Tin tức

Dự báo viễn cảnh động đất gây tiếng nổ ở Quảng Nam 20/12/2011

0
"Nếu khối xâm nhập nông á núi lửa có hoạt động trở lại cũng chỉ gây động đất và những tiếng nổ dưới lòng đất như đợt cuối năm 2011. Do đó cư dân Trà My không nên bỏ đất đi nơi khác."


LTS: Bài viết của TS Lê Huy Y (Liên hiệp KH Địa chất và Du lịch - Tổng hội Địa chất Việt Nam) gửi cho Bee về dự báo viễn cảnh động đất và nổ dưới lòng đất ở Trà My, Quảng Nam.

Sau khi tổng hợp tài liệu địa vật lý hàng không của hải quân Mỹ tiến hành vào những năm 60, của Liên đoàn Vật lý – Địa chất ( thuộc Tổng cục địa chất) tiến hành bay, đo vào những năm 80 của thiên niên kỷ trước và kết quả kiểm tra mặt đất các dị thường địa vật lý hàng không vùng Sông Tranh vào năm 1987 của riêng cá nhân, kết hợp với những quan niệm mới về đứt gẫy, động đất, núi lửa rút ra từ hơn 20 năm tìm được hơn 130 giếng khoan nước ngầm cho Trung du và miền núi,  chúng tôi xin đưa ra giả thiết về nguồn gốc và dự báo viễn cảnh của hiện tượng động đất – nổ ngầm ở vùng thủy điện Sông Tranh 2 để các nhà khoa học và quản lý tham khảo.


Những vết nứt dài đến hàng chục mét, những cái hố sâu hoắm đang khoét sâu vào bờ trái thân đập chính công trình thủy điện Sông Tranh 2.

1. Dấu hiệu địa vật lý

Theo bản đồ từ hàng không của hải quân Mỹ tỷ lệ 1/1.000.000, thung lũng sông Tranh thuộc huyện Bắc Trà My và vùng phụ cận có một dị thường trường từ toàn phần T đạt hơn 100 nT, từ hóa nghiêng theo phương Bắc Nam, kéo dài theo phương á vĩ tuyến 40 – 50 Km và rộng 10 – 15 Km.

Bản chất của dị thường này được chúng tôi cho là do khối xâm nhập nông á núi lửa thành phần bazơ – kiềm, có tuổi cỡ Paleogen – vài chục triệu năm trở lại đây.

Trong bài: “ Dự báo các chấn tâm động đất của Việt Nam” – Báo SGTT 25/3/2011 và nhiều báo khác, chúng tôi đã dự báo nhiều chấn tâm động đất ở Việt Nam, trong đó có chấn tâm động đất trên huyện Trà My tại tờ bản đồ : “ Bản đồ các chấn tâm động đất phần miền Nam”. Chấn tâm này có tọa độ: 150 19’ 05”  Vĩ độ Bắc và 108015’05” Kinh độ Đông.

Tọa độ này rất phù hợp với hiện tại ở chỗ: tâm chấn động đất nằm ở phía Tây Bắc xã Trà Giáp và Đông Nam thị trấn Trà My. Rất may, chấn tâm này nằm cách đập thủy điện Sông Tranh 2 về phía phía Đông – Đông Nam (hạ lưu đập) hơn chục Km.

2. Các dấu hiệu địa chất, địa chất thủy văn

Năm 1987, trong khi tiến hành kiểm tra mặt đất các dị thường địa vật lý máy bay vùng sông Tranh – Hiệp Đức do Liên đoàn Vật lý địa chất tiến hành theo Quyết định của Tổng cục Địa chất, chúng tôi đã phát hiện được nhiều đứt gẫy địa chất (nhiều chục đứt gẫy) và dấu vết của các họng núi lửa cổ với nham thạch và khoáng sản liên quan như dăm, cuội dung nham chứa vàng bị phong hóa tại chỗ.

Sự xuất lộ nước nóng ở Nước Vin - Trà Giáp đã chứng minh cho sự hoạt động của núi lửa (có thể là phun nghẹn dưới sâu) ở vùng này chưa lâu lắm. Dễ dàng công nhận rằng: nước nóng có nguồn gốc sâu, liên quan trực tiếp với núi lửa, hoặc bị nung nóng bởi núi lửa.

Trong khu vực thị trấn Trà My và vùng phụ cận, đã và sẽ tìm được nhiều điểm đá ong (sản phẩm phong hóa tại chỗ của dăm, cuội dung nham núi lửa trong điều kiện khô nóng).

Cư dân vùng Sông Tranh đã từng và đang khai thác vàng sa khoáng sông. Vàng và những kim loại sulfua đa kim có nguồn gốc liên quan với các hoạt động của các khối xâm nhập nông á núi lửa trẻ.

Vết sụt do động đất ở vai đập Sông Tranh 2 ( Ảnh của Trần Trí) lộ ra lát cắt địa chất giống lát cắt của một họng núi lửa cổ: trên mặt là laterit ( đá ong), xuống dưới là set-kaolin màu xám nâu, xám trắng chứa dăm cuội, sỏi nhiều thành phần. Nếu đãi sẽ thấy quặng sulfua- đa kim. Tầng đất này có dạng phễu, sâu hàng trăm mét, dễ sập lở khi bị chấn rung. Đây là điểm không an toàn cho đập thủy điện, cần phải xử lý, thậm chí phải đắp đập khác

Những dấu hiệu địa chất nêu trên chứng tỏ Khối xâm nhập nông á núi lửa vùng sông Tranh 2 đã từng hoạt động từ nhiều trăm năm (thậm trí nhiều triệu năm trước) gây động đất, đứt gẫy, núi lửa và sinh khoáng vàng – sulfua đa kim, nước nóng.

3. Lý giải  những tiếng nổ kèm động đất ở Trà My và những nơi khác

Theo chúng tôi, những khu vực xảy ra động đất, có thể kèm theo tiếng nổ, luôn trùng với sự có mặt của các khối xâm nhập nông á núi lửa trẻ ở dưới sâu.  Các khối này được ghi nhận bởi từ hàng không rất rõ nét (Cao Bằng, Thanh Hóa, Nghệ An, Ninh Thuận, Trà My, …). Theo phản ánh của trường địa từ thì các khối macma này có tuổi từ vài chục triệu năm trở lại đây.

Trong lịch sử phát triển đó, chúng đã tái hoạt động nhiều lần, làm nảy sinh nhiều đứt gẫy kiến tạo, các trận động đất và núi lửa phun trào. Sự hoạt động đó kết hợp với sự vận động của nước ngầm, nước mưa đã tạo thành các hang động karst dưới sâu, các đới dập vỡ chứa bùn nhão và nước ngầm.

Đợt hoạt động mới nhất của các khối xâm nhập nông á núi lửa này đã tạo áp suất đẩy các dòng dung nham lên theo các giao tuyến của các đứt gẫy (chủ yếu là giao tuyến của 4 đứt gẫy) kiểu núi lửa phun nghẹn. Do nhiệt độ cao và áp suất lớn nên khi cột dung nham núi lửa ngầm này gặp các hang, hốc, đới dập vỡ chứa nước ngầm sẽ phát sinh tiếng nổ lớn và động đất (Giống hiện tượng đổ cả thùng lớn gang đang nóng chảy xuống ao nước sâu).

4. Dự báo viễn cảnh động đất và những tiếng nổ dưới lòng đất Trà My

Có thể suy đoán rằng: nhờ gặp các hang hốc dưới sâu, một phần năng lượng của khối xâm nhập nông á núi lửa thành phần bazơ kiềm đã được giải phóng nên đợt hoạt động này khu vực Trà My sẽ không có núi lửa phun lên mặt đất.

Phải cần một thời gian dài nữa (có thể hàng chục, hàng trăm hoặc hàng nghìn năm, …) để tích lũy năng lượng, các khối xâm nhập nông á núi lửa này mới hoạt động trở lại. Khi đó khu vực này mới phát sinh tiếng nổ và động đất.

Có thể hy vọng sẽ không có núi lửa phun lên mặt đất ở khu vực Sông Tranh nữa, bởi vì các hang động dưới sâu lòng đất Trà My đã được mở rộng hơn sau đợt rung chấn này. Vì vậy, nếu khối xâm nhập nông á núi lửa có hoạt động trở lại cũng chỉ gây động đất và những tiếng nổ dưới lòng đất như đợt cuối năm 2011. Do đó cư dân Trà My không nên bỏ đất đi nơi khác.

Tuy vậy, vẫn xin đề nghị kiểm tra lại đập Sông Tranh 2 cả về địa chất và xây dựng. Theo miêu tả về hiện tượng động đất của dân và bảng phân thang động đất MSK-64  thì động đất ở Trà My vừa qua không thể xếp dưới cấp 6.

Lê Huy Y
(Liên hiệp KH Địa chất và Du lịch - Tổng hội Địa chất Việt Nam)

Nguồn tin:http://bee.net.vn/