Tin tức

Xây dựng Thành Phố Đà Nẵng ngang tầm các thành phố phát triển của khu vực Asean & Châu Á 09/04/2013

0
Giải pháp đột phá xây dựng hạ tầng và phát triển dịch vụ CNTT - TT, TS. Hoàng Lê Minh Viện trưởng Viện Công nghiệp phần mềm và nội dung số Việt Nam Bộ Thông tin và Truyền thông



Vai trò nền tảng của CNTT-TT

Công nghệ thông tin và Truyền thông (CNTT-TT) là một lĩnh vực hết sức  quan trọng, giống như giao thông - vận tải, xây dựng - kiến trúc,... đang đóng vai trò nền tảng hạ tầng tạo ra các công cụ và tiện ích để phát triển các ngành công nghiệp và xây dựng theo hướng hiện đại như công nghiệp thiết kế, chế tạo, thử nghiệm vật liệu và năng lượng mới, công nghệ sinh học và môi trường, phát triển các ngành dịch vụ, nhất là các dịch vụ có giá trị cao, tiềm năng lớn như tài chính - ngân hàng, y tế - chăm sóc sức khoẻ, giải trí và du lịch, tạo ra sức mạnh cạnh tranh của từng địa phương, từng khu vực và mọi quốc gia.

Thành phố Đà nẵng đang có định hướng phát triển ngang tầm với các thành phố phát triển trong khu vực ASEAN và Châu Á thì không thể không xây dựng cho mình một chiến lược phát triển CNTT-TT mang tính đột phá, dựa trên các thế mạnh đã, đang và sẽ xuất hiện tại địa phương.

Hạ tầng và dịch vụ CNTT-TT phải là thế mạnh mới của Đà Nẵng.


Trong các yếu tố tạo ra sức mạnh có liên quan tới CNTT-TT, hạ tầng mạng trao đổi thông tin và các dịch vụ giá trị gia tăng trên mạng đóng vai trò quan trọng hàng đầu. Trong những năm qua, hạ tầng mạng trao đổi thông tin của Việt Nam nói chung và tại TP. Đà nẵng nói riêng đã có nhiều tiến bộ vượt bậc, với việc phủ sóng hần khắc của mạng viễn thông di động (3G) và mạng lưới cáp quang, cáp đồng, điện thoại kết nối các cơ quan, tổ chức doanh nghiệp bên trong thành phố, vươn tới các vùng ngoại thành, vùng núi, hải đảo. Tuy vậy nhu cầu về kết nối mạng mọi lúc, mọi nơi, mọi hoàn cảnh và mọi thời tiết vẫn chưa thể được thỏa mãn, vì các lý do sau:

1. Chi phí đầu tư và duy trì mạng lưới của các doanh nghiệp viễn thông hiện đang rất lớn; công nghệ mạng băng rộng đang có nhiều tiến bộ và thay đổi mạnh, việc không thể sử dụng chung hạ tầng mạng của các doanh nghiệp dẫn tới việc khai thác hạ tầng mạng sẵn có ngày càng thiếu hiệu quả; triển khai hạ tầng mạng cáp viễn thông trong khu vực nội ô mà không ngầm hóa sẽ làm mất mỹ quan đô thị; việc phân chia chi phí và lợi nhuận giữa các nhà cung cấp hạ tầng và cung cấp nội dung chưa hợp lý dẫn tới việc hạn chế phát triển các dịch vụ thông tin và giá trị gia tăng trên mạng. Tình trạng ngẽn mạng thông tin, tốc độ truyền dữ liệu chậm và không đồng bộ hạn chế sự phát triển của các dịch vụ truyền thông đa phương tiện (VoIP, Video Conferencing, IPTV …) trên mạng máy tính; chi phí đường truyển và dịch vụ tuy đã giảm mạnh trong nhiều năm qua nhưng vẫn còn khá cao (nhất là dịch vụ 3G) vẫn là rào cản phát triển các ứng dụng CNTT trên mạng.

2. Với kiến trúc hỗn hợp của nhiều mạng lưới (mạng Internet, mạng 3G, leased-line, MetroNet ...), do nhiều doanh nghiệp hạ tầng quản lý và cung cấp (VNPT, VietTel, FPT, EVN Telecom, truyền hình cable), chính quyền Thành phố Đà nẵng rất khó có thể thống nhất về mô hình ứng dụng và cung cấp các dịch vụ giá trị gia tăng (dịch vụ công) trên mạng cho người dân và doanh nghiệp của Thành phố một cách thuận tiện, an toàn, với chi phí rẻ (thí dụ các dịch vụ quản lý giao thông nội đô, dịch vụ đọc và ghi số điện nước, cấp cứu, giám sát an ninh, bảo vệ môi trường, chăm sóc sức khỏe và học tập từ xa v.v...).

3. Nếu chỉ dựa vào hiện trạng phân tán về quản lý và yếu kém trong quy hoạch phát triển hạ tầng mạng đô thị, vùng sâu, vùng xa, miền núi và hải đảo, Thành phố Đà nẵng sẽ không thể theo kịp nhiều thành phố trong khu vựa đã và đang có kế hoạch xây dựng thành phố kết nối mạng không dây (wireless city), mạng mọi lúc mọi nơi (ubiquitous network). Điều này sẽ hạn chế sự phát triển của CNTT-TT và các dịch vụ giá trị gia tăng sử dụng hạ tầng mạng CNTT-TT.

4. Xu thế chính trong phát triển CNTT-TT hiện nay là ứng dụng các công nghệ điện toán đám mây (Cloud Computing), ứng dụng hạ tầng mạng máy tính không dây để truy cập các dịch vụ đám mây mọi lúc, mọi nơi. Nếu sớm có định hướng và chủ động trong quy hoạch phát triển hạ tầng mạng máy tính không dây và các dịch vụ điện toán đám mây, chúng tôi tin tưởng rằng Đà nẵng sẽ có một cơ hội vàng để trở thành một trong các thành phố dẫn đầu về ứng dụng CNTT-TT để phát triển các lĩnh vực kinh tế - xã hội không những trong cả nước, mà còn có thể xuất khẩu nhiều dịch vụ liên quan tới CNTT-TT (là một thế mạnh mới của Đà nẵng trên nền tảng hạ tầng mạng thông tin máy tính không dây có thể kết nối thông thoáng, mọi lúc, mọi nơi).

Tính khả thi và thời điểm để triển khai các giải pháp đột phá CNTT-TT.

Trong phát biểu tại Hội thảo, chúng tôi xin tập trung đề xuất hai nội dung quan trọng nhất với đầy đủ cơ sở lý luận và thực tiễn với UBND TP. Đà nẵng, các sở ngành thành phố là cần sớm có quy hoạch và định hướng phát triển lĩnh vực dịch vụ CNTT-TT tại Đà nẵng dựa trên các công nghệ điện toán đám mây (cloud comnputing) và phát triển hạ tầng CNTT-TT tại Đà nẵng dựa trên các công nghệ mạng máy tính không dây mắt lưới diện rộng (wireless mesh network).

Mô tả chi tiết lộ trình phát triển và các bước khảo sát về công nghệ, khảo sát thực tiễn đang được Viện Công nghiệp phần mềm và nội dung số Việt Nam trực thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông, một đơn vị hàng đầu về nghiên cứu - phát triển, làm chủ và chuyển giao các công nghệ lỗi, công nghệ nguồn từ nước ngoài và Việt Nam trong lĩnh vực CNTT-TT thực hiện, trong khuôn khổ hợp tác với các đối tác lớn của Nhật bản thực hiện dự án “Rồng thông minh Việt Nam” (Vietnam iDragon Project). Thông tin về dự án iDragon đang và sẽ được công bố trên Tạp chí chuyên ngành “Phần mềm và Nội dung số” do Viện chủ trì xuất bản. (Tạp chí mới được phát hành năm 2011 và cung cấp rộng rãi cho các đại biểu tham khảo).

Quy hoạch và định hướng phát triển hạ tầng và dịch vụ CNTT-TT tại Đà nẵng dựa trên hai điểm đột phát mang tính tiên phong về công nghệ và dịch vụ như đề xuất ở trên không đòi hỏi Thành phố phải có nhiều kinh phí đầu tư tại chỗ. Hai lĩnh vực nêu trên nếu được Thành phố quy hoạch và công bố sẽ là định hướng đúng nhất cho sự phát triển, mở ra con đường mới rộng thênh thang để thu hút các  nguồn vốn đầu tư trong và ngoài nước, vốn vay ưu đãi chính phủ (ODA) trong lĩnh vực CNTT-TT và chắc chắn sẽ tạo ra cú hích mạnh mẽ tới sự phát triển của các lĩnh vực kinh tế - xã hội khác tại Đà nẵng trong giai đoạn 5-10 năm tới.


Nguồn tin:Theo Hoàng Lê Minh Viện trưởng Viện Công nghiệp phần mềm và nội dung số Việt Nam Bộ Thông tin và Truyền thông