Tin tức

Thủy điện chưa hẳn là nguồn năng lượng xanh 27/04/2011

0
Theo con số thống kê chính thức của Ủy ban Quốc tế về các đập nước lớn (CIGB), hiện nay trên thế giới đã có 33.000 con đập lớn. Một số chuyên gia cho rằng con số thực tế có lẽ là 50.000 đập. Con số này có lẽ sẽ còn nhân đôi từ nay cho đến năm 2050, mà nguyên nhân chính là do tăng trưởng dân số và mật độ dân số cao tại các thành phố lớn kéo theo sự gia tăng nhu cầu về nước, để tưới tiêu và cung cấp nước cho các doanh nghiệp.

Tuy nhiên, chính sự gia tăng nhu cầu về điện mới thúc đẩy việc xây dựng các công trình cho nhiều tiện ích khác nhau. Để đáp ứng được nhu cầu này, theo CIGB, nếu không sử dụng năng lượng hóa thạch hay năng lượng hạt nhân, thì không có cách nào khác hơn là làm thủy điện. Năng lượng gió hay điện mặt trời vẫn còn nằm ngoài lề. Quỹ Bảo tồn Thiên nhiên Thế giới (WWF) ước tính, có khoảng từ 40 đến 80 triệu người sẽ bị di dời do các công trình xây đập.

Về phía các nhà quản lý, họ lập luận rằng việc xây dựng đập đem lại nhiều lợi ích kinh tế. Ngoài việc sản xuất điện, các đập nước còn giúp kiểm soát được dòng chảy, điều chỉnh lưu lượng nước, tránh hiện tượng lũ lụt hay hạn hán tại hạ nguồn, giúp phát triển nông nghiệp. Còn trên thượng nguồn, việc lưu trữ nước trong bể lớn sẽ giúp phát triển các ngành đánh cá hay du lịch…



Trên lý thuyết, thủy điện không thải khí gây hiệu quả nhà kính. Tuy nhiên, một vài nghiên cứu gần đây cho biết, do hiện tượng phân giải hệ thực bì trong bể chứa, một vài đập nước thải khí CO2 và nhất là khí CH4 (Methane), một loại khí có thể làm nóng trái đất ở mức cao gấp 25 lần so với khí CO2. Theo Viện Khoa học và Công nghệ Nước liên bang Thụy Sĩ, một nghiên cứu tại hồ Wohlen, gần Berne cho thấy, lượng khí CH4 thải ra mỗi năm là khoảng 150 tấn, tương đương với khí CO2 khi chạy 25 triệu km bằng xe hơi.

Theo WWF, hậu quả đầu tiên của việc xây đập là làm biến đổi hình dạng của dòng sông, ngăn chặn các bề mặt trầm tích gây ra hiện tượng xói mòn đất trầm trọng tại các vùng châu thổ ở hạ lưu. Cá sẽ trở nên ít hơn và đa dạng sinh học trở nên nghèo nàn hơn. Hơn nữa việc lưu trữ nước ngăn cản quá trình hòa tan các chất ô nhiễm trong nước và tạo điều kiện cho các loài xâm thực sinh sôi nảy nở.

Tại châu Âu, nhằm đạt được tình trạng sinh thái tốt từ đây cho đến năm 2015, khung chỉ đạo về nước gặp mâu thuẫn với mục tiêu phát triển năng lượng tái tạo, bao gồm cả thủy điện. Khó khăn lắm các nhà bảo vệ môi trường mới đạt được việc hủy bỏ những công trình nào gây hại cho đa dạng sinh thái.

Vì vậy, Hiệp hội quốc tế về thủy điện đã cho hiệu chỉnh lại "Nghị định thư về việc đánh giá tính bền vững của thủy điện" nhằm đảm bảo "sự cải thiện chung". Tuy nhiên, một quan chức của WWF nhận định rằng, người ta có thể đạt được một mức độ nào đó của tính bền vững, nhưng sẽ không bao giờ gạt bỏ hoàn toàn được mọi tác động. Do đó, các tổ chức phi chính phủ khuyến cáo, các chính phủ nên tìm kiếm các nguồn thay thế khác, và nhất là phải tiết kiệm năng lượng, trước khi đưa ra các dự án này.

Nguyễn Chiến

Nguồn tin:http://www.monre.gov.vn