Tin tức

Những hiện tượng lạ do biến đổi khí hậu gây ra 07/12/2010

0
Biến đổi khí hậu là một trong những nguyên nhân tạo ra những hình thái khí hậu khắc nghiệt chưa từng có do các hiện tượng lạ dưới đây.

Nhiệt độ cao nhất trong lịch sử

Ngày 13/9/1922, tại vùng Al Aziziyah (Li Băng), kề cạnh sa mạc Sahara, người ta đã chứng kiến mức nhiệt độ trong không khí tăng tới 57,8OC (136OF). Ngoài sự kiện trên, con người đã từng chứng kiến nhiều kỷ lục khác về nhiệt độ và độ ẩm, theo đó khi nhiệt độ tăng thì độ ẩm lại hạ. Ví dụ, tháng 6/1967 tại vùng Abadan (Iran), nhiệt độ có hôm lên tới 87OC hoặc ở thung lũng Death Valley ở California (Mỹ) ngày 10/6/1913 nhiệt độ cao vọt tới 56,7OC.

Mức nhiệt độ tăng nhanh nhất

Vào lúc 7h30, sáng ngày 22/1/1943, tại vùng Spearfish, South Dakota (Mỹ) nhiệt độ ở đây là -20OC và nhờ một cơn gió thổi xuôi chiều, chỉ hai phút sau nhiệt độ tăng lên +7OC. Mức tăng tổng cộng 27OC này được xem là mức tăng nhiệt độ trong không khí nhanh nhất trong lịch sử con người. Hình thái khí hậu lạ kể trên còn diễn ra tiếp trong vòng 1 tiếng rưỡi nữa, đưa nhiệt độ giảm từ 12OC xuống còn -20OC, tổng mức giảm nhiệt độ dao động trong vòng 27 phút là 32OC.

Nhiệt độ lạnh nhất

Trạm Vostock Statin của Nga là một cơ sở nghiên cứu khoa học được đặt ở vùng cực lạnh Bắc cực. Những cực lạnh của Trái đất là những nơi có mức nhiệt độ thấp nhất và có rất nhiều điểm như vậy tại khu vực Bắc bán cầu, riêng Vostock được xem là địa danh lạnh nhất ở Bắc cực. Nhiệt độ trung bình ở đây vào mùa đông là -65OC và -30OC vào mùa hè. Riêng ngày 21/7/1983, nhiệt độ ở đây giảm xuống tới -89,2OC, là nơi lạnh nhất trên Trái đất nên không có sự sống bởi trong không khí không hề có độ ẩm, trong khi đó tốc độ gió là từ 11 - 60 dặm giờ (17,6 - 96 km/giờ), ngoài ra trong không khí còn thiếu ôxy và CO2.

Bông tuyết vĩ đại nhất

Ngày 28/1/1887, một người dân địa phương ở Fort Keogh Montane (Mỹ) đã phát hiện một bông tuyết cực lớn, có đường kính tới 38 cm, đây là hiện tượng hiếm gặp và đã được sách kỷ lục Guinness thế giới công nhận cho nội dung bông tuyết vĩ đại nhất từ xưa đến nay.

Kỷ lục tuyết rơi ở Bắc Mỹ

Từ ngày 1/7/1998 - 30/1/1999, tại vùng núi Mount Baker ở tiểu bang Washington lượng tuyết rơi đã đạt tới mức 29 m. Với kỷ lục trên Mount Baker đã được Ủy ban Giám sát khí hậu quốc gia Mỹ (NCEC) ghi nhận là địa danh có mức tuyết rơi lớn nhất. Một số kỷ lục trước có ngọn núi Mt Rainer tuyết rơi 27 m hồi năm 1971 và một số kỷ lục khác ở Seattle nhưng kỷ lục đạt mức 29 m như ở Mount Baker quả là hiếm.

Kỷ lục mưa suốt 24 giờ

Từ ngày 15-16/3/1952, tại vùng Cilaos ở đảo Island Reunion thuộc Pháp ở vùng biển Ấn Độ Dương, cách Mauritius 200 km về phía Tây Nam có mức độ mưa cực lớn tới 1.869,9 mm trong suốt 24 giờ liên tục. Hồi tháng 3/2007, đảo này còn lập kỷ lục khác về mức độ mưa suốt 72 giờ liền với lượng mưa là 3.929 mm.

Trận mưa đá lớn nhất

Ngày 22/6/2003, trong một trận mưa đá cực lớn diễn ra tại Nebraska (Mỹ), người dân ở đây đã phát hiện thấy cục đá khổng lồ và đem cất vào tủ lạnh, được NCEC xác nhận có kích thước đường kính 17,8 cm và chu vi lớn tới 47,6 cm. Trước kỷ lục trên, ngày 3/9/1970, tại Coffeyville, Kansas người ta cũng tìm thấy một cục đá lớn đường kính lớn tới 14,5 cm, chu vi 44,5 cm. Theo nghiên cứu của Ủy ban Khí quyển và Đại dương Mỹ thì những cơn mưa đá thường có tốc độ rơi rất lớn, khoảng 160 km/h, có sức tàn phá kinh khủng, hàng năm Mỹ thiệt hại ước khoảng 1 tỷ USD do mưa đá gây ra.

Cơn lốc có tốc độ cao nhất

Ngày 3/5/1999, cơn lốc xoáy được hình thành ở Oklahoma có tên gọi là DOW được xem là cơn lốc lớn nhất trong lịch sử nhân loại. Nó được hình thành vào lúc 19h, tốc độ di chuyển 512 km/h, vượt cả tốc độ của cơn lốc mạnh trước đó có tên là Red Rock hình thành ngày 26/4/1991, tốc độ chỉ có 460 km/h. Theo thang độ Fujita Scale có 5 bậc từ F0-F5 thì cơn lốc DOW nói trên được xếp vào diện “ngoại hạng” vượt ngưỡng F5 bởi tốc độ F5 tương đương 318 dặm/h (508 km/h) nên DOW có thể xếp ở mức F6, vì vậy nó có sức tàn phá rất lớn, hủy diệt toàn bộ những ngôi nhà trên đường nó đi qua.

Kỷ lục nhiều cơn lốc diễn ra trong thời gian ngắn

Từ ngày 3 đến 4/4/1974, trong thời gian 18h có 148 con lốc diễn ra tại 13 bang của Mỹ và ở bang Ontario của Canada. Sự kiện có một không hai này đã được dư luận gọi là Super Outbreak (siêu lốc), phá hủy một vùng đất rộng tới 1440 km2 trên đoạn đường dài 4.160 km mà những cơn lốc này đi qua, 24 trong số này được xếp lốc F4, 6 thuộc diện F5, số còn lại vượt trên F5. Sự kiện siêu bão nói trên xảy ra là do hệ thống áp lực cực thấp di chuyển qua lãnh thổ Mỹ gây tổn thất ước tính 3,5 tỷ USD, trên 300 người bị thiệt mạng và 5.484 người khác bị thương trong thời gian chưa đầy 18 giờ.

Khắc Nam

(Theo net/zz-6/2010)

Tạp chí môi trường số 7 năm 2010

Nguồn tin:http://www.vea.gov.vn