Tin tức

Quy hoạch thủy lợi vùng đồng bằng sông Hồng trong điều kiện BĐKH: Mấu chốt là phải bảo đảm an ninh dòng chảy 27/12/2010

0
Thiếu nước trầm trọng từ thượng nguồn, sự khô hạn do BĐKH đang đe dọa nghiêm trọng các hồ thủy điện của Việt Nam.

Các dòng chảy cạn kiệt – nguy cơ mặn xâm nhập

Một Nghiên cứu mới đây về Quy hoạch thủy lợi vùng đồng bằng sông Hồng trong điều kiện BĐKH cho thấy, tại lưu vực sông Hồng và sông Thái Bình trong 2 thập niên qua đã có những thay đổi rất lớn do: Đã xây dựng nhiều công trình thủy lợi, thủy điện trên hầu hết các sông đầu nguồn. Các hồ thủy điện đã giữ phần lớn nguồn nước lũ với dòng phù sa tự nhiên lại để xả về hạ lưu dòng chảy  có chất lượng hoàn toàn thay đổi so với trước. Chính dòng chảy mới, thay đổi lớn về chế độ, lưu lượng, chất lượng đã biến sông Hồng không còn là sông tự nhiên nữa. Sự biến đổi đã tạo ra một môi trường mới làm biến đổi các dòng chảy mà cả ngành thủy lợi và môi trường cũng chưa xác định được nó ảnh hưởng đến mức nào. Bên cạnh đó, lưu vực sông Hồng có đến 50% diện tích nằm trên đất Trung Quốc, trên đó đã xây dựng 21 công trình thủy điện. Các tài liệu nghiên cứu về các công trình này ở Việt Nam vẫn không điều tra được mặc dù đã có nhiều cách để thu thập thông tin nhưng vẫn không có hiệu quả.

Trên hệ thống sông Hồng, đặc biệt là sông Đà và sông Lô, sông Gâm khi các hồ thủy điện ở thượng nguồn bao gồm cả phía Trung Quốc và Việt Nam đã khai thác gần hết dòng chảy và lòng sông đã bị biến đổi kịch liệt. Đặc biệt là 2 sông Đà và sông Lô đã bị sạt lở nghiêm trọng. Sự sạt lở chủ yếu là về mùa khô. Sự xói mòn của dòng nước  đã đào sâu lòng dẫn và hai bờ tạo ra nguy cơ mới cho cư dân và địa phương.

Dòng sông Hồng cạn kiệt không chỉ tạo ra môi trường khô hạn chưa từng có, không đủ nước tưới tiêu cho nông nghiệp vùng đồng bằng Bắc Bộ mà còn gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng trong các vùng dân cư và các thành phố ven sông. Đặc biệt như Hà Nội, Việt Trì, Nam Định, Hải Phòng…các dòng sông, kênh rạch trong khu vực theo quy hoạch muốn biến thành các dòng sông xanh, nhưng trên thực tế là những dòng sông ô nhiễm, đen ngòm và không có phương cứu chữa.



Tác động của biến đổi khí hậu, nước thủy triều dâng cao, nước mặn đã theo cửa sông Hồng và Thái Bình lấn dần vào đồng bằng Bắc Bộ. Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và PTNT Hải Phòng, vụ đông xuân 2010, nước mặn xâm nhập vào các sông từ 20 đến 40Km. Tại Tiên Lãng, An Hải, Thủy Nguyên độ mặn là 7- 8% vượt chỉ số cho phép +_1%  rất nhiều. Các tỉnh Thái Bình, Nam Định tình trạng triều dâng và nước mặn vào khá sâu và độ mặn thường trên 1%. Đây là hiện tượng mặn vào sâu nhất trong thập kỷ qua.

Bảo vệ rừng đầu nguồn và xây dựng được các hồ chứa nước

Theo Viện Quy hoạch thủy lợi, đến năm 2070 tổng lượng dòng chảy mùa cạn kiệt ở lưu vực sông Hồng giảm 19% và mùa lũ mực nước tại Hà Nội có thể đạt cao trình +13,24 xấp xỉ cao trình đỉnh đê hiện nay +13,40. Điều đó có nghĩa là khả năng lũ cao trong mùa mưa và cạn kiệt trong mùa khô đều trở nên khắc nghiệt hơn. Chế độ mưa thay đổi cùng với quá trình đô thị hóa và công nghiệp hóa dẫn đến nhu cầu tiêu dùng nước gia tăng đột biến, khiến nhiều hệ thống thủy lợi không đáp ứng được yêu cầu tiêu, cấp nước. Cùng với tác động của biến đổi khí hậu, nguồn cung cấp nước sạch sẽ trở nên khan hiếm.

Gần đây Bộ NN&PTNT đã hoàn thiện quy hoạch tiêu thoát nước cho hệ thống sông Nhuệ, trong đó có Hà Nội. Để giảm úng ngập cho thành phố, Bộ NN&PTNT đề xuất xây dựng mới cống, trạm bơm Liên Mạc làm nhiệm vụ tưới tiêu kết hợp (170m3/s) và tiếp nước cải thiện môi trường sông Nhuệ; xây dựng mới các trạm bơm: Nam Thăng Long (9m3/s), Yên Sở II (45m3/s), Yên Sở III (55m3/s), Đông Mỹ (35m3/s), Yên Nghĩa (120m3/s), Yên Thái (54m3/s), Đào Nguyên (15m3/s).

Dự kiến, dự án quy hoạch tổng thể thủy lợi ĐBSH trong điều kiện BĐKH và nước biển dâng sẽ cần gần 294 nghìn tỷ đồng vốn đầu tư. Các chuyên gia thủy lợi cho rằng, vấn đề mấu chốt mang tính chiến lược của quy hoạch thủy lợi ĐBSH là phải bảo đảm an ninh dòng chảy. Để làm được điều này phải chú trọng bảo vệ rừng đầu nguồn và xây dựng được các hồ chứa nước trên thượng nguồn các dòng sông nhằm cắt lũ trong mùa mưa và tích trữ, ổn định cấp nước cho mùa khô; nâng cấp hệ thống đê sông để bảo đảm an toàn cho vùng hạ du.

Tại các cửa sông và tỉnh ven biển như Nam Định, Thái Bình... phải xây dựng hệ thống cống, đập để chống nước biển dâng và xâm ngập mặn; nâng cấp và hoàn thiện đê biển và các cống dưới đê; dọc ven biển cần phải bổ sung trồng thêm rừng ngập mặn. Một giải pháp cần thiết được các nhà khoa học đưa ra là cần đầu tư xây mới, nâng cấp, hiện đại hóa các công trình thủy lợi như hồ, đập, trạm bơm tưới, tiêu, các cống trên địa bàn các tỉnh ĐBSH. Theo đó, vùng ĐBSH sẽ phải nâng cấp và xây mới 272 hồ đập, 572 trạm bơm... để cung cấp nước cho 398.000ha đất cần tưới; nâng cấp 398 trạm bơm, cống tiêu và xây mới 143 công trình để bảo đảm tiêu cho 1.162.160ha.      

 Hương Giang

Nguồn tin:http://www.monre.gov.vn