Tin tức

Tiềm năng công nghệ đốt rác ra năng lượng 04/07/2011

0
Các nhà khoa học cho rằng công nghệ đốt rác thải tạo năng lượng (WtE) sẽ là hướng xử lý tiềm năng và là công nghệ của tương lai khi mà các bãi rác ở các thành phố lớn của Việt Nam sắp hết chỗ chôn lấp.

Ông Nguyễn Trung Việt, Sở Tài nguyên&Môi trường TP. Hồ Chí Minh, cho biết bên cạnh việc sản xuất ra một khối lượng lớn sản phẩm phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu, Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, và Đà Nẵng cũng tiêu thụ một khối lượng khổng lồ các nguồn tài nguyên thiên nhiên và năng lượng, đồng thời thải vào môi trường một khối lượng tương ứng (hơn 2 triệu tấn/ngày) các loại chất thải (lỏng, khí và rắn), bao gồm cả chất thải không nguy hại và chất thải nguy hại, chất thải có thể tái chế và chất thải chưa có khả năng tái chế.

Một thực tế đáng lo ngại là đến năm 2012, Hà Nội có thể không còn chỗ đổ rác. Theo số liệu thống kê, tại Hà Nội, khối lượng rác tăng trung bình 15%/năm, với tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt hiện nay ước khoảng 5.000 tấn/ngày đêm. Với đà này, các bãi chứa rác của Hà Nội sắp đầy ứ và không còn năng lực để xử lý. Thành phố Hồ Chí Minh mỗi ngày có trên 7.000 tấn rác, một năm tiêu tốn trên 235 tỷ đồng để xử lý. Công nghệ chôn lấp và xử lý rác truyền thống của chúng ta đang phát sinh nhiều vấn đề bất cập cần giải quyết, mà nghiêm trọng nhất là ô nhiễm nguồn nước, khí thải và tài nguyên đất.

Theo ông Việt, hầu hết các loại chất thải công nghiệp và chất thải nguy hại đều được xử lý thiếu bền vững do nhiều lý do, như công nghệ lạc hậu, thiếu vốn đầu tư, thiếu kết hợp giữa các trung tâm nghiên cứu và công ty xử lý, nguồn chất thải xử lý không ổn định, …

Vì vậy công nghệ WtE được phía Đức giới thiệu tại hội thảo được coi như giải pháp giúp tiết kiệm chỗ chôn lấp, bảo vệ môi trường.

“Công nghệ này đòi hỏi đầu tư lớn, yêu cầu kỹ thuật cao, chi phí vận hành cao nhưng có nhiều ưu thê về xã hội và môi trường”, GS.TS Đặng Kim Chi, Chủ tịch Hội đồng Khoa học Kỹ thuật, Hội Bảo vệ Thiên nhiên Môi trường Việt Nam, cho biết tại hội thảo “Công nghệ đốt chất thải tái tạo năng lượng – Khả năng triển khai tại Việt Nam” ngày 30/6 tại Hà Nội.

"Công nghệ WtE là hướng xử lý tiềm năng và là công nghệ của tương lai đem lại nhiều lợi ích kinh tế - xã hội, góp phần tích cực vào việc cải thiện môi trường theo hướng xanh – sạch – đẹp", GS.TS Đặng Kim Chi nói, “Đầu tư cho công nghệ môi trường chính là đầu tư phát triển bền vững cho tương lai.

Nếu so sánh với giá thành sản xuất điện từ các loại hình sản xuất điện khác thì giá thành sản xuất điện từ rác thải có chi phí cao hơn rất nhiều. Vì vậy, để dự án đầu tư nhà máy đốt rác phát điện khả thi về mặt kinh tế thì cần phải có những chủ trương, chính sách khuyến khích về hỗ trợ đầu tư, vốn vay, thuế, giá bán điện…

Theo chủ trương của Chính phủ, đến năm 2010, Việt Nam sẽ phải hình thành một nền Công nghiệp Môi trường, phấn đấu giảm thiểu lượng rác chôn lấp xuống chỉ còn từ 10 đến 15% nhằm hạn chế tối đa tình trạng ô nhiễm môi trường, đồng thời tiết kiệm diện tích đất.


“Do đó, giải quyết bài toán về rác thải nên tập trung vào đầu tư cho công nghệ xử lý rác thì mới đảm bảo tầm nhìn lâu dài và có tính quy hoạch”, đại diện Tổng Công ty Cổ phần Xuất Nhập khẩu&Xây dựng Việt Nam (Vinaconex) cho biết.

Có thể thấy rác cũng là một loại tài nguyên và công nghệ WtE hoàn toàn có  thể được áp dụng, ông Việt nói.


 Nhìn ra các đô thị lớn của thế giới, việc áp dụng công nghệ WtE có xu thế ngày càng tăng và tỷ lệ áp dụng bãi chôn lấp hợp vệ sinh để xử lý rác thải ngày càng có xu hướng giảm.

Tại Mỹ có khoảng hơn 100 nhà máy WtE, Anh, Đức, Pháp với hơn 60 nhà máy ở mỗi nước. Tại Châu Á, đi đầu là Nhật Bản với hơn 80 nhà máy, Trung Quốc, Hàn Quốc với gần 20 nhà máy ở mỗi nước. Trong khối ASEAN, Singapore và Thái Lan cũng đều có khoảng 3 nhà máy WtE.

WtE là một công cụ giảm nhu cầu diện tích cho bãi chôn lấp rác. WtE tập trung vào các chất ô nhiễm nguy hại và loại bỏ các chất này khỏi chu trình sinh thái. Phần lớn các chất tồn dư của WtE đều có thể tái sử dụng. Các nhà máy WtE sử dụng chính nguồn năng lượng chứa trong rác. Các nhà máy WtE có thể thay thế các nguồn nhiên liệu khác, như than, dầu, khí. Do đó, các nhà máy WtE giảm lượng CO2 và góp phần lớn vào bảo vệ khí hậu toàn cầu.


Nguồn tin:http://www.vea.gov.vn