Tin tức

Báo động tình trạng khan hiếm nguồn nước 21/01/2011

0
Các chuyên gia về nước trên thế giới cảnh báo, hiện cứ 3 người trên trái đất có một người sống trong tình trạng thiếu nước. Chính vì vậy, cần có sự thay đổi mạnh mẽ về cách thức quản lý nguồn nước đang ngày càng khan hiếm khi mà dân số thế giới dự kiến sẽ tăng thêm 2 - 3 tỷ người vào năm 2050

Dựa trên kết quả khảo sát về tình trạng nước sạch ở các nước công nghiệp phát triển, Quỹ bảo vệ động vật hoang dã (WWF) công bố báo cáo “Giàu về kinh tế nhưng nghèo về nước sạch” cảnh báo các nước giàu cần nhanh chóng thay đổi chính sách nếu không muốn đối mặt với một cuộc khủng hoảng về nước sạch như đã từng xảy ra ở các nước nghèo.


Thiếu nước người dân phải gạn dòng để lấy nước

Cần thay đổi chính sách quản lý nguồn nước

Theo báo cáo, tại châu Âu, tình trạng hạn hán xảy ra thường xuyên hơn ở các nước bên kia bờ Đại Tây Dương, trong khi tại các nước ở Địa Trung Hải, các nguồn nước tự nhiên đang trở nên cạn kiệt do sự bùng nổ của ngành du lịch và nông nghiệp trong khu vực. Trong khi đó, tình trạng ô nhiễm tại các cùng đầm lầy vì chất thải công nghiệp tại khu vực Đông Âu vẫn chưa được khắc phục. Ngoài các nước châu Phí, nhiều quốc gia đang rơi vào khủng hoảng nguồn nước như Australia, Trung Quốc, Ấn Độ. Tại Australia, lượng mưa hàng năm tiếp tục giảm sau khi đã giảm đột biến 15% trong những năm 70 của thế kỷ trước, khiến các mạch nước ngầm tự nhiên ở nước này bị cạn kiệt dần.

Bản báo cáo: “Nước cho cuộc sống: hiện thực hóa” của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cũng cho biết, từ nay đến năm 2015 trên thế giới sẽ có khoảng hai tỷ người cần cung cấp nước sạch và những điều kiện vệ sinh tối thiểu. Trong khi đó, nguồn nước trên thế giới ngày càng cạn kiệt. Liên Hợp Quốc đã phát động: “Thập kỷ nước cho cuộc sống” từ năm 2005-2015 nhằm kêu gọi các nước tăng cường quản lý và sử dụng hiệu quả các nguồn nước ngày càng trở nên khan hiếm. Các nước thành viên Liên Hợp Quốc cam kết đạt mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ là giảm một nửa tỷ lệ dân số thiếu nước sạch và điều kiện vệ sinh cơ bản vào năm 2015.

Theo Viện quản lý nguồn nước quốc tế (IWMI), con người chiếm tới 98% nguyên nhân gây ra tình trạng khan hiếm nước, trong đó có việc sử dụng nước lãng phí và kém hiệu quả. Nông nghiệp hiện chiếm tới 78% lượng nước tiêu thụ, công nghiệp chiếm 18%, nước cho sinh hoạt chỉ có 8%.

IWMI kêu gọi các nước chú trọng phát triển hệ thống tưới tiêu, tăng cường sử dụng nước mưa cho nông nghiệp. Chính phủ cần có sự thay đổi nhanh chóng trong chính sách quản lý nguồn nước để khai thác tốt nguồn nước sẵn có, không hủy hoại môi trường, bảo đảm cuộc sống cho các thế hệ trong tương lai. Để giải quyết cuộc khủng hoảng nước sạch, báo cáo đề ra các giải pháp: bảo quản các nguồn dự trữ nước và các vùng đầm lầy, cần bẵng giữa bảo vệ và sử dụng nguồn nước, thay đổi nhận thức của người dân đối với việc bảo vệ nguồn nước, sử dụng hệ thống dẫn nước quá cũ, tăng phí sử dụng nước đối với nông dân, giảm tình trạng ô nhiễm nước và tập trung nghiên cứu, cải tiến hệ thống cung cấp nước, trong đối biện pháp hữu hiệu là bảo vệ nguồn nước tự nhiên.

Khan hiếm nước gây hậu quả về kinh tế

Một tổ chức môi trường có uy tín đã xây dựng bản đồ thể hiện thực trạng khan hiếm nước ngày càng gay gắt trên toàn thế giới. Bản đồ này biểu thị hai loại khan hiếm nước chính: sự khan hiếm nước tự nhiên và khan hiếm nước về kinh tế. Báo cáo đánh giá tổng quan về quản lý nước trong nông nghiệp do tổ chức IWMI chuẩn bị nói rằng một phần ba dân số trên thế giới phải đối mặt với tình trạng khan hiếm nước ở mức độ nào đó.

Tổ chức IWMI cho biết, có một xu hướng đáng báo động là tình trang khan hiếm nước do con người gây ra, thậm chí ở những nơi có nguồn nước dồi dào. Nguyên nhân chủ yếu là do việc sử dụng nước quá mức. Sản xuất nông nghiệp sử dụng một lượng nước nhiều gấp 70 lần so với nhu cầu nước để yống và các nhu cầu khác như nấu ăn, giặt giũ và tắm rửa. Kết quả là các con sông bị cạn kiệt và ô nhiễm, lượng nước ngầm giảm và tình trạng bất công trong phân phối nước. Ai Cập nhập khẩu hơn một nửa nhu cầu lương thực cần thiết vì nước này không có đủ nước để sản xuất lương thực trong nước. Australia bị khan hiếm nước ở vùng châu thổ Murray – Darling vì đã chuyển một lượng lớn nước ở đây sang phục vụ nông nghiệp.

Châu Á đang đứng trước hiểm họa khan hiếm nguồn nước do tốc độ đô thị hóa, dân số tăng nhanh và phát triển không bền vững. Theo các nhà khaa học, Trái đất nóng lên làm tan nhanh các dòng sông băng mang nước đến cho 8 con sông cung cấp nước chủ yếu cho các quốc gia châu Á, trong đó có sông Trường Giang, Hoàng Hà, Mêkông, sông Hằng. Diện tích các dòng sông băng này bị thu hẹp 6.600km2 trong vòng 40 năm qua. Hiện tượng này đang đe dọa sự cân bằng nguồn cung cấp nước. Trong vài thập kỷ tới, các dòng sông lớn ở châu Á sẽ nhanh chóng cạn kiệt do không được bổ sung nước. Nguồn nước của châu Phi cũng bị ô nhiễm ở mức báo động. Hiên nay, sông Nil của châu Phi, con sông dài nhất thế giới với 6.650km, đang phải đối mặt với vấn đề ô nhiễm do 35 nhà máy ven sông thải ra 125 triệm m3 rác công nghiệp mỗi năm. Ước tính chỉ 7% người dân Eriteria được tiếp cận nước sạch, con số này là 10% ở Niger và 24% ở Mozambique. Tình trạng ô nhiễm nguồn nước ở châu lục này đi đôi với đói nghèo và nạn sa mạc hóa.

Ông Frank Rijsberman, Giám đốc Viện IWMI cho biết, 1/4 dân số thế giới sống ở lưu vực các con sông nới khan hiếm nước tự nhiên. Một tỷ người khác sống ở lưu vực các con sông nơi khan hiếm nước về mặt kinh tế. Theo ông, kết quả là nhiều người trên thế giới phụ thuộc vào các sông, hồ và các vùng đầm lầy, có nguy cơ lâm vào tình trạng nghèo đói. Tổng lượng nước sử dụng cho sản xuất nông nghiệp mỗi năm có thể tăng từ 7.200 km3 đến khoảng 13.500 km3 vào năm 2050.

Mỗi năm, hàng triệu người trên thế giới cần được cung cấp nước sạch và những điều kiện vệ sinh tối thiểu với chi phí lên tới 11.3 tỷ USD. Việc đầu tư vào lĩnh vực này sẽ giúp giảm tỷ lệ bệnh tật, đồng thời thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Theo WHO và Quỹ Nhi đồng LHQ (UNICEF), nếu mục tiêu giảm một nửa dân số thiếu nước sạch và điều kiện vệ sinh tối thiểu được hoàn thành vào đúng năm 2015, mỗi năm nền kinh tế thế giới sẽ được bổ sung thêm 84 tỷ USD.

Lê Anh Đức (Viện Chiến lược – Bộ KH&ĐT)

Nguồn tin:http://www.vfej.vn