọa. Đại dương hấp thụ khoảng gần một nửa lượng CO2 phát thải ra trong 200 năm qua, tạo ra axit carbonic và làm giảm độ pH của nước biển ở bề mặt. Điều này có thể ảnh hưởng đến quá trình canxi hóa mà nhờ vào quá trình này, các loài động vật như san hô và động vật thân mềm có thể tạo nên vỏ hoặc cấu trúc thân của chúng từ carbonate canxi.
 
66% nước ngọt trái đất nằm ở băng

11% mặt đất, tương đương với 23 triệu km2, được bao phủ bởi băng. 90% băng nằm ở Nam Cực, chính là 66% lượng nước ngọt trên trái đất. Một tảng băng trôi nhỏ với chiều dài khoảng 30 m, rộng 20 m và cao 200 m có thể cung cấp tới 180 triệu lít nước, đủ để cung cấp nước cho một thành phố công nghiệp trong 1 ngày. Trong khi đó, hàng năm, có tới 1.700 km3 băng của Nam Cực bị gãy và trở thành những tảng băng trôi. Trong khoảng chiều dài cách Nam Cực 200 km, có tới 15 đến 20 tảng băng trôi, mỗi tảng băng có bề mặt tới 100 km2.

Đó chính là lý do khiến nhiều người nghĩ đến chuyện lấy băng làm nước ngọt. Từ thập niên 1970, Al Faisal, cháu trai của vua Khalid (Ả Rập) đã cùng hợp tác với kiến trúc sư người Pháp Georges Mougin thành lập một công ty chuyên sản xuất, kinh doanh nước uống từ băng. Tuy nhiên, sự liều lĩnh của vị hoàng thân thời đó đã sớm thất bại. Sau đó hơn 30 năm, bắt đầu từ năm 2003, kiến trúc sư Georges Mougin tiếp tục theo đuổi niềm đam mê của mình, khôi phục lại ý tưởng trước đây chưa thực hiện được với sự trợ giúp của mô hình máy tính từ Công ty Dassault Systemes (Pháp).

Kết quả mô phỏng trên máy tính cho thấy, chỉ cần một chiếc tàu kéo có thể thực hiện được quãng đường nói trên trong vòng khoảng 140 ngày, kéo theo tảng băng nặng cỡ 7 triệu tấn, đủ để đáp ứng nhu cầu sử dụng nước sạch hàng năm cho hơn 35.000 người. Để tránh rủi ro do sóng lớn, nhà kiến trúc Mougin sử dụng một tấm chắn cao 12 m để bảo vệ tảng băng tránh khỏi sự ăn mòn của nước biển.
Dự kiến chương trình có trị giá lên tới 11,5 triệu USD (tương đương 8 triệu EURO), một tảng băng sẽ được kéo từ Greenland tới quần đảo Canary, ngoài khơi bờ biển phía Tây Bắc châu Phi. Việc thử nghiệm trên thực tế sẽ được tiến hành vào năm 2012 hoặc năm 2013. Mougin hiện đang hướng đến một số tảng băng tại Greenland và rất nhiều tảng băng khác tại Nam Cực.
 

Nguồn tin:http://www.monre.gov.vn